Lại nghe tin bão...
Bạn bè ở lớp đại học thường hỏi: “Quê ngươi ở đâu mà giọng nặng thế?”. Mỗi lần vậy tôi thường cười hì hì và đáp: “Nơi nào nhiều lũ, nhiều bão, thỉnh thoảng lại lên ti vi vì hạn hán, cát trắng, gió Lào xâm chiếm đất đai, là quê tui đó”. Bạn ậm ừ : “Miền Trung hả?”. Tôi gật đầu, lòng nghĩ ngợi xót xa: không biết “bão” đã trở thành “thương hiệu” của miền Trung tự khi nào…
Chiều nay, đài dự báo bão số 4 sắp đổ bộ vào Bình Định - Khánh Hòa. Đứa bạn cùng nhà trọ quay sang lo lắng, nhắc: “Ê, quê mày kìa?”. Tôi ừ. Quê mình đó, đến hẹn lại lên, bão lại ghé thăm mà chẳng thèm thông báo trước. Chắc xóm chài nhỏ của tôi đang xôn xao khi nghe bão đến, chắc má đang lo chuyến đi biển của ba liệu có an toàn?
Nhớ hồi nhỏ, mỗi lần nghe tin bão sắp về, bọn trẻ con chúng tôi lại được nghỉ học. Má sẽ phân công chị em tôi gom hết sách vở, bút thước cho vào thùng nhôm và cất lên trên cao, phòng khi bão qua còn có bút vở mà học. Ba và các bác hàng xóm khẩn trương chằng cột mái nhà, hốt cát vào các bao tải nhỏ để gia cố chân móng nền cho thêm vững. Các cô, các chị trong thôn lo thu lưới và các vật dụng làm hàng mắm vào một góc kín để tránh gió bão cuốn đi. Các chú, các anh thanh niên trai tráng trong làng hò nhau kéo thuyền vào bờ để tránh bão. Còn các bà, các mẹ lại đi ra, đi vô, lòng dạ như có lửa đốt, thi thoảng đốt nén hương và cầu khấn cho thuyền của người con, người cháu đang ra khơi mà chưa kịp trở về sẽ an lành.
Rồi khi bão vô, cả thôn sơ tán theo sự chỉ huy của các anh bộ đội biên phòng. Mưa trắng trời. Gió gào thét. Còn bà con thì đỏ mắt nhìn ngoài trời xám xịt, lặng lẽ chia nhau gói mì tôm bẻ sống và động viên nhau: “Ngày mai bão tan, sóng lại yên bình để dân mình ra khơi, bám biển và mưu sinh!”. Cứ thế, năm nào cũng như năm nấy, hễ nghe bão về, xóm tôi lại rục rịch lên dây cót tinh thần để đối phó và sống chung với bão lũ. Riết thành quen. Nghe tin bão, thay vì lo hay trách cứ thiên nhiên sao ngặt nghèo, o ép miền Trung đến vậy, người dân quê tôi chỉ chép miệng, thở dài, nuốt nước mắt vào trong để kiên cường đi qua mùa bão.
Tôi gọi về nhà, nghe giọng má bình thản: “Má mới mua ít đồ khô, đèn nến, bật lửa và một thùng mì tôm dự trữ rồi. Ba con đã vào bờ tránh bão ở Quảng Ngãi, chắc không sao. Đừng lo nghe. Ráng học nghe…”. Tôi dạ, quệt ngang dòng nước đã chực trào ở khóe mắt. Chỉ mong xóm chài của tôi sẽ bình an!
PHAN DƯƠNG