Hòn đá giữa đường
Trên đường chở bác về nhà, ngay lối vào hẻm có 1 hòn đá nằm chình ình giữa đường, tôi cố tránh qua một bên suýt nữa ngã vì sức con gái yếu mà đường cũng không rộng lắm. Tôi thắc mắc sao có hòn đá nằm giữa đường mà không ai đẩy sang, để vậy dễ gây tai nạn lắm. Bác bảo: “Hòn đá nằm ở đó 2 ngày rồi, hôm bác về nội đã thấy nhưng vội quá đi luôn, để xíu bác bảo anh ra đẩy qua một bên, chứ để đó người nào không thấy vấp phải thì khổ”. Quan sát thêm, tôi chứng kiến dòng người qua lại đông nghịt đều tự uốn tay ga để khỏi đụng chứ tuyệt nhiên chẳng thấy ai dừng xe dẹp hòn đá.
Vừa quay lưng vào nhà, tôi đã nghe tiếng ồn ào. Hóa ra, thằng bé con anh hàng xóm nhà bác đi học về, vừa đi vừa đùa không để ý hòn đá phía trước nên tông vào. May mà chỉ xây xát nhẹ. Sau sự kiện ấy, bố của thằng bé đã bê hòn đá bỏ đi. Thấy vậy, một cụ cao tuổi bảo: “Ai đi qua cũng đều thấy vật cản cả đấy nhưng vì làm biếng dừng xe nên nó cứ trơ ra đó. Chuyện đáng tiếc từ đó mà ra”.
Một lần khác đang đi trên xe khách về quê, trưa nắng đã mệt rồi mà anh thanh niên trên xe cứ lấy điện thoại mở nhạc còn gắn vào cái loa mini nghe cho lớn rồi ngồi lắc lư theo. Anh nghe mấy bài nhạc không rõ lời, tiếng ta tiếng Tây nhập nhặng làm mấy cô lớn tuổi nhăn mặt vì đau đầu, mấy em nhỏ thì khó chịu vì không ngủ được. Ảnh hưởng là vậy nhưng cũng không thấy ai lên tiếng. Tôi ngồi xa anh ta nhưng cũng thấy khó chịu nên đi lên nói nhẹ: “Anh mở nhạc nhỏ vừa đủ nghe thôi hay lấy tai phone mà nghe, mở nhạc to quá trưa nắng đã mệt nghe còn mệt thêm”. Nghe tôi nói mọi người cũng góp ý thêm. Anh thanh niên tắt nhạc nhưng bảo: “Tại không thấy ai ý kiến gì nên nghĩ mọi người cũng thích nghe”.
Chúng ta thường có thói quen ngại lên tiếng hoặc làm gì đó khi gặp những điều “chướng tai, gai mắt”, tuy nó ảnh hưởng đến số đông nhưng mọi người ai cũng đùn đẩy cho nhau, người này chờ người khác nói hoặc làm, thành ra cuộc sống vẫn cứ còn nhiều “hòn đá giữa đường”.
MỸ HẠ