Phải thông tin công khai các vụ bắt giữ hàng giả, hàng nhái
"Bắt được vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái nào thì phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân được biết, không được để vụ việc qua lâu rồi chìm xuống."
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm ngày phòng chống hàng giá, hàng nhái hàng năm (29.11) do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam tổ chức sáng 28.11, tại Hà Nội.
Nhấn mạnh thêm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện hàng lậu, hàng giả, hàng nhái đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Nguyên nhân chính là sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu, quy định pháp luật vẫn còn nhiều kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng. Quan trọng hơn là tình trạng bao che, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra.
Từ thực tế trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái phải làm quyết liệt, chọn lựa cán bộ có phẩm chất để làm chuyển biến công tác đấu tranh với loại tội phạm này.
"Đảng ủy Bộ Công Thương khi họp phải nêu ra được giải pháp để chống hàng giả, hàng lậu. Ngoài ra, hai lực lượng nòng cốt trên thị trường nội địa là quản lý thị trường và công an phải đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, đấu tranh vào các đường dây ổ nhóm, để làm lành mạnh hóa thị trường, qua đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng," Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Báo cáo tại Lễ Kỷ niệm, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu (Vatap) cũng bày tỏ, nạn sản xuất, kinh doanh và buôn bán hàng lậu, hàng giả đang diễn ra hết sức phức tạp.
Ông Bảo cho biết, các mặt hàng bị làm giả cũng đa dạng từ rẻ tiền đến cao cấp, thậm chí cả những mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe cho người tiêu dùng như mỹ phẩm, đồ ăn, thuốc uống cũng bị làm giả rất nhiều.
"Nếu vẫn còn hiện tượng tiêu cực ở một bộ phận cán bộ bảo vệ pháp luật thì công tác chống buôn lậu sẽ không chuyển biến," ông Bảo bày tỏ.
Thống kê của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), qua 11 tháng lực lượng này đã xử lý 17.500 vụ liên quan đến buôn lậu, hàng giả và hàng nhái. Tuy nhiên, để có một giải pháp căn cơ và lâu dài sẽ cần sự đồng bộ từ cơ chế chính sách, lực lượng chức năng, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
Kinh nghiệm thực tế từ việc chống hàng giả của Công ty cổ phần tập đoàn Hoa sen (chuyên sản xuất tôn), theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn, doanh nghiệp cần đăng ký sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm để được pháp luật bảo vệ.
Bên cạnh đó, muốn chống hàng giả, hàng nhái bản thân doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống phân phối tốt và người đứng đầu doanh nghiệp phải trực tiếp quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu.
"Người tiêu dùng khi mua hàng cần lấy hóa đơn bán hàng, nếu phát hiện vi phạm thì đây sẽ là căn cứ để các lực lượng chức năng xử lý," ông Lê Phước Vũ chia sẻ.
Theo ĐỨC DUY (VIETNAM+)