Bão số 4 gây nhiều thiệt hại
Tối 29.11, gió giật mạnh kèm theo mưa do bão số 4 đã gây ra các thiệt hại trên địa bàn TP Quy Nhơn và các huyện phía Nam tỉnh Bình Định.
* Tại TP Quy Nhơn, trên các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Tất Thành, Phạm Hùng, Lê Duẫn, Nguyễn Huệ… nhiều cây xanh lớn bị gió quật ngã. Theo ông Đỗ Đình Phương, Giám đốc Công ty Công viên, Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn, thống kê bước đầu có 15 cây xanh cổ thụ (từ 15 đến 20 năm tuổi) trên các tuyến đường: Tây Sơn, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Trần Hưng Đạo và trong các công viên đã bị bão số 4 quật ngã; ngoài ra hàng loạt cây xanh nhỏ cũng ngã đổ do bão. Trong đêm 29 và sáng ngày 30.11, Công ty đã huy động 400 công nhân và 10 đầu xe tiến hành chặt, thu gọn những cây xanh bị đổ ngã và rác thải, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố.
Mưa gió mạnh kèm sóng biển dữ dội đã đánh sập, gây sạt lở hơn 100m kè chắn sóng Xương Lý (thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn). Đây là tuyến kè có tổng chiều dài gần 630m, với kinh phí xây dựng hơn 16 tỉ đồng, được đưa vào sử dụng năm 2011.
Kè chắn sóng Xương Lý ở thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) bị xâm thực, sạt lở nặng. Ảnh: Trọng Lợi
Đáng báo động, tình trạng kè chắn sóng bị sập đang đe dọa đến sự an nguy của 500 hộ dân sinh sống dọc tuyến kè. Trước tình hình này, sáng 30.11, UBND xã Nhơn Lý đã phối hợp với các lực lượng như Đồn Biên phòng Nhơn Lý, Thành đoàn Quy Nhơn… tiến hành gia cố lại các vị trí sạt lở bằng bao tải cát, song đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Lực lượng chức năng nỗ lực gia cố, khắc phục tuyến kè chắn sóng Xương Lý bị sạt lở. Ảnh: Trọng Lợi
Tại xã Nhơn Hải, hàng trăm hộ dân có nhà sát biển cũng bị sóng biển và triều cường đe dọa. Trước tình hình trên, chiều ngày 29 và sáng 30.11, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã trực tiếp chỉ đạo chính quyền xã Nhơn Hải di dời khẩn cấp 165 hộ dân có nhà gần biển di dời đến nơi an toàn, đồng thời triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 4 gây ra.
Bão số 4 cũng khiến 3 ngôi nhà tại khu tái định cư Nhơn Phước bị tốc mái hiên và phường Nhơn Bình cũng có 2 căn nhà trong tình cảnh tương tự. Bão số 4 kết hợp mưa lớn đã làm 10 ha lúa ở phường Trần Quang Diệu và 3 ha lúa ở phường Nhơn Phú mới gieo sạ bị ngập úng. Tại xã Phước Mỹ, bão số 4 khiến 45 ha cây keo lai từ 2-3 năm tuổi bị gãy đổ, cùng 18 ha rau, hoa màu bị ngập nước. Bão số 4 cũng làm sập 15m tường rào Trường THCS Nhơn Châu.
Bão số 4 cũng đã tác động xấu đến hệ thống điện, nước trên địa bàn TP Quy Nhơn. Tối ngày 29 và sáng ngày 30.11, nhiêu khu vực vẫn dân cư vẫn chưa có điện, nước.
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Bình Định cho biết: Sáng ngày 30.11, khu vực Diêu Trì đã có điện, 6 giếng nước của Công ty tại khu vực này hoạt động trở lại. Còn khu vực Tân An thuộc địa bàn thị xã An Nhơn có 9 giếng nước và khu vực Nam Sông Hà Thanh có 4 giếng vẫn chưa hoạt động được do hệ thống ở các khu vực nói trên đang bị sự cố. Ngoài ra, một số khu vực ở nội thành Quy Nhơn có nước, nhưng nước chảy rất yếu do một số tuyến đường cây bị đổ ngã đã tác động đến đường ống dẫn nước.
Hiện Công ty đang huy động lực lượng đi kiểm tra toàn bộ hệ thống; đồng thời phối hợp với Điện lực Bình Định khắc phục sự cố để cung cấp điện và nước cho dân.
* Tại huyện Tuy Phước, bão số 4 cũng đã làm 40 căn nhà bị sập, tóc mái; trong đó, xã Phước Thuận là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất với 25 căn nhà bị sập và 8 ngôi nhà bị tóc mái. Do ảnh hưởng cơn bão, nhiều cây xanh ở một số tuyến đường liên thôn ở xã Phước Lộc bị gãy đổ, gây ách tắt giao thông.
Sáng 30.11, tháp tùng cùng đoàn công tác của UBND xã Phước Thuận (một trong hai địa phương có nhà bị sập nhiều nhất ở huyện Tuy Phước) đi kiểm tra tình hình và triển khai các phương án khắc phục hậu quả của cơn bão tại thôn Bình Thái, cảnh tượng hoang tàn đập vào mắt chúng tôi.
Đang cố gắng nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau khi căn nhà của mình bị sập, anh Phạm Hồng Thanh (41 tuổi, ở xóm 2, thôn Bình Thái, xã Phước Thuận) kể: Căn nhà tôi bị gió giật sập vào lúc 2 giờ sáng 30.11, nhưng rất may chiều 29.11, nhờ biết được thông tin về cơn bão qua các phương tiện thông tin đại chúng nên gia đình tôi đã chuyển phần lớn tài sản có giá trị trong nhà qua gửi nhà mẹ tôi nên đã giảm được phần nào thiệt hại.
Trong khi đó, đang dọn dẹp những đống hoang tàn trên căn nhà bị sập của mình bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (45 tuổi, ở xóm 3, thôn Bình Thái) ngậm ngùi: Nhà sập nhanh và bất ngờ quá, tôi chỉ kịp ôm đứa con nhỏ 4 tuổi chạy qua nhà hàng xóm lánh nạn, những ngày tới chưa biết sống sao đây.
Cũng trong sáng 30.11, Công an huyện Tuy Phước đã huy động lực lượng tiến hành xử lý các cây xanh bị ngã đổ xuống mặt đường để đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn huyện.
Chính quyền huyện Tuy Phước đang tập trung huy động mọi nhân lực, vật lực để tổ chức khắc phục hậu quả của cơn bão.
* Tại huyện Phù Mỹ, đêm ngày 29.11 đã xảy ra lốc xoáy làm cho nhà máy sản xuất tôm giống của Công ty TNHH Việt - Úc đặt tại xã Mỹ An bị sập đổ, gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp này.
* Tại Phù Cát, hai xã Cát Chánh và Cát Thắng có 2 ngôi nhà bị sập và hơn 200 ngôi nhà bị tốc mái. Còn tại xã Cát Tiến, ông Nguyễn Từ Thiện, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Sau khi biết bão đổ bộ UBND xã thông báo kịp thời các hộ dân chằng chống nhà cửa và đưa toàn bộ tàu thuyền vào nơi ẩn nấp nên tránh thiệt hại, cả xã chỉ có 50 ngôi nhà tốc mái bà con đang khắc phục, riêng nhà sập của anh Lê Văn Tín (43 tuổi, ở thôn Trung Lương) đã được hỗ trợ nóng 5 triệu đồng để dựng lại nhà tạm, ổn định cuộc sống.
T.SỸ - T.LỢI - X.VINH - X.THỨC