Mất tình vì đất
Khi tấc đất tấc vàng, thì việc tranh chấp đất đã không chỉ xảy ra giữa những người xa lạ mà còn với cả những người thân trong gia đình, khiến tình cảm gia đình bị sứt mẻ, khó hàn gắn.
Hòa giải tốt cũng sẽ góp phần hạn chế những khiếu kiện về đất đai.
- Trong ảnh: Tổ hòa giải tộc họ Trần ở xã Phước Thành, Tuy Phước.
Cạn tình nghĩa
Nhà ông Bảy (xã Cát Tài, huyện Phù Cát) có 5 người con, 2 trai 3 gái. Người con trai cả là T.Đ.S. lập gia đình và được cha mẹ để lại cho ngôi nhà mà lâu nay cả gia đình cùng sinh sống. Còn ông bà Bảy thì cùng 2 người con gái dọn về ở nhà mẹ của bà Bảy. Sau thời gian dành dụm, 2 người con gái ông bà Bảy sửa sang lại ngôi nhà cho khang trang. Tuy nhiên, mâu thuẫn cũng từ đây nảy sinh khi vợ chồng ông S. cho rằng nhà đất đó là của ông bà Bảy và ông là con trai trưởng nên cũng có phần. Với lý do đó, ông S. không những vô cớ tìm đến nhà gây sự đánh đập 2 người em gái mà còn lớn tiếng: “Nếu không có tụi bay thì cái nhà này thuộc về tao rồi”.
Tuy vụ việc không đưa ra pháp luật, song tình cảm gia đình họ cũng từ ấy rạn nứt.
Khác với gia đình ông Bảy, để giải quyết nhu cầu nhà ở, gia đình bà Hà (thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) quyết định mua thêm một căn nhà nữa để cho con cái sinh sống và để cho một người con trai thứ đứng tên sở hữu. Mâu thuẫn xảy ra khi người con trai thứ đòi bán căn nhà này vì cho rằng nhà do mình đứng tên nên có quyền. Mới đây, khi đoàn trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh về địa phương tư vấn pháp luật, bà Hà được con gái dẫn đến để nhờ tư vấn về trường hợp của mình. Cầm xấp đơn trên tay, bà Hà sụt sùi: “Chẳng ai muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Tôi già rồi, lại là người một nhà với nhau mà! Nhưng mấy đứa con nó bảo phải làm rõ trắng đen nên cực chẳng đã tôi mới nhờ đến pháp luật”.
Một câu chuyện khác, anh Phát (TP Quy Nhơn) và chị gái của mình chung tiền (mỗi người một nửa) mua mảnh đất mặt đường để thuận lợi cho việc làm ăn, buôn bán. Do có điều kiện kinh tế hơn, nên anh Phát xây nhà trước, khi chị gái anh làm nhà và đo đất thì thấy chiều rộng mảnh đất của mình bị hụt đi 5 cm. Đất mặt đường đắt, vì thế người anh rể bắt anh Phát phải bồi thường, không thì dỡ nhà, chia lại đất. Anh Phát chia sẻ: “Vì mảnh đất không được vuông vức nên khi xây nhà tôi có xây lấn sang phần đất của anh chị một chút để ngôi nhà được thẳng. Khi chị đem chuyện này sang nói, tôi biết mình sai, nên đồng ý bồi thường, nhưng số tiền ít hơn yêu cầu của vợ chồng chị gái, thế nên mâu thuẫn đã xảy ra”. Đỉnh điểm của sự việc, khi một lần gia đình sum họp, chuyện đất đai lại được anh Phát đem ra trình bày với họ hàng. Bức xúc, chồng chị gái cùng con trai lao vào đánh anh Phát bị thương, phải đưa đi cấp cứu. Người ngoài nghe chuyện này đều tắc lưỡi: Chỉ có chút đất, lại là chị em với nhau, mỗi bên nhún nhường một chút thì đâu đến nỗi…
Cần tăng cường tuyên truyền
Đất đai là tài sản có giá trị và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai trong thời gian qua, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, làm mất đi tình cảm gia đình, cộng đồng, ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Chánh án TAND huyện Tuy Phước, thì: “Việc tranh giành đất đai giữa những người thân trong gia đình một phần là vì tài sản của cha mẹ để lại không có di chúc rõ ràng, thêm nữa bị tác động của những thành viên là dâu, là rể khi đất ngày càng có giá trị”.
Bà Huỳnh Thị Kim Xuyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh, cho biết: “Hiện nay, nhu cầu tìm hiểu pháp luật trong dân, nhất là về luật đất đai, thừa kế rất cao, do đó các cơ quan, đoàn thể cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng đến lĩnh vực tranh chấp, thừa kế đất đai. Mỗi người dân cần tuân thủ pháp luật, hiểu rõ quy định về đất đai, thừa kế; bên cạnh đó, chính quyền cơ sở cũng cần nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, nắm rõ nguồn gốc đất, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, khi phát sinh tranh chấp về đất đai cần nêu cao vai trò của tổ hòa giải, các dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng. Tuy nhiên, hơn ai hết, chính những người trong cuộc nên bình tĩnh nhìn nhận sự việc để giữ lấy tình thân”.
Các vụ việc tranh chấp về đất đai, khi đưa ra pháp luật sẽ được phân xử theo luật pháp, nhưng ngẫm ra, cả hai bên đều mất một thứ rất lớn, rất quý, đó là tình cảm gia đình ruột thịt, tình yêu thương giữa anh chị em với nhau, giữa cha mẹ và con cái. Như trường hợp của anh em nhà ông Trường (thị xã An Nhơn) tranh chấp thừa kế là nhà đất cha mẹ để lại, dù đã qua 4 lần xử nhưng cả hai vẫn chưa thỏa mãn và tiếp tục khởi kiện. Chưa biết thắng thua thế nào, song giờ đây 2 anh em họ như người dưng với nhau, ngày giỗ cha mẹ mỗi người làm một mâm cúng riêng.
Khi xảy ra tranh chấp đất đai, vẫn biết ai cũng có lý lẽ riêng, nhưng là những người thân trong gia đình, nên tìm ra hướng giải quyết thấu tình đạt lý, thậm chí có thể chịu thiệt một chút, tránh gây ra những căng thẳng không đáng có, mất đi tình thân.
K.ANH