Nhịp gõ giữa mênh mông Thị Nại
Bất kể ngày hay đêm, âm thanh lúc nhịp nhàng rải đều, khi dồn dập gấp gáp phát ra từ thanh gỗ gõ vào mạn sõng vẫn đều đặn vọng theo con nước mênh mông của đầm Thị Nại. Nhịp gõ ấy trở thành tín hiệu sống chứng tỏ cư dân ven đầm đang hài hòa với thiên nhiên.
1.
Nghề lưới gõ ở đầm Thị Nại có từ bao giờ, không ai biết. Đem câu hỏi ấy về thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) - nơi được mệnh danh là xứ khởi phát ra lưới gõ, chúng tôi nhận được cái lắc đầu của các cụ cao niên. Chỉ biết, theo con nước đầm, nhịp gõ cứ thế được truyền từ đời ông sang đời cha, rồi đến đời con, cháu và trở thành kế mưu sinh của hàng trăm hộ dân ở những xóm chài nằm ven đầm.
Sau khi thả lưới, ngư dân vừa chèo sõng vừa gõ nhịp đuổi cá về lưới.
Gần 70 năm gắn với nghiệp lưới gõ, hình dung về nghề của ông Nguyễn Khắc Minh (81 tuổi) hết sức tường minh, khúc chiết. Ông Minh hồi tưởng: “Lưới gõ vốn có tên ban đầu là lưới bén vì sử dụng cặp lưới bén để đánh cá. Nhưng theo thời gian, người ta chuyển sang gọi là lưới gõ bởi đặc trưng sử dụng âm thanh để đuổi cá vào lưới. Hồi mấy năm sau giải phóng, ở đây, bà con đi lưới gõ nhiều lắm! Bên cạnh cào ngao, bắt cua, đào phễn, vớt rau câu... có đến 70% số hộ trong thôn đi lưới gõ”.
Thu hút nhiều người đi như vậy là bởi lưới gõ thời ấy ăn nên làm ra. Đầm hồi đó mênh mông hơn bây giờ, nguồn lợi thủy sản dồi dào. Người đi lưới gõ lại sử dụng phương thức đánh bắt thủ công nên tôm cá có quanh năm. “Những năm 60 của thế kỷ trước, đi gõ trên đầm 2 buổi gặp lúc trúng là đã có thể sắm vàng. Vì thế, theo nghề lưới gõ, ai cũng nuôi được 5, 7 đứa con khôn lớn. Ba thằng con trai của tôi chọn nghiệp lưới gõ từ năm mười mấy tuổi cũng là vì vậy”.
2.
Như mọi ngày, buổi sáng ấy, hàng chục chiếc sõng nhôm chòng chành rời bến Vinh Quang 2, hướng ra đầm. Ẩn trong vẻ ngoài mỏng manh của chiếc sõng là gánh nặng mưu sinh của hàng chục hộ gia đình. Không ai bảo ai, mỗi người tự chọn cho mình một vị trí để bắt đầu thả lưới. Xong, họ vừa chèo sõng lượn quanh chỗ thả lưới, vừa dùng cái dầm gỗ gõ vào mạn sõng. Thỉnh thoảng, có người còn dùng sào tre gõ vào mặt nước. Âm thanh rầm rập phát ra từ hàng chục chiếc sõng nhỏ vang vọng vào không trung, hòa cùng sóng nước mênh mông, tạo nên một bản hòa âm vui tai giữa đầm. Bản hòa âm ấy vang to dần, chạy dài trên mặt đầm, báo hiệu một ngày mưu sinh mới bắt đầu.
Anh Trần Công Sơn (39 tuổi), giải thích: “Tụi tui gõ liền tay để đuổi cá vào lưới. Mình ở trên nghe vui tai vậy, chứ bầy cá ở dưới nước đang bỏ chạy tán loạn vì sợ đấy! Sau khi dừng tay gõ, mình phải kéo lưới thật nhanh, bởi chậm tay một chút, con cá quẫy trốn khỏi lưới liền”.
Lưới vừa kéo lên khỏi mặt nước đã thấy cá mắc vào lưới, giãy đành đạch. Theo lời anh Sơn, đây là mẻ cá út. Cá út thịt ngon nhưng ngư dân mình thường chẳng khoái lắm mỗi khi đánh trúng. Cũng bởi chúng có cái ngạnh với nhiều gai ngược, mỗi lần đánh trúng, ngồi gỡ từng con ra khỏi lưới cũng muốn đứt... hơi. Đó là chưa kể đứt lưới, đứt tay.
Hôm nay được xem là ngày may mắn của anh Sơn. Sáng sớm nay, anh đã đánh được một con cá đuối khoảng 1,5kg. Giờ cộng thêm mẻ cá út này, anh đã thu được gần 2 trăm ngàn. Vậy là cũng đủ cho một ngày công. Chứ cách anh một quãng, vài người cũng chung lượt thả lưới, chỉ thu về lưới trắng hoặc vài con con cá dìa.
Gõ từ tầm 7 giờ sáng đến tận 9 giờ, lưới của anh Huỳnh Văn Bình (39 tuổi) vẫn chẳng được mẻ nào. Anh Bình lắc đầu, tâm sự: “Trời yên vầy, mình cũng khó đánh. Tôi thích những hôm trời gió, tôm cá nhiều, mình cũng còn khỏe tay “bơi” (cách gọi của bà con về chèo sõng) nên bao giờ cũng kiếm được kha khá. Còn lại, những ngày thường chỉ kiếm được hơn 100 ngàn đồng. Như ngày hôm qua, đi từ 7,8 giờ sáng đến tận 5 giờ chiều, tôi chỉ thu được 80 ngàn đồng”.
3.
Khác với ngày trước, giờ người ta thường ví von lưới gõ là nghề của ngư dân nghèo. Bộ đồ nghề chỉ cần có sõng nhôm (trị giá khoảng 2 - 3 triệu đồng), đôi lưới bén (trị giá khoảng 800 ngàn đồng), vài vật dụng dầm gỗ để gõ và để “bơi”, sào tre, thùng xốp để ướp cá... Đi lưới gõ cũng không tốn quá nhiều công. Chỉ cần 1 người là đã làm nên nghiệp gõ cho gia đình. Vậy nên, từ thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn), lưới gõ lan về xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn)...
Gắn bó nửa đời người với lưới gõ, ông Phan Đình Thời B (60 tuổi, ở thôn Vinh Quang 2) cho biết: “Nghề này ngó vậy mà cũng vất vả lắm. Cứ phải đi mải miết từ sáng sớm cho đến khi có được cá. Nhiều người còn chọn đi đánh lưới buổi đêm và trở về nhà lúc gà gáy. Ấy là chưa kể tai nạn trong lúc đánh bắt. Nhiều người vì ngủ quên hoặc gió lớn mà bị lật sõng. Thường thì không mất mạng, bởi đã có những người xung quanh ứng cứu. Nhưng mất đồ nghề, tài sản và thành quả đánh bắt thì thường xuyên”- ông Hơn bộc bạch.
Khác với cha ông thuở trước, đi lưới gõ ngày nay trở nên khó khăn gấp bội. Người đi lưới gõ chỉ yên tâm là chẳng bao giờ đói, nhưng nghĩ đến chuyện dư dả, giàu có thì xa xôi lắm. Bây giờ nhiều người kiếm con cá bằng lưới lồng, xung điện xiếc máy nên nguồn lợi cạn kiệt dần. Người bám nghề truyền thống cũng rơi rụng đi nhiều. Ông Trần Đức An, Trưởng thôn Vinh Quang 2, tâm sự: “Đến nay, Vinh Quang 2 chỉ còn khoảng 20% hộ đi lưới gõ (tương đương gần 200 hộ). Nhiều hộ, nhất là các hộ trẻ không còn “ham” đi lưới gõ như thế hệ trước mà chọn đi làm công nhân”.
Có chung một niềm tự hào, rằng nghề lưới gõ là nghề truyền thống, là lối đánh bắt hài hòa với môi trường sinh thái chứ không theo kiểu tận diệt, nhiều gia đình ngư dân vẫn đang mải miết với nghề. Song, không ít trong số họ đang lo lắng về việc vắng dần những tiếng gõ tươi vui, sống động trên đầm. Ước mong về một môi trường đánh bắt hiền hòa, tuân theo quy luật tự nhiên của ngư dân nghiệp gõ vẫn da diết, khắc khoải theo những đôi mắt buồn mỗi khi trở về nhà với mẻ lưới ít ỏi.
NGUYỄN MUỘI