Đội tuyển võ cổ truyền Bình Định: Sẵn sàng xung trận
Có sự chuẩn bị tốt về chuyên môn, các VĐV đội tuyển võ cổ truyền Bình Định đang háo hức chờ ngày bước vào tranh tài tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - năm 2014, đem về những thành tích tốt nhất cho thể thao tỉnh nhà.
Nỗ lực tập luyện
Đến phòng tập của đội tuyển võ cổ truyền những ngày cuối tháng 11 này, dễ dàng nhận thấy không khí tập luyện khẩn trương của toàn đội. Các võ sĩ đối kháng mình ướt đẫm mồ hôi vẫn liên tục thực hiện những đòn đấm, đá đầy sức mạnh. Trong khoảng 2 tháng qua, võ sư Bùi Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, thường xuyên có mặt ở phòng tập để hỗ trợ Ban huấn luyện, đồng thời nắm bắt tình hình tâm lý, tư tưởng của VĐV nhằm có sự động viên kịp thời.
Trước và sau mỗi buổi tập, các võ sĩ đều phải kiểm tra trọng lượng cơ thể để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp với hạng cân dự định đăng ký thi đấu. Theo thông tin từ Ban huấn luyện đội tuyển đối kháng, do có kế hoạch chuẩn bị cho Đại hội từ nhiều tháng trước, tất cả các võ sĩ đều được tập luyện theo đúng giáo án để vừa đạt nền tảng thể lực tốt, hoàn thiện về kỹ thuật và giữ được cân nặng “chuẩn”. Vì vậy, đến thời điểm này, không có võ sĩ nào phải thực hiện việc ép cân, đảm bảo sức khỏe tốt để sẵn sàng xung trận. Đây được xem là một lợi thế lớn khi thi đấu, bởi việc phải ép cân sẽ ảnh hưởng lớn đến thể trạng và cả tâm lý của võ sĩ.
Trong khi đó, các VĐV thi đấu nội dung hội thi cũng trải qua những bài tập đa dạng, nhằm tăng cường thể lực và thực hiện các động tác biểu diễn một cách hoàn hảo nhất. Theo võ sư Trần Duy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định - HLV nội dung hội thi, theo quy định mới, tại kỳ tranh tài sắp tới, mỗi VĐV phải thể hiện hai bài chỉ cách nhau ít phút. Do đó, Ban huấn luyện đã đưa ra những bài tập bổ trợ như chạy, bức tốc đoạn ngắn… để VĐV đủ thể lực hoàn thành tốt bài thi. Trong các buổi tập, những bài biểu diễn được phân đoạn để VĐV hoàn thiện dần các động tác rồi được lắp ghép, kiểm tra vào cuối buổi. Vào cuối tuần, Ban huấn luyện tiến hành kiểm tra với hình thức tương tự như ở một buổi thi thực sự, vừa để đánh giá khả năng của VĐV, vừa giúp cho VĐV làm quen với không khí thi đấu. Trên sàn tập, khi một VĐV biểu diễn kiểm tra, các đồng đội xung quanh cùng cổ vũ, vỗ tay động viên, giống như ở một giải đấu.
Quyết tâm vượt khó
Với những quy định mới về số nội dung thi đấu của môn võ cổ truyền tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - năm 2014, sự cạnh tranh sẽ rất quyết liệt. Bởi so với kỳ Đại hội gần đây nhất, rất nhiều nội dung đã bị cắt giảm. Ở nội dung hội thi, chỉ còn 10 nội dung (so với trước đây là 20), mỗi đơn vị chỉ được đăng ký tối đa 6 VĐV (3 nam, 3 nữ); nội dung đối kháng cũng bị giảm bớt 2 nội dung (42kg nữ và 80kg nam), chỉ còn tổ chức thi đấu 16 hạng cân.
Số bộ huy chương ít lại, nhưng số đoàn tham gia có thể còn nhiều hơn ở các giải vô địch quốc gia hàng năm. Do đó, khả năng tranh chấp huy chương sẽ rất khó khăn. Nhưng khi trao đổi với chúng tôi, các HLV đều tỏ ra hài lòng với những gì mà các học trò đã tích lũy được trong thời gian qua. Theo võ sư Trần Đình Đô, HLV nội dung đối kháng, các võ sĩ Bình Định đều đang có phong độ cao, nhưng Ban huấn luyện vẫn phải cân nhắc kỹ, lựa chọn những nội dung phù hợp để đạt được kết quả tốt nhất. Trong chuyến tập huấn tại Đà Nẵng hồi đầu tháng 11 vừa qua, nhiều võ sĩ được cọ xát với VĐV của đội tuyển Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng. Qua đó, Ban huấn luyện cũng kiểm tra được phong độ của từng VĐV. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống của VĐV cũng thường xuyên được quan tâm để đạt được hiệu quả cao trong tập luyện và thi đấu.
Võ sư Bùi Trung Hiếu cho biết: “Dù gặp phải những khó khăn khách quan trong quá trình chuẩn bị, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, các HLV, VĐV đều nỗ lực hết mình trên sàn tập để hướng đến kết quả cao nhất. Có thể nói, hiện nay toàn đội đang đạt tình trạng thể lực, kỹ thuật tốt và rất hưng phấn, tự tin chờ ngày xung trận”.
Sáng 30.11, các thành viên của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định đã đến dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn).
Tiếp đó, các HLV, VĐV tiến hành nghi thức cúng tổ - một nét văn hóa riêng của bộ môn võ cổ truyền, trước khi rời TP Quy Nhơn ra Nam Định vào ngày 1.12.
Tại Nam Định, toàn đội có khoảng một tuần làm quen với điều kiện cơ sở vật chất tại địa điểm thi đấu và cả thời tiết khí hậu.
Theo kế hoạch, bộ môn võ cổ truyền sẽ được tổ chức thi đấu từ ngày 9 đến 16.12.
LÊ CƯỜNG