Đã xuất hiện nạn nhân của rắn lục đuôi đỏ
(BĐ) - Đến trưa 27.11, sức khỏe của 2 bệnh nhân Nguyễn Văn Hiệp (35 tuổi, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) và Võ Hồng Luyện (52 tuổi, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) đều ổn định sau khi được điều trị tại BVĐK tỉnh do rắn lục đuôi đỏ cắn từ tối 25.11.
Anh Hiệp là tài xế xe buýt, bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi vừa xuống trạm xe buýt nghỉ ở thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Trong khi đó, ông Luyện bị rắn cắn ở trước nhà.
Trong cả hai trường hợp, người dân đều bắt được rắn lục đuôi đỏ đã cắn người. Cả hai bệnh nhân đều được tiêm huyết thanh kháng nọc rắn lục tre.
Theo số liệu tổng hợp của khoa Nội Tổng hợp (BVĐK tỉnh), từ đầu tháng 11.2014 đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 16 bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó có 13 ca do rắn lục cắn, 3 ca không xác định được loại rắn.
Tin, ảnh: NGUYỄN VĂN TRANG
Đập chết con rắn để xem loại rắn cắn là loại độc hay không độc để xử lý. Nếu cắn ban đêm, rắn bỏ chạy, hoặc là trẻ con bị rắn cắn, hoảng sợ, không xác định được, thì xem dấu răng cắn trên da. Nếu chỉ có 1 lỗ hoặc 2 lỗ, ứa máu ra, bắt đầu sưng đau nhức... thì chắc chắn là nanh của rắn độc. Còn rắn lành thì hàm răng đều nhau, không có 2 nanh, khi cắn để lại hình vòm cung, độ sâu như nhau, giống như cào xước và không có sưng nhức. Tiếp đó là sơ cứu. Nếu xác định là rắn độc, như rắn lục, rắn hổ, rắn cạp nia...thì ngay lập tức, dùng dây vải, dây ba-ga hoặc dây gì cũng được, miễn là to bản để quấn hơi chặt trên vết cắn khoảng 5cm, nhằn hạn chế bớt chất độc theo máu đi về tim. Đừng dùng dây nhỏ và riết quá chặt sẽ dẫn đến hoại tử, hư hại, chết phần chân tay bên dưới do không có máu để nuôi dưỡng. An ủi người bị rắn cắn phải bình tĩnh, không hoảng loạn để tránh tim đập nhanh, máu về nhiều. Tiếp đó, lập tức rửa vết cắn bằng xà bông với nước sạch, tiếp đó, dùng dao sắc nhọn, sát trùng bằng cồn hoặc hơ lửa để nguội và rạch nhẹ nơi vết cắn hình dấu cộng, nặn máu và hút máu bằng bông gòn. Nặn 3-4 lần theo hướng bóp tay từ rộng vào hẹp nhằm đẩy máu độc ra bớt. Sau đó sát trùng ngay bằng cồn hoặc nước i-ốt sát khuẩn, kẹt quá thì pha nước muối đậm rửa cũng được. Cuối cùng là nên đưa bệnh nhân đến Bệnh viện hoặc Trung tâm y tế luôn, đừng chạy tới trạm y tế xã, mất công và mất thời gian cấp cứu, bởi họ không có dự phòng huyết thanh kháng nọc và cũng không có xe cấp cứu.