Hoạt động TDTT của lưu học sinh Lào ở ĐH Quy Nhơn
Trong những năm qua, Trường Đại học (ĐH) Quy Nhơn đã tiếp nhận và đào tạo hàng ngàn lượt lưu học sinh (LHS) Lào. Bên cạnh công tác giảng dạy, nhà trường đặc biệt quan tâm đến hoạt động thể dục thể thao (TDTT), tạo sân chơi bổ ích cho LHS Lào vơi đi nỗi nhớ nhà, yên tâm học tốt.
1. Sinh viên Na-khan-tha-vong, lớp Quản lý Nhà nước K36, Trưởng Ban đại diện LHS Lào, cho biết: Hiện nay, có 89 LHS Lào (40 nữ, 49 nam) theo học tại Trường ĐH Quy Nhơn. Đa phần LHS đến từ 4 tỉnh Nam Lào: Chăm-pa-sắc, At-ta-pư, Sê-kong, Sa-la-văn.
Tuy môn Giáo dục thể chất & Quốc phòng được miễn giảm trong chương trình đào tạo chính khóa nhưng không vì thế mà phong trào TDTT của LHS Lào bị xem nhẹ. Ngược lại, nhà trường, Hội sinh viên, Ban đại diện LHS Lào luôn quan tâm và có những hoạt động thiết thực nhằm phát triển phong trào TDTT trong sinh viên xứ sở Triệu voi.
Cứ mỗi dịp Quốc khánh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (2.12), Tết Lào (14.4 - 16.4) là Ban đại diện LHS Lào lại tất bật tổ chức các hoạt động TDTT như bóng chuyền, bóng đá, cầu mây... Mới đây (từ 22.11 - 23.11), Ban đại diện LHS Lào đã tổ chức Giải bóng đá nam (28 VĐV, 4 đội), Giải cầu mây nam (12 VĐV, 4 đội) và Bóng chuyền nữ (24 VĐV, 4 đội) giữa các khóa lớp. Kết quả chung cuộc, đội LHS Lào K37 đoạt giải Nhất, K36 giành giải Nhì, tiếp đến là K35 và K34.
Sinh viên Lào sống tập trung ở Khu ký túc xá C2, gần trung tâm nhà trường, lại có sân bóng đá rộng rãi phía trước, phía sau có sân bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, đường chạy điền kinh, nhà thi đấu mới xây đúng tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, sân cầu mây do Ban đại diện LHS Lào xây, nâng cấp, sửa chữa gần đây, với đầy đủ trang thiết bị, mặt bằng bằng phẳng, lưới, cầu bài bản nên hoạt động TDTT vì thế mà sôi nổi hơn hẳn. Ngoài môn thế mạnh là cầu mây, bi sắt, sinh viên Lào cũng khá am hiểu và say mê các môn thể thao khác như bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ, cầu lông.
Hằng ngày, ngoài giờ học, vào khoảng 5-6 giờ sáng hoặc 4-5 giờ chiều, khu vực sân thể thao gần ký túc xá Trường ĐH Quy Nhơn lại rộn rã, sôi động bởi những trò chơi thể thao của các LHS.
2. Khi được hỏi về hai môn thể thao đặc trưng của các bạn LHS đến từ xứ sở Triệu voi, sinh viên Na-khan-tha-vong mỉm cười chia sẻ: “LHS chúng tôi đặc biệt yêu thích môn cầu mây và bi sắt. Khi còn ở bên Lào, môn cầu mây đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình chính khóa ở trường phổ thông. Những trẻ em trai, em gái khi vừa tròn 8 tuổi đã bắt đầu tiếp cận và chơi giỏi môn bi sắt, cầu mây. Tuy nhiên, khi sang Việt Nam du học, vì điều kiện sân bãi chưa có nên chúng tôi chỉ có thể duy trì rộng rãi môn cầu mây, còn môn bi sắt ít phổ biến hơn”.
Mỗi ngày, khi trời ngả bóng, cũng là lúc các bạn LHS Lào vội vã cất cặp sách, gọi nhau í ới, tụ tập ngay khoảng sân trước Ký túc xá C2 để chơi cầu mây. Bạn Bua-la-vanh, sinh viên lớp Sư phạm Toán K36, nói: “So với môn bi sắt, môn cầu mây có vẻ ít tốn sức hơn. Cầu mây đòi hỏi sự phản ứng nhanh nhạy, khéo léo của đôi chân và những bộ phận trên cơ thể như ngực, đầu, lưng, không được sử dụng tay. Mỗi đội ba người, nhiệm vụ của VĐV là phải đá cầu qua lưới, làm cho đội bạn không kịp trở tay”. Tuy vậy, môn bi sắt cũng được duy trì. Trong trường không có sân chơi bi sắt, các bạn LHS Lào đã nhờ các bạn sinh viên Việt Nam giới thiệu một số địa điểm sân thể thao bên ngoài trường như sân Thông tin, Quân đội, Nhà văn hóa và những địa điểm tư nhân khác.
Một thực tế cho thấy, đa phần các bạn LHS Lào đến với thể thao đều xuất phát từ niềm say mê thể thao, tự lập nhóm là chính. Mỗi nhóm duy trì từ 10 đến 20 người, nên phong trào TDTT vì thế mà chưa được quy mô. Sinh viên Na- khan- tha- vong, cho biết: “Nhằm đẩy mạnh phong trào TDTT trong LHS Lào tại Trường ĐH Quy Nhơn, Ban đại diện LHS Lào đang triển khai kế hoạch thành lập các CLB thể thao như cầu mây, bi sắt, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông”.
Thiết nghĩ, LHS Lào có thể lực tốt, giàu tố chất thể thao nên nhà trường và Hội sinh viên cần lưu tâm, phát huy những “hạt nhân” thể thao này, để góp phần phát triển toàn diện phong trào TDTT nhà trường, tăng tình đoàn kết, mở rộng giao lưu giữa sinh viên hai nước.
KIM CƯƠNG