Vào tù vì làm giả tài liệu, con dấu để trục lợi
Khi điều tra viên Công an TP Quy Nhơn tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng để làm rõ về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đối tượng Đoàn Đình Cang (60 tuổi, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) cúi đầu trầm ngâm, phút chốc bỗng rơi nước mắt. Đã quá nửa đời người, song chỉ vì muốn kiếm tiền nhanh chóng mà không phải lao động, Cang đi từ sai lầm này đến sai lầm khác và bị pháp luật xử lý.
Trước khi bị bắt, Cang là người đàng hoàng, chưa từng vi phạm pháp luật. Mới giữa năm 2014, nhiều người đi học lấy bằng lái xe mô tô, ô tô ở Trung tâm đào tạo nghiệp vụ GTVT Bình Định còn gọi Cang là thầy, dù rằng Cang không dạy học mà chỉ hướng dẫn tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, giúp họ nắm bắt nhanh, thi đạt kết quả tốt. Thời gian đó, nhiều người đến quán nước đối diện trường lái trên đường Tây Sơn thường thấy Cang ở đó, với bộ “giáo án” chính tay soạn, tận tình hướng dẫn những ai có nhu cầu học luật giao thông để thi bằng lái với chi phí rất khiêm tốn, mỗi người chỉ vài chục ngàn đồng, thi đậu mới nhận tiền. Tuy nhiên, hành vi vi phạm pháp luật của Cang cũng xuất phát từ đây. Một số người đi thi bằng lái nhưng vì nhiều lý do chưa có giấy khám sức khỏe nhờ Cang có quen biết thì lo giúp. Cang liền nghĩ đến chuyện làm giả giấy tờ, vừa giúp người khác được việc, vừa kiếm được tiền.
Cuối tháng 7.2014, gom góp hết số tiền có được và mượn thêm của người thân, Cang mua 1 máy scan, 1 máy in màu, 1 máy tính xách tay (hàng đã qua sử dụng) và đặt một người lạ (chưa xác định lai lịch) khắc một con dấu gỗ tròn giống mẫu dấu của BVĐK Hòa Bình, TP Quy Nhơn với giá 3 triệu đồng. Vị chi hết gần chục triệu cho “đồ nghề”. Cách thức làm giả giấy khám sức khỏe của Cang cũng hết sức đơn giản: lấy tên của bác sĩ Nguyễn Thị Minh Tuyết và mẫu giấy khám sức khỏe scan vào máy vi tính, sau đó dùng máy in màu in thành giấy khám sức khỏe “dỏm”, bán cho khách hàng, mỗi tờ 50.000 đồng. Tuy nhiên, cái giấy “không giống ai” đó không qua mắt được Sở GTVT. Cơ quan này biết là giả nên đã yêu cầu người nộp hồ sơ phải có hóa đơn bán hàng của bệnh viện. Cang lại tiếp tục scan mẫu hóa đơn bán hàng thật của BVĐK Hòa Bình vào máy rồi chỉnh sửa thông tin, dùng máy in màu in thành hóa đơn giống hóa đơn của bệnh viện, dùng dấu giả đóng lên hóa đơn đưa cho khách hàng.
Chính tờ hóa đơn đó là bằng chứng không thể chối cãi về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” của Cang.
HỒNG NGỌC