Tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam cao hơn nhiều nước
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, tỷ lệ sống của các bệnh nhân sau khi ghép tạng ở Việt Nam được đánh giá cao hơn nhiều nước.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Quyêt phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nhật Linh/TTXVN)
Tại hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo tuyến diễn ra ngày 26/11 tại Hà Nội, phó giáo sư Quyết cho hay, các bác sỹ tại Bệnh viện Việt Đức đã ghép gan thành công cho 26 trường hợp là người lớn, trong đó có 23 trường hợp tỷ lệ sống sau một năm chiếm 90%. Con số này cao hơn hơn với báo cáo của nhiều quốc gia có nền y học phát triển.
Những năm qua, Bệnh viện Việt Đức cũng đã thực hiện thành công 9/11 ca ghép tim ở Việt Nam. Đáng nói ca ghép thứ 9 được thực hiện gần đây được giới chuyên môn đánh giá là một kỳ tích trong lịch sử ghép tạng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Người được chỉ định ghép là một cô gái 27 tuổi ở Yên Bái có quả tim lạc chỗ nằm bên phải và có rất nhiều dị tật phức tạp.
“Sau ba tháng được ghép, với những nỗ lực không mệt mỏi của các y bác sỹ, của gia đình và của chính người bệnh, quả tim mới của cô gái trên đã thực sự hồi sinh, mang lại cuộc sống mới trong cơ thể 26 năm cầm cự chiến đấu với trái tim bệnh tật”- phó giáo sư Quyết chia sẻ.
Cũng theo phó giáo sư Quyết, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công ghép nhiều cơ quan cho nhiều bệnh nhân trong cùng một lúc (ghép tim, ghép gan, ghép thận cho 2 người trong một ngày). Bệnh viện cũng là nơi duy nhất của Việt Nam thực hiện hầu hết các phẫu thuật nội soi như phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật nội soi lồng ngực, phẫu thuật nội soi tim mạch, nội soi u mềm sọ não, các loại phẫu thuật thần kinh khó…
Đánh giá về công tác chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, phó giáo sư Trần Bình Giang - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết trong những năm qua, bệnh viện đã cử chuyên gia là trưởng, phó các chuyên khoa về các bệnh viện địa phương chuyển giao kỹ thuật.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện cũng cũng thành lập nhiều đội cấp cứu lưu động giúp đỡ các bệnh viện địa phương trong trường hợp xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng trên địa bàn.
Những năm qua, các bác sỹ của bệnh viện cũng thực hiện tư vấn, hội chẩn phẫu thuật từ xa cho các bệnh viện vệ tinh thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến với các ca phẫu thuật khó.
Đặc biệt, nhiều kỹ thuật mổ phức tạp trước đây các bệnh viện tại địa phương chưa thể triển khai, nay đã được thực hiện tốt như phẫu thuật cấp cứu thần kinh, phẫu thuật cấp cứu bụng, phẫu thuật cấp cứu chấn thương, phẫu thuật mạch máu…
Với việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ ngành y qua công tác chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới, từ năm 1996 đến nay đã có hàng nghìn học viên là các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên được cấp chứng chỉ, nâng cao nghiệp vụ.
THEO NHẬT LINH (VIETNAM+)