Nâng cao năng lực quản lý hoạt động khai thác khoáng sản
Làm gì để quản lý có hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản (KS) là vấn đề được đặt ra và trao đổi thẳng thắn tại buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ TN-MT với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp (DN) của tỉnh, vừa diễn ra tại TP Quy Nhơn.
Bình Định là một trong những tỉnh có tiềm năng về tài nguyên KS, nhất là sa khoáng titan. Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, hoạt động thăm dò, khai thác KS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại.
Công ty CP Khoáng sản Bình Định (BIMICO) là một trong số những DN thực hiện khá nghiêm túc các quy định của Nhà nước về khai thác, chế biến KS.
- Trong ảnh: Một điểm khai thác titan của BIMICO ở Phù Cát.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: Những năm qua, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về KS trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh quan tâm, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn các quy định của pháp luật về KS, đồng thời thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác QLNN về KS. Nhờ vậy, hoạt động khai thác KS của các tổ chức, cá nhân từng bước đi vào nề nếp, tuân thủ tương đối tốt hơn các quy định của pháp luật về KS.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, công tác này vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Ngoài titan, đá granite, vẫn còn một số loại KS đã phát hiện nhưng chưa được khai thác phục vụ phát triển KT-XH. Công tác tìm kiếm, thăm dò, nâng cấp tài nguyên KS chưa được quan tâm đúng mức; số liệu đánh giá tổng trữ lượng KS có độ chính xác chưa cao. Các cơ quan giúp UBND các cấp quản lý KS chưa hoàn thiện về tổ chức, thiếu lực lượng chuyên môn và trang thiết bị chuyên dụng; một số DN khai thác KS không tuân thủ đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), hoặc cam kết bảo vệ môi trường.
Còn theo ông Nguyễn Thái Lâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội KT-CBĐ Bình Định: Hiệp hội có 23 DN hội viên, khai thác 34 mỏ đá và có 20 nhà máy chế biến đá. Cùng với chế biến gỗ, CBĐ là 1 trong 2 ngành mũi nhọn của Bình Định, song những năm gần đây, hoạt động thăm dò, KT-CBĐ trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, trong năm 2012 các DN trong tỉnh chỉ sản xuất được trên 1 triệu m2 đá và lượng hàng tồn kho chiếm trên 12%; sản lượng đá granite sản xuất năm 2013 giảm trên 29%.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và KS, cho rằng, Bình Định là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về KS titan, song công tác QLNN về lĩnh vực này chưa chặt chẽ, thậm chí có nơi gần như không kiểm soát được trữ lượng cũng như sản lượng khai thác, nhất là tình trạng thất thu thuế.
Nâng cao năng lực quản lý
Theo ông Đặng Trung Thành, những khó khăn của hoạt động thăm dò, khai thác KS nảy sinh chính từ những bất cập của các văn bản pháp quy. Theo đó, trước đây, phần lớn các mỏ đá granite trên địa bàn tỉnh được khai thác phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đá ốp lát được cấp phép theo Luật KS năm 2005, chưa có kết quả thăm dò trữ lượng KS và tuổi thọ không quá 5 năm (thời gian cấp phép 3 năm, gia hạn 2 năm) nên hiện đã hết hạn. Trong khi đó, Luật KS năm 2010 bắt buộc phải cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng mới được cấp phép khai thác KS. Tiếp đó, đầu năm 2012, Chính phủ ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg yêu cầu tạm dừng việc cấp phép khai thác đá granite. Vì vậy, từ đó đến nay UBND tỉnh chưa cấp giấy phép khai thác đá granite làm ốp lát cho DN nào. Điều đó đã làm cho hoạt động của các DN CBĐ ốp lát bị đình trệ.
Cũng theo ông Đặng Trung Thành, trước những khó khăn, bất cập trên, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số vấn đề liên quan đến công tác QLNN về KS, như: Đề nghị Chính phủ, Bộ TN-MT cho phép tỉnh tiếp tục cấp phép thăm dò, khai thác sa khoáng titan tại các khu vực đã được bàn giao, khu vực có KS phân tán nhỏ lẻ; cho tỉnh tiếp tục cấp phép khai thác sa khoáng titan tại Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội để tránh thất thu và sử dụng hiệu quả tài nguyên KS. Đề nghị Bộ TN-MT xem xét ban hành quy định về phân cấp trữ lượng và thăm dò mỏ đá ốp lát, tiêu chuẩn xác định mỏ đá ốp lát. Đề nghị Trung ương có cơ chế khuyến khích chế biến sâu KS, nhất là các sắc thuế liên quan đến chế biến sâu và nguyên liệu phụ trợ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đánh giá cao những nỗ lực của Sở TN-MT trong công tác QLNN về KS thời gian qua, nhất là những phát hiện, đóng góp về một số nội dung văn bản pháp luật liên quan đến công tác QLNN về KS. Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh, Sở TN-MT và các cơ quan chức năng cần nâng cao hơn nữa vai trò QLNN về KS trên địa bàn. Về những kiến nghị của tỉnh, Thứ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời cụ thể một số nội dung chủ yếu. Liên quan đến KKT Nhơn Hội, Bộ TN-MT sẵn sàng tạo điều kiện để tỉnh phát triển KKT này. Tuy nhiên, cần lưu ý, khai thác KS phải hiệu quả, tránh thất thoát tài nguyên để giữ gìn cho các thế hệ con cháu mai sau.
VIẾT HIỀN