Xử lý các hộ nuôi tôm tự phát tại xã Tam Quan Nam:
“Nhất bên trọng, nhất bên khinh”?
UBND xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn) đã dùng biện pháp mạnh để xử lý, ngăn chặn các hộ nuôi tôm tự phát tại địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý không đồng bộ, người bị phạt, người không khiến một số người dân bức xúc, cho rằng xã bao che, giải quyết thiếu công bằng nên gửi đơn tới ngành chức năng đề nghị xem xét, can thiệp.
Người phạt, kẻ tha
Cách đây khoảng 3 năm, ông Trần Văn Khanh- ở vùng 3, thôn Cửu Lợi Tây (xã Tam Quan Nam) cải tạo hơn 500m2 đất vườn để xây dựng hồ nuôi tôm khi chưa được địa phương và ngành chức năng cho phép. Tương tự như ông Khanh, gia đình bà Ngô Thị Anh Trâm (ở vùng 4, thôn Cửu Lợi Tây) và gần 50 hộ gia đình ở các thôn Cửu Lợi Nam, Cửu Lợi Bắc, Cửu Lợi Đông, Cửu Lợi Tây cũng tự ý cải tạo đất vườn làm hồ nuôi tôm. Việc các hộ dân ồ ạt nuôi tôm tự phát dẫn đến nhiều hệ lụy xấu như sử dụng đất sai mục đích, cạn kiệt nguồn nước ngầm, ô nhiễm môi trường.
UBND xã Tam Quan Nam nhiều lần tổ chức họp dân tuyên truyền; đồng thời, tới từng hộ gia đình vận động cam kết tự giác tháo dỡ hồ tôm. Do nhiều hộ dân không tự nguyện chấp hành nên chính quyền địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính và phối hợp với Điện lực Bồng Sơn cắt điện những trường hợp cố tình vi phạm, trong đó có hộ gia đình ông Khanh. Kể từ khi bị cắt điện đến nay (từ 15.9 - 24.11), gia đình ông Khanh vẫn chưa được gắn trở lại công tơ dù không tiếp tục nuôi tôm.
Điều đáng nói, cách nhà ông Khanh không xa, hộ ông Trương Minh Tới (trưởng vùng 4, thôn Cửu Lợi Tây) và các ông Trần Quốc Bảo, Lê Lào cũng nuôi tôm tự phát nhưng không bị xử lý. Ông Khanh bức xúc: “Gia đình tui nuôi tôm tự phát, bị xã xử lý là đúng; nhưng tại sao một số hộ khác cũng làm như tui mà vẫn “bình yên vô sự”. Hiện nay, gia đình tui không còn nuôi tôm và cam kết không nuôi trở lại, vậy mà xã cũng không chịu đề nghị điện lực gắn trở lại công tơ điện”. Bà Ngô Thị Anh Trâm cũng bày tỏ: “Chính quyền đã xử lý thì phải xử lý toàn bộ, chứ làm theo kiểu người phạt, người không người dân chúng tôi không phục. Phải chăng đã có sự bao che, nể nang trong việc xử lý?”.
Chính quyền nói gì?
Đem những thắc mắc, bức xúc của người dân tới gặp đại diện UBND xã Tam Quan Nam, chúng tôi được ông Trần Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trường hợp gia đình ông Khanh, dù không còn nuôi tôm, nhưng do không tháo dỡ hồ như yêu cầu của địa phương nên xã chưa đề nghị điện lực gắn trở lại công tơ.
Còn hộ ông Trương Minh Tới, nguyên trước đây được nhà nước giao quyền sử dụng hồ tôm; quá trình nuôi, gia đình ông lấn chiếm, sử dụng một phần diện tích đất để mở rộng hồ. Còn 2 trường hợp của ông Trần Quốc Bảo và Lê Lào, sử dụng diện tích đất vườn đã có sẵn hồ trước đây để cải tạo, nâng cấp thả nuôi tôm. Cả 3 trường hợp này đều đề nghị xã cho phép thả nuôi tôm thêm một thời gian để có thể thu hồi vốn nên đến nay xã chưa xử lý(?).
VĂN LỰC
Kính gửi tòa soạn báo Bình Định Tôi đã đọc bài báo "nhất bên trọng nhất bên khinh" của tác giả Văn Lực và có một vài ý kiến sau Hồ nuôi tôm trái phép của bà Ngô Thị Anh Trâm và ông Trần Văn Khanh nuôi tôm trái phép trong đất vườn, sử dụng đất sai mục đích dù được chính quyền tuyên truyền vận động tháo dọn dở nhưng bà không đồng ý cố tình thả tôm nuôi nhiều vụ trong khi đó các hồ xung quanh bà đã dọn dở hết và hiện nay bà vẩn đang thả tôm nuôi. Trong khi đó hồ nuôi tôm của ông Trương Minh Tới được nhà nước giao quyền trong quá trình nuôi hồ bị ô nhiểm nên ông đã cải tạo đáy hồ để tiếp tuc nuôi tôm thì phóng viên Văn Lực nói ông Trương Minh Tới nuôi tôm tự phát là không đúng sự thật và bóp méo sự thật, mặc khác trước đây ông lấn chiếm đất để nuôi tôm nhưng khi xã đề nghị thì ông đã dọn dở và trả lại hiên trạng ban đầu thì nhà báo Văn Lực không tìm hiểu kỷ. Nên tôi nêu ý kiến của mình để tòa soạn và tác giả Văn Lực biết để không làm mất lòng tin giữa bạn đọc và tòa soạn.