Nông dân Hoài Ân tập trung diệt chuột bảo vệ cây trồng
Nhằm bảo vệ lúa và hoa màu trong vụ sản xuất Đông Xuân 2014-2015, huyện Hoài Ân đang tập trung triển khai nhiều biện pháp diệt chuột. Qua gần 1 tuần ra quân, toàn huyện đã tiêu diệt gần 40.000 con chuột, nhiều nhất là xã Ân Đức, diệt trên 15.000 con.
Năm 2014, ngoài xã Ân Phong, các xã thuộc huyện Hoài Ân đã chuyển sang sản xuất 2 vụ. Do không sản xuất vụ Mùa nên cỏ dại, lúa chét mọc rất nhiều trên đồng ruộng, là nguồn thức ăn dồi dào cho chuột sinh sôi nảy nở. Cộng vào đó, hiện nay thiên địch của chuột (gồm mèo, rắn, một số loài chim và thú khác) hầu như còn rất ít. Mùa mưa năm nay trên địa bàn huyện chưa có một đợt lũ lụt nào, nên chuột đã phát triển số lượng lớn. Theo bà con nông dân, mỗi đám ruộng chỉ cần có 1 cặp chuột bố mẹ, chỉ sau vài tháng chúng sinh sản cả bầy và sẽ cắn phá gần hết đám ruộng đó. Với lượng chuột như hiện nay, nếu không kiên trì dùng nhiều biện pháp tiêu diệt trước khi làm đất thì khi gieo sạ chúng sẽ ăn sạch giống.
Các địa phương trong huyện đã mua gần 2.700 kg thuốc sinh học Biorat cấp cho nông dân để diệt chuột trên diện tích khoảng 1.000 ha đất sản xuất ven rừng, ven sông, suối, đồng thời phát động phong trào toàn dân ra quân diệt chuột. Nhằm khuyến khích phong trào diệt chuột, tỉnh hỗ trợ 1.000 đồng/đuôi chuột, các HTXNN trong huyện cũng trích kinh phí để mua với giá 1.500 đồng/đuôi chuột. Nhiều nông dân đã tham gia đào bắt chuột để vừa bảo vệ mùa màng, vừa có thêm thu nhập.
Điển hình như ở thôn Khoa Trường, xã Ân Đức, chỉ sau 4 ngày tham gia đào bắt chuột, nhiều hộ có thu nhập vài triệu đồng. Ông Phan Minh Tiết, một người dân địa phương, cho biết: Tôi đang làm nghề khai thác đá, thu nhập 200 ngàn đồng/ngày. Khi xã triển khai diệt chuột, mỗi ngày hai cha con tôi đào bắt trên 350 con chuột, có ngày trên 570 con, thu nhập cũng khá, đồng thời còn bảo vệ được ruộng của mình và bà con trong xóm. Tôi sẽ tiếp tục đào bắt chuột đến sau gieo sạ rồi mới đi làm đá trở lại.
Theo những người bắt chuột giỏi, sau khi tìm ra hang chuột thì lấp các miệng hang và các ngóc ngách, chỉ chừa lại một ngóc ở vị trí cao nhất rồi đào miệng ngóc này cho rộng theo hình phểu và múc nước đổ vào, chỉ vài phút sau là lũ chuột ngoi lên hết, chuột con không bò lên được thì cũng chết trong hang. Phương pháp này có ưu điểm là không làm lở bờ ruộng, đường giao thông, nhưng nhược điểm là có nước mới thực hiện được.
VĂN HÙNG