Xua đuổi rắn lục đuôi đỏ bằng cách rắc lưu huỳnh
Thạc sĩ Đỗ Quang Huy cho biết, rắn lục đuôi đỏ có tập tính hiền lành. Khó có thể đưa ra phỏng đoán biến đổi khí hậu hay sự thay đổi môi trường sống khiến loài động vật này hung dữ hơn. Bởi sự thay đổi tập tính ở động vật là điều hiếm khi xảy ra và nếu có sẽ phải cần tới quá trình hàng nghìn năm.
Qua theo dõi những vụ rắn lục đuôi đỏ tấn công con người xảy ra gần đây, phần lớn là do con người va chạm bị chúng tấn công trở lại, có trường hợp đi trong đêm tối, gần các bụi cây. Đáng lưu ý, loài rắn lục hoạt động mạnh về đêm để tìm kiếm thức ăn. Con người có thân nhiệt cao nên chúng dễ nhầm tưởng là… con mồi.
Giải thích về hiện tượng nhiều người bị rắn lục đuôi đỏ tấn công nhiều đột biến trong năm nay, thạc sĩ Huy cho rằng, có nguyên nhân do số lượng cá thể rắn đang tăng lên nhiều hơn.
Điều này có phần ảnh hưởng của biến đổi khí khậu. Trong vài năm gần đây, nhiệt độ trung bình mỗi năm điều nhích lên từ 0,5 - 1 độ C. Thời thiết nóng ẩm kéo dài là môi trường tự nhiên lý tưởng cho rắn lục đuôi đỏ gia tăng sinh sản.
Trong khi đó, số lượng cá thể loài thiên địch đặc biệt thích ăn rắn lục đuôi đỏ như cầy (còn gọi là con lỏn chanh), chim bìm bịp, cầy móc chua, chim ưng… lại giảm đi rất nhiều do bị con người săn bắt.
Thiên địch ít đi, thời gian nóng ẩm liên tục trong vài năm nay thuận lợi sinh sản khiến số lượng cá thể rắn lục trưởng thành tăng lên đáng kể.
Cũng theo thạc sĩ Đỗ Quang Huy, để phòng trừ rắn lục đuôi đỏ, người dân nên phát quang các bụi cây sát lối đi, gần khu vực nhà hoặc trồng cây xả quanh nhà cũng có tác dụng kiềm chế loài rắn lục đuôi đỏ.
Thạc sĩ Đỗ Quang Huy cho biết, qua nghiên cứu và thử nghiệm, rắn lục đuôi đỏ đặc biệt sợ mùi lưu huỳnh. Ở những vùng thường xuyên có người bị rắn tấn công, người dân nên lấy lưu huỳnh nghiền nhỏ thành bột sau đó rắc xung quanh vào nơi nghi vấn có rắn lục đuôi đỏ sinh sống trú ngụ. “Mùi lưu huỳnh sẽ có tác dụng xua đuổi rắn đi rất xa”, thạc sĩ Huy nói.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học - Công nghệ Việt Nam): “Năm nay, do là năm nhuận, thời tiết mùa lạnh đến muộn nên có thể rắn sinh sản nhiều hơn. Thêm vào đó, miền Trung và miền Nam nắng ấm hơn nên rắn xuất hiện nhiều ở khu vực ven rừng hoặc ở vườn nhà”. “Khác với loài rắn độc khác, khi bị cắn, nọc độc tấn công vào hệ thần kinh, gây tê liệt hệ thần kinh. Còn loại rắn độc đuôi đỏ, chỉ tác động vào hệ tuần hoàn, gây rối loạn đông máu. Nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây phù nề, hoại tử da vùng bị cắn. Với trẻ nhỏ và người có sức khỏe yếu khi bị tấn công khá nguy hiểm. Vì vậy, khi bị rắn cắn cần đến bệnh viện để điều trị”.
Trước trình trạng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều khiến người dân hoang mang, lo lắng, tiến sĩ Trường cho biết, các nhà khoa học của Viện đã đề xuất chương trình nghiên cứu chu kỳ sinh sản để có câu trả lời chính xác về nguyên nhân. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đang phối hợp với bác sĩ bệnh viện Bạch Mai nghiên cứu nọc độc để đưa ra phác đồ điều trị.
Theo Phan Hậu - Thu Hằng (TNO)