Kiểm tra công tác ứng phó cơn bão số 4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo:
Bình Định phải chủ động thực hiện các phương án ứng phó với bão
(BĐ) - Ngày 29.11, Đoàn công tác của Trung ương do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát dẫn đầu đã có buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh về tình hình thực hiện các phương án ứng phó với cơn bão số 4. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Phi Hổ, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát phát biểu chỉ đạo triển khai phương án ứng phó với cơn bão số 4
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở NN-PTNT cũng đã phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm đếm tàu cá, thông tin, kêu gọi và hướng dẫn ngư dân tìm nơi trú tránh an toàn. Qua kiểm tra, số lượng tàu thuyền của tỉnh hoạt động khai thác thủy sản trên biển là 6.767 tàu/43.211 người, trong đó có 4.049 tàu/21.911 người hoạt động ven bờ đã vào các khu neo đậu; khu vực biển từ Phú Yên đến Bình Thuận có 291 tàu/2.428 người cũng đã đã vào bờ neo đậu an toàn. Ngoài ra, các khu vực biển từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ninh có 65 tàu/657 người; Bà Rịa Vũng Tàu – Kiên Giang 1.839 tàu/14.904 người; Hoàng Sa 62 tàu/434 người, giữa Hoàng Sa – Trường Sa 22 tàu/154 người, khu vực Trường Sa có 439 tàu/2.723 người đã thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Về tình hình sản xuất vụ ĐX 2014- 2015, đến nay nông dân trong tỉnh đã xuống giống trên diện tích 4.000 ha và đã chuẩn bị ngâm ủ giống để gieo sạ tiếp 14.000 ha trong vài ngày tới. Nếu có mưa lũ lớn sẽ làm trôi giạt lúa mới sạ, lượng giống ngâm ủ không sạ được sẽ thiệt hại cho nông dân. Lượng nước tại các hồ chứa trong tỉnh hiện đang ở mức thấp (các hồ chứa mới chỉ tích được 270/575 triệu m3, đạt 47% thiết kế, 86% cùng kỳ năm trước, nên UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các đơn vị đóng hồ để tích nước, lấy nước phục vụ sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết, lượng mưa, trên cơ sở đó triển khai phương án tích và điều tiết lượng nước tại các hồ chứa.
Nhiều ngư dân đã đưa tàu thuyền vào Cảng cá Quy Nhơn để tránh trú bão và bán sản phẩm
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết: Nhằm chủ động ứng phó với bão số 4, chiều ngày 28.11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó với bão. UBND tỉnh cũng đã có Công điện khẩn chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các địa phương khẩn trương duy trì trực ban 24/24 để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh và Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh biết để chỉ đạo. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục kêu gọi ngư dân di chuyển tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời ra lệnh cấm biển không cho ngư dân ra khơi và không cho phép ngư dân ở lại trên các tàu cá, lồng bè. Ngành chức năng và chính quyền các địa phương kiểm tra và có phương án tích nước, điều tiết nước hợp lý vừa đảm bảo sản xuất, vừa tránh lũ cho vùng hạ du; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, lương thực tại chỗ sẵn sàng khi có lệnh. Sáng ngày 29.11, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các thành viên trong Ban chỉ huy PCTT-TKCN của tỉnh cũng đã đi kiểm tra phương án ứng phó với bão số 4 tại các địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đánh giá cao phương án chuẩn bị ứng phó cơn bão số 4 của tỉnh, đồng thời yêu cầu tỉnh tiếp tục duy trì việc kêu gọi tàu cá và hướng dẫn ngư dân di chuyển phương tiện thoát khỏi vùng nguy hiểm; thực hiện nghiêm ngặt lệnh cấm biển, không để ngư dân ra khơi trong thời điểm này, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu cá an toàn và không cho bất cứ ngư dân nào ở trên tàu, lồng bè. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, trong tình hình lượng nước tại các hồ chứa còn ít, việc đóng hồ tích nước trong thời điểm hiện nay là thích hợp, nhưng tỉnh cũng cần theo dõi diễn biến của thời tiết, linh hoạt trong việc tích và điều tiết nước hợp lý để đảm bảo an toàn hồ đập và phục vụ sản xuất.
Sau khi làm việc với UBND tỉnh, Đoàn công tác của Trung ương đã đến Cảng cá Quy Nhơn kiểm tra tình hình neo đậu trú tránh bão của ngư dân trong và ngoài tỉnh.
* Sáng 29.11, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng; Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng đã về kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng chỉ đạo địa phương tăng cường công tác trực 24/24 giờ bảo vệ cơ sở hạ tầng, tổ chức sơ tán người dân đang sinh sống ven biển, các vùng có nguy cơ sạt lở vào sâu bên trong. Người già, trẻ em, phụ nữ được bố trí tạm trú trong những công trình kiên cố như trường học, trạm y tế… Địa phương phải thường xuyên kiểm tra, rà soát, hướng dẫn di dời toàn bộ người và tài sản trên các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản đến nơi an toàn, chính quyền địa phương phải nỗ lực hết sức để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Để chủ động phòng chống bão số 4, xã Nhơn Hải đã vận động người dân di chuyển 305 phương tiện tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn tại đầm Mai Hương, chủ động sơ tán 182 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu đến nơi an toàn, cấp phát nhiều vỏ bao cát để dân giằng chống nhà cửa, xã cũng chuẩn bị nhu yếu phẩm, lương thực sẵn sàng hỗ trợ nhân dân…
* Chiều 29.11, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã đi kiểm tra công tác chủ động ứng phó với bão số 4 tại huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, công trình đầu mối hồ chứa nước Định Bình và công trình đập dâng Văn Phong, xã Bình Tường (huyện Tây Sơn). Cùng làm việc có lãnh đạo Sở NN-PTNT, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, chính quyền các địa phương liên quan.
Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Thạnh, huyện đã chủ động ứng phó với bão số 4, triệu tập UBND các xã, thị trấn, các đơn vị quản lý các hồ chứa nước, đê điều trên địa bàn triển khai công tác ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Đối với công trình đầu mối hồ chứa nước Định Bình, đến chiều 29.11, dung tích chứa tại hồ đang ở mức 120,5 triệu m3/226 triệu m3 nước. Hiện tại, lưu lượng nước đổ về hồ đang ở mức 57 m3/giây. Theo quy trình vận hành liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì mực nước hồ hiện tại nằm trong giới hạn cho phép đón lũ. Tại công trình đập dâng Văn Phong, để chủ động phòng chống bão số 4, đơn vị quản lý đập hiện đã treo mở hoàn toàn các cánh cửa đập để tiêu thoát lũ, đồng thời bố trí phương tiện, con người trực ban 24/24 giờ tại công trình.
Sau khi đi kiểm tra tại các công trình thủy lợi, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão số 4 để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời; không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống bão. Bên cạnh đó, các địa phương phải tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi, hồ chứa nước, đê, kè, hệ thống giao thông để có giải pháp gia cố, bảo vệ an toàn. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, lương thực tại chỗ sẵn sàng ứng phó sau khi bão lũ đi qua. Quan tâm hơn nữa đến công tác huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để tham gia sơ tán dân tại các vùng nguy hiểm, vùng ngập lụt sâu. Triển khai chu đáo các biện pháp để khắc phục nhanh hậu quả của bão số 4.
T. SỸ - NGỌC NHUẬN - NGUYỄN HÂN