HTXNN Ngọc An: Năng động trong cơ chế thị trường
Có thể nói, việc xác định hướng đi đúng trong cơ chế thị trường hiện nay là yếu tố quan trọng giúp các HTX khai thác tiềm năng để phát triển. Những năm qua, HTXNN Ngọc An (xã Hoài Thanh Tây - huyện Hoài Nhơn) đã thể hiện sự sáng tạo, năng động trong việc đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu nhập cho xã viên.
HTXNN Ngọc An có gần 1.200 hộ xã viên, quản lý điều hành 218 ha đất sản xuất nông nghiệp, với 11 khâu sản xuất kinh doanh, dịch vụ: Thủy lợi; làm đất; thu hoạch; cung ứng giống vật tư phân bón; điện, sản xuất bánh tráng, sản xuất dầu dừa tinh khiết, tín dụng nội bộ, sản xuất rau an toàn, xây dựng kênh mương nội đồng, xây dựng đường nông thôn.
Một trong những hướng đi quan trọng, mang lại thành công cho HTXNN Ngọc An trong thời gian qua là đầu tư sản xuất bánh tráng nước dừa. Từ lâu, bánh tráng nước dừa là một sản phẩm truyền thống ở địa phương, nhưng do việc sản xuất, tiêu thụ còn nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều... nên chưa tạo được vị thế trên thị trường. Năm 2004, HTXNN Ngọc An quyết định xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề truyền thống sản xuất bánh tráng nước dừa. Vượt qua nhiều khó khăn, sản phẩm bánh tráng nước dừa Ngọc An đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, mang lại cho HTX một khoản doanh thu không nhỏ. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, doanh thu từ bánh tráng nước dừa của HTX đạt trên 400 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Chủ nhiệm HTXNN Ngọc An, chia sẻ: “Để sản phẩm được nhiều người biết đến, năm 2006, đơn vị tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa mang tên Bánh tráng nước dừa Ngọc An, và đến năm 2008, sản phẩm đã có mặt tại hệ thống Siêu thị Co.opmart. Để có thể chen chân vào kênh phân phối hiện đại này, HTXNN Ngọc An đã chủ động đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì bắt mắt, có nhiều kích cỡ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Hiện nay, bánh tráng nước dừa Ngọc An đã được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều tỉnh thành như: Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh”.
Hướng đi thứ hai, thể hiện sự năng động của HTX là đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất dầu dừa tinh khiết. Dự án này nhằm khai thác lợi thế nguồn nguyên liệu dừa dồi dào ở địa phương, kết hợp điều kiện sẵn có của HTX về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như diện tích mặt bằng, điện nước, nguồn lao động, giúp xã viên có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Năm 2012, HTXNN Ngọc An đã tranh thủ tiếp nhận sự tài trợ của Dự án Sinh kế nông thôn bền vững tỉnh; đồng thời hợp tác với Công ty TNHH Dầu dừa Pha Lê (TP Hồ Chí Minh) tổ chức thực hiện Dự án sản xuất dầu dừa tinh khiết tại HTX.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nghiệp: Việc sản xuất, kinh doanh thành công sản phẩm dầu dừa tinh khiết mang lại cho bà con xã viên HTX mỗi năm khoảng 3 tỉ đồng, trong đó tổng thu nhập từ bán dừa tươi cho xưởng sản xuất khoảng 2,4 tỉ đồng, tương ứng với 240 ngàn trái dừa/năm; thu nhập từ sản xuất dầu dừa tinh khiết là 600 triệu đồng. Mô hình sản xuất dầu dừa hoàn toàn có khả năng tiếp tục nhân rộng để tăng thêm thu nhập cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn. Hơn nữa, việc sản xuất dầu dừa tinh khiết tận dụng tối đa các thành phần của trái dừa tươi, góp phần thúc đẩy ngành chế biến dừa của tỉnh phát triển.
Không chỉ chú trọng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ, HTX luôn quan tâm đến hoạt động chỉ đạo, điều hành sản xuất, đảm bảo các khâu dịch vụ cho xã viên trong sản xuất nông nghiệp. Chính vì thế, xã viên luôn tin tưởng và gắn bó cùng HTX, góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
LÊ PHƯƠNG