Cẩn trọng khi dùng cây nở ngày đất
Thời gian gần đây, cây nở ngày đất được đồn thổi là “thần dược”, trị “bá bệnh”, chữa dứt điểm bệnh gout và tiểu đường. Nhiều người vô tư sử dụng khi chưa hiểu rõ về loại cây này.
Những ngày qua, cây nở ngày đất đã trở thành mặt hàng “sốt” ở TP Hồ Chí Minh, khi được gắn với công hiệu chữa bệnh gout, tiểu đường. Tại TP Quy Nhơn, cây nở ngày đất cũng đã bắt đầu được bày bán ở một số địa điểm công cộng, với giá 60 ngàn đồng/kg tươi và 200 ngàn đồng/kg khô. Tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lý Thường Kiệt, người phụ nữ bán cây nở ngày đất khẳng định đây là “thuốc tiên” với người bị bệnh gout và tiểu đường. “Có tờ báo ở Hà Nội viết hẳn bài dài về công dụng của cây nở ngày đất rồi còn gì. Anh rể tui bị gout nặng, chân tay sưng hết nhưng uống cây này hơn 20 ngày thì xẹp. Mỗi ngày tui bán hết hơn 20kg chứ ít đâu”, người này nói.
Người phụ nữ cho biết ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. Mỗi ngày, 5 người trong gia đình chị có thể kiếm được 15-20kg cây tươi, ngày càng khó tìm do có nhiều người “săn lùng” để uống và bán. Đáng chú ý, không chỉ bán rong, cây nở ngày đất còn được rao bán trên nhiều trang mạng bán hàng online, dưới nhiều dạng như đóng hộp, bán cây tươi, cây khô và cả cây đang trồng trong chậu.
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Y học cổ truyền (BVĐK tỉnh), cây nở ngày đất có tên khoa học Gomphrena globosa L, thuộc họ rau dền (Amaranthacease). Đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa có tài liệu cũng như công trình nghiên cứu khoa học nào khẳng định công dụng của cây nở ngày đất trong điều trị bệnh gout và tiểu đường. Danh mục dược liệu của Bộ Y tế cũng chưa có loại cây này trong danh mục cây thuốc được phép sử dụng. Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của tác giả Đỗ Tất Lợi, cây nở ngày đất chỉ được dùng chữa hen suyễn đối với người lớn, đầy bụng, tiểu khó đối với trẻ con.
“Ngay cả những cây thuốc quen thuộc vẫn có tác dụng không mong muốn khi trị bệnh. Mọi người không nên tin những lời đồn thổi mà sử dụng loại cây này khi chưa có nghiên cứu khoa học kiểm chứng. Chưa kể, việc dùng thuốc bao giờ cũng phải có liều lượng phù hợp với tình trạng bệnh của từng người. Nếu nghe theo những lời quảng cáo quá trớn mà uống cây này cây nọ, tự ý ngưng thuốc điều trị bệnh tiểu đường, bệnh gout thì có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Hà khuyến cáo.
BÌNH PHƯƠNG
Chờ đến khi các nhà khoa học , và chức năng thẩm định xong thì cái rễ cây thuốc cũng không còn.
Nếu bị đau mà không thuốc trị thử vài tuần xem sao và xem biến đổi cơ thể trong vài lần dùng thuốc bởi vì gía cả ko mắc lắm. Nên người bệnh ai mà chẳng vái tứ phương, nên bằng cách nghe đâu theo đó, phước chủ may thầy
Mỗi khi rộ lên tin đồn cây này lá nọ chữa bệnh hay lắm...thì tôi lại thấy buồn cười cho dân mình cả tin quá! Nghe ai nói ai khen, kể lể ông nọ bà kia dùng rất hay, rất hiệu nghiệm, rồi đọc trên báo mạng vớ vẩn...thì a dua nhau mua, hái về dùng. Chắc hẳn quý vị còn nhớ cách đây không lâu người ta a dua, tranh nhau, oánh nhau khi lượm lá sa kê về sắc nước uống trị bệnh gout theo tin đồn chứ? Bây giờ lá sa kê rụng đầy sân, sáng nào cũng hốt đầy xe rác, chẳng thấy ai lại lượm dùm cho sạch sân. Còn nhiều loại cây được đồn thổi nữa, như: cây lan vòi, chè đắng... Tại sao vậy? Tại sao lúc thì có giá trị, lúc thì vứt bỏ? Tất cả tại vì 2 chữ "TIN ĐỒN". Bỗng dưng người ta gán cho nó chức năng chữa bệnh này bệnh nọ, chẳng hề có tài liệu khoa học nào kiểm chứng, vậy mà bao kẻ vội nghe theo, tin theo tâng bốc giá trị của nó lên tới mây xanh. Cho đến khi tốn tiền, tốn công sức uống vào, uống mãi chẳng thấy hiệu nghiệm gì cả thì nó trở thành rác vô giá trị. Dân mình nhiều người sao đơn giản quá, cả tin quá, khờ khạo quá! Tôi ước gì, bây giờ có ai đồn là ăn ốc bươu vàng trị khỏi hoàn toàn bệnh gout, hay đào nguyên cây mai dương về sắc nước uống trị hết bệnh tiểu đường, hoặc ngâm rượu rắn lục đuôi đỏ trị hết viêm khớp ...thì nông dân quê tôi mừng biết bao!