Nỗi lo rắn lục đuôi đỏ
Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, Bình Định đã xuất hiện nhiều nạn nhân của rắn lục đuôi đỏ. Khi bị rắn cắn, quan trọng nhất là phải biết cách sơ cứu và kịp thời đến bệnh viện.
Nhiều người bị rắn cắn
Nạn nhân mới nhất của rắn lục đuôi đỏ mà chúng tôi ghi nhận được là em Trần Lê Văn Sỹ (7 tuổi, ở thôn Vĩnh Long, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát). Sau khi bị rắn cắn lúc chiều tối 28.11, em được đưa ngay đến TTYT huyện Phù Cát, sau đó được chuyển vào khoa Nhi (BVĐK tỉnh). Chị Lê Thị Diệu, mẹ của Sỹ, kể lại: “Lúc đó khoảng 18 giờ, Sỹ và em trai ra sân đi tiểu. Sỹ đi trước, thấy chân bị đau đột ngột nên la lên. Em trai cầm đèn pin đi sau, rọi thấy con rắn. Ba mấy đứa nhỏ chạy ra đập chết, nhìn kỹ là rắn lục đuôi đỏ”. Cả đêm hôm đó, vết rắn cắn ở ngón chân phải gây đau nhức khiến Sỹ không ngủ được. Bàn chân phải của em vẫn sưng to đến ngày hôm sau.
Trước đó, khoa Nội Tổng hợp (BVĐK tỉnh) đã tiếp nhận, điều trị cho 2 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Đó là Nguyễn Văn Hiệp (35 tuổi, ở khu vực 4, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) và Võ Hồng Luyện (52 tuổi, ở khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn). Cả 2 bệnh nhân đều bị rắn lục đuôi đỏ cắn từ tối 25.11, đều phải tiêm huyết thanh kháng nọc rắn lục tre. Ông Luyện cho biết: “Vừa bước ra khỏi nhà là tôi bị cắn ngay. Vết cắn ở bàn chân trái làm tê rần. Con trai tôi đập chết con rắn, nó to bằng ngón tay cái, dài chừng 30-40cm, mình xanh, đuôi đỏ”.
Theo số liệu tổng hợp của khoa Nội Tổng hợp (BVĐK tỉnh), trong tháng 11.2014, khoa đã điều trị cho 16 bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó có 13 ca do rắn lục cắn. Cũng trong thời gian này, khoa Nội Tổng hợp của BVĐK khu vực Bồng Sơn cũng tiếp nhận 7 ca bị rắn lục cắn. Bác sĩ Phan Long Nhơn, Trưởng khoa, cho biết: “Số ca bị rắn cắn 2 tháng gần đây cao hơn các thời điểm khác, chủ yếu đến từ Hoài Ân và An Lão. Một số bệnh nhân nặng có xuất huyết toàn thân, tiểu ra máu”.
Trong khi đó, trong tháng 11, TTYT huyện Phù Cát đã tiếp nhận 9 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Trước đó, tháng 10 có 4 ca, tháng 9 có tới 9 ca. Theo Phó Giám đốc TTYT huyện Phù Cát Trần Thúc Khả, nhân viên y tế luôn nhắc nhở người dân khi bị rắn cắn nên đập chết nó để dễ dàng xác định đúng loại rắn. Trung tâm cho in hình rắn lục đuôi đỏ ép plastic để bệnh nhân nhận diện chính xác. “Ngoài ra, xác định rắn lục đuôi đỏ còn dựa trên triệu chứng xung huyết, rối loạn đông máu nhiều. Đa phần bệnh nhân phải tiêm huyết thanh, có trẻ 4 tuổi nhưng phải tiêm đến 9 lọ huyết thanh do liều lượng độc quá lớn”, bác sĩ Khả cho hay.
Hậu quả và cách xử trí
Rắn lục đuôi đỏ thuộc họ Rắn lục (Viperidae), bộ Có vảy (Squamata). Đây là loài cực độc trong số các loại rắn lục, mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ, chiều dài tối đa khoảng 60cm. Loài rắn này sinh sống chủ yếu trên khu vực núi cao và trong các khu rừng sâu thuộc dãy Trường Sơn, vùng núi thuộc khu vực Tây Bắc Việt Nam. Phần lớn thời gian sống trên cây, vì thế nên da có màu xanh để có thể dễ dàng ngụy trang. Thị lực của rắn lục rất tốt vào ban đêm nhưng ngược lại vào ban ngày.
(Theo http://vi.wikipedia.org)
Theo bác sĩ Võ Bảo Dũng, Trưởng khoa Nội Tổng hợp (BVĐK tỉnh), tùy vào lượng nọc độc khi bị cắn có thể gây hậu quả từ nhẹ đến nặng. Nặng thì bị rối loạn đông, chảy máu kéo dài dẫn đến hiện tượng đông máu rải rác trong hệ thống mạch máu và có nguy cơ tử vong. Ở mức trung bình thì có thể chảy máu, hoại tử vùng bị cắn, có khi phải cắt bỏ ngón chi bị hoại tử. Nếu nhẹ thì bị sưng nề, đau nhức vết cắn và các vùng xung quanh.
Nếu bệnh nặng có ảnh hưởng đến chức năng tuần hoàn, hô hấp, các bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp hồi sức để đảm bảo duy trì chức năng tuần hoàn, hô hấp. Điều quan trọng nhất là người bệnh phải được dùng huyết thanh để trung hòa nọc độc càng sớm càng tốt thì mới hạn chế được các tác hại do nọc độc gây ra. Việc tiêm huyết thanh có thể gây sốc phản vệ, vì vậy, thường sẽ phải thử phản ứng trước khi tiêm. Bên cạnh đó, bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm huyết học để đánh giá tình trạng rối loạn động chảy máu và tùy từng trường hợp nặng, nhẹ khác nhau mà có biện pháp điều trị thích hợp.
Bác sĩ Dũng lưu ý, ngay sau khi bị rắn lục đuôi đỏ tấn công, nếu chỗ bị cắn chảy máu thì cần băng ép lên vết thương, sau đó đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được dùng huyết thanh kháng nọc rắn càng sớm càng tốt. Khi băng ép không nên buộc chặt vòng quanh chi (ga-rô) trên nơi có vết cắn vì có thể gây hoại tử chi nếu thời gian buộc kéo dài; nếu ga-rô thì phải đảm bảo mạch ở phía dưới còn bắt được (vẫn còn máu đến nhưng hạn chế máu đi từ vết cắn về tim). “Nọc độc rắn lục có chất gây chảy máu khó cầm, không nên cố rạch, xẻ rộng vết cắn để nặn máu, dễ dẫn đến chảy máu khó cầm”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
NG.VĂN TRANG