10 tỷ USD hiện đại hóa đường sắt cũ: Đừng quét sơn vào gỗ mục
Cục Đường sắt vừa đề nghị Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt hồ sơ quy hoạch hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam với vốn đầu tư lên đến 10 tỷ USD. Vấn đề nâng cấp hay xây dựng mới hệ thống đường sắt đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, tranh luận sôi nổi tại diễn đàn kỳ họp Quốc hội.
Vốn khổng lồ cho giải pháp tình thế Theo quy hoạch của Cục Đường sắt, việc nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam lần này nhằm đạt tiêu chuẩn đường sắt từ cấp I đến cấp II, nâng vận tốc chạy tàu bình quân 80 - 90 km/giờ với tàu khách và 50 - 60 km/giờ với tàu hàng. Cục Đường sắt đề xuất từ nay đến năm 2020 đầu tư vào một số dự án hạ tầng và mua sắm thiết bị để nâng cấp tốc độ và năng lực vận tải hành khách đạt 15 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng/năm; năng lực thông qua đạt tối thiểu khoảng 25 đôi tàu/ngày đêm. Sau năm 2020, ngành sẽ tiếp tục đầu tư để đạt mục tiêu tốc độ bình quân đoàn tàu khách đạt 90 km/giờ, tàu hàng đạt 60 km/giờ với năng lực vận tải hành khách đạt 16 triệu khách/năm và 6 triệu tấn hàng/năm; năng lực thông qua đạt tối thiểu 25 đôi tàu/ngày đêm. Tổng nhu cầu vốn từ 8,91 tỷ USD đến 10,23 tỷ USD.
Để đảm bảo tính khả thi, Cục Đường sắt đề xuất phân kỳ thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2015 thực hiện các dự án hiện có với số vốn 580,56 triệu USD. Giai đoạn 2, dồn mạnh nguồn vốn ưu tiên cho một số dự án xóa nút cổ chai để đảm bảo an toàn chạy tàu, với tổng kinh phí ước khoảng 5,7 tỷ USD. Giai đoạn 3, tiếp tục đầu tư các dự án bổ sung để đạt các mục tiêu quy hoạch. Khoảng 10 tỷ USD là số vốn đầu tư khổng lồ cho giải pháp tình thế, vì hệ thống đường sắt hiện hữu là đường đơn, khổ đường 1m, chỉ đáp ứng giai đoạn trước mắt, khi chưa đủ vốn đầu tư xây dựng tuyến đường sắt khổ 1,35m như các nước. Thực tế hệ thống đường sắt hiện hữu đã được đưa vào khai thác hơn 100 năm, đến nay đã quá lạc hậu, không còn đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Tỷ trọng vận chuyển của ngành đường sắt liên tục đi xuống. Người dân và các doanh nghiệp bỏ dần tàu hỏa để chọn phương tiện vận tải khác như máy bay, xe khách. Nguyên nhân chủ yếu là tàu chạy quá chậm. Để khắc phục tình trạng này, ngành đường sắt đã cố gắng rút ngắn thời gian chạy tàu, nhằm tăng sức cạnh tranh với các phương tiện khác. Thế nhưng, kết quả chưa được như mong muốn. Sự cố đổ tàu ở cung đường thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế gây hậu quả thảm khốc đã cho thấy muốn rút ngắn thời gian chạy tàu trên hệ thống đường sắt khổ 1m hiện hữu là điều khó khăn.
Để tránh lãng phí
Từ nay đến năm 2020 chỉ còn hơn 5 năm nữa, mỗi năm đầu tư gần 2 tỷ USD, nhưng liệu có đem lại kết quả như mong muốn. Trước hết, hệ thống đường sắt đơn hiện hữu chạy qua các khu đô thị đông dân cư. Dù có nâng cấp cầu, nắn một số khúc cua, nhưng không tách đường dân sinh ra khỏi đường sắt thì cũng khó tăng tốc độ tàu. Vì thế, việc đầu tư 10 tỷ USD để hiện đại hóa hệ thống đường sắt đơn khổ 1m chỉ là “quét sơn cho gỗ mục”. Chỉ là giải pháp tạm thời để chờ xây dựng tuyến đường đôi, khổ 1,435m thì quá đắt. Việc nâng cao năng lực vận tải đường sắt là cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, trong khi đất nước còn nghèo, tiền đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là tiền đi vay và trong điều kiện nợ công tăng cao như hiện nay, việc đầu tư 10 tỷ USD để hiện đại hóa đường sắt cũ là điều không nên, quá lãng phí. Nên chăng, ngành đường sắt mạnh dạn đầu tư tuyến đường sắt đôi, khổ rộng thay thế cho hệ thống đường sắt cũ. Tuyến đường sắt xây dựng mới hoàn toàn, tránh xa các khu dân cư, nên tiết kiệm được kinh phí đền bù giải tỏa. Với năng lực thi công hiện nay, chúng ta có thể làm chủ được việc đầu tư xây dựng từ nền đường, cầu cống và hệ thống điện, chỉ nhập khẩu hệ thống đầu kéo. Nếu phát huy nội lực, tiềm lực trong nước, có thể giảm chi phí đầu tư đáng kể. Vì thế, thay vì thực hiện phương án đầu tư 10 tỷ USD để hiện đại hóa đường sắt cũ khổ 1m, Bộ GTVT nên nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đôi khổ rộng 1,435m, nhằm tránh tình trạng đầu tư xong rồi bỏ để làm mới, vừa lãng phí, lại làm tăng gánh nặng nợ công.
Theo NGUYỄN HIỀN (SGGP)