Xóa bỏ sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công:
Phù hợp thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và của tỉnh, các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đang trên lộ trình triển khai việc xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công (sau đây gọi tắt là lò gạch ngói thủ công) nhằm bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Trần Viết Bảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, về vấn đề này.
* Ông có thể cho biết tình hình thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch ngói thủ công trên địa bàn tỉnh?
- Tỉnh ta hiện có 1.161 lò gạch ngói thủ công (LGNTC), trong đó huyện Phù Mỹ có 7 lò, Hoài Ân 14 lò, Phù Cát 17 lò, Hoài Nhơn 28 lò, thị xã An Nhơn 148 lò, Tây Sơn 947 lò. Theo Quyết định (QĐ) số 48/2013/QĐ-UBND ngày 20.12.2013 của UBND tỉnh về lộ trình và chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động sản xuất LGNTC, đến ngày 31.12.2014, chấm dứt hoạt động đối với các LGNTC nằm trong khu dân cư. Đến ngày 31.12.2015, chấm dứt hoạt động các LGNTC nằm ngoài khu dân cư hoặc trong các điểm sản xuất tập trung ngoài các cụm công nghiệp. Đến ngày 31.12.2016 chấm dứt hoạt động đối với các LGNTC trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, năm 2014 toàn tỉnh sẽ xóa bỏ 315 LGNTC, song quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách hỗ trợ xóa bỏ LGNTC đã được quy định tại QĐ48. Trước tình hình trên, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành QĐ số 29/2014/QĐ-UBND ngày 14.11.2014 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung đã được quy định tại QĐ 48 phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện lộ trình xóa bỏ LGNTC. Theo đó, các LGNTC có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc xác nhận nộp thuế của các cơ quan quản lý thuế tại địa phương từ thời điểm 31.12.2012 trở về trước (mốc thời gian chốt danh sách các LGNTC đang hoạt động trên địa bàn tỉnh) được nhận tiền hỗ trợ của tỉnh. Trường hợp LGNTC đã chuyển nhượng sang chủ khác, nhưng chưa thực hiện thay đổi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, việc xem xét hồ sơ hỗ trợ được căn cứ dựa trên người nộp thuế trực tiếp đối với hoạt động LGNTC tại địa phương. Các chủ cơ sở sản xuất chấm dứt hoạt động LGNTC từ ngày 28.11.2011 đến ngày 31.12.2012 hoặc đã thực hiện cam kết chấm dứt hoạt động theo lộ trình quy định cũng được hỗ trợ.
Đến nay, các địa phương đã tổ chức thống kê, rà soát nắm chắc số hộ có LGNTC, xác định đối tượng cần tháo dỡ LGNTC theo lộ trình. Các địa phương cũng đã hướng dẫn người dân kê khai theo mẫu, hoàn chỉnh hồ sơ trình Sở Tài chính thẩm định. Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt, cấp kinh phí cho các địa phương thực hiện chi trả cho người dân vào cuối năm nay.
* Hiện một số tỉnh, thành trong nước đã và đang xóa bỏ lò gạch Hoffman, nhưng tỉnh ta lại cho xây dựng loại lò gạch này?
- Công nghệ lò nung Hoffman (lò vòng) có nguồn gốc từ Đức, được chuyển giao vào Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước và đã được cải tiến chuyển từ việc đốt củi sang đốt phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, mùn cưa, vỏ hạt điều... Lò Hoffman sử dụng ít chất đốt và sử dụng hiệu quả cao nguồn nhiệt, có công đoạn xử lý bụi và khói trước khi xả ra môi trường, nên đã giảm được lượng khí ô nhiễm thải ra môi trường (giảm trên 70% so với lò thủ công). Tôi được biết, hiện mới chỉ có tỉnh Bình Dương xóa bỏ lò gạch Hoffman.
Còn ở tỉnh ta, trong quá trình thực hiện việc xóa bỏ LGNTC cần phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) phục vụ hoạt động xây dựng và giải quyết việc làm cho lao động tại các địa phương. Theo tôi, tỉnh ta cho sử dụng lò Hoffman để thay thế dần các LGNTC là phù hợp với yêu cầu thực tế. Hơn nữa, QĐ số 1469/QĐ-TTg ngày 22.8.2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 ghi rõ: Tùy theo điều kiện cụ thể, khuyến khích các địa phương chấm dứt hoạt động đối với các lò vòng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Việc tỉnh ta cho xây dựng lò gạch nung Hoffman cũng không sai.
* Việc phát triển VLXD không nung đã được thực hiện đến đâu; nếu năm 2016 đã xóa bỏ hoàn toàn các LGNTC thì có đảm bảo đủ gạch phục vụ hoạt động xây dựng trong tỉnh, thưa ông?
- Bên cạnh thực hiện xóa bỏ LGNTC, tỉnh ta cũng đã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh VLXD không nung. Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, đối với các công trình xây dựng (CTXD) bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, từ ngày 15.1.2013, các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% VLXD không nung. Tại các khu vực còn lại, kể từ ngày 15.1.2013 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXD không nung, sau năm 2015 phải sử dụng 100%. Các CTXD từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXD không nung.
Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất VLXD không nung ở tỉnh ta còn chậm. Hơn nữa, các CTXD trong năm 2015 sử dụng nguồn vốn ngân sách đã được tỉnh ta phê duyệt trong năm 2014 (sử dụng VLXD từ LGNTC), nên Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị phát triển VLXD không nung theo hướng lùi lại lộ trình thực hiện so với quy định của bộ, ngành Trung ương. Cụ thể, đến năm 2015, đối với địa bàn TP Quy Nhơn, các CTXD đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách sử dụng 100% VLXD không nung; các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 50% VLXD không nung.
Từ năm 2016, nhu cầu sử dụng VLXD không nung rất lớn, bởi tỉnh ta xóa bỏ toàn bộ LGNTC theo lộ trình, và hầu hết các CTXD đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước đều phải sử dụng VLXD không nung. Theo tôi, các cơ sở sản xuất VLXD không nung và các cơ sở có lò Hoffman sẽ đẩy mạnh sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu về vật liệu cho hoạt động xây dựng trong tỉnh.
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)
"Các CTXD trong năm 2015 sử dụng nguồn vốn ngân sách đã được tỉnh ta phê duyệt trong năm 2014 (sử dụng VLXD từ LGNTC), nên Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị phát triển VLXD không nung theo hướng lùi lại lộ trình thực hiện so với quy định của bộ, ngành Trung ương. Cụ thể, đến năm 2015, đối với địa bàn TP Quy Nhơn, các CTXD đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách sử dụng 100% VLXD không nung; các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 50% VLXD không nung." Như vậy trong năm 2015 đã áp dụng sử dụng VLX không nung vào các công trình có nguồn vốn của Nhà nước chưa? Công ty chúng tôi là một trong những đơn vị đi đầu trong Tỉnh phát triển VLXKN,tuy nhiên mong mỏi những chính sách của Tỉnh và Sở XD mòn mỏi,hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được,không biết chúng tôi có thể tồn tại đến năm 2016? Mời nhà báo Phạm Tiến Sĩ đến nhà máy chúng tôi thuộc KCN Phú Tài để tham quan.hoặc LH :0905470249(Sanh),để biết được những khó khăn của những đơn vị sản xuất VLKN ,Xin Cảm ơn!