Cảnh giác với nạn lừa đảo bán sách
Gần đây, phổ biến tình trạng một số đối tượng liên tục đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh để rao bán các loại sách, tài liệu, gây phiền phức cho nhiều người, nhất là thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Các văn phòng cơ quan từ tỉnh đến huyện, thậm chí cấp xã thường xuyên đón nhiều lượt khách “không mời mà tới”, xưng là người của các cơ quan trung ương, của nhà xuất bản A, B, C… đến nài ép mua sách. Họ đi thành một nhóm người hoặc chỉ một người, diện trang phục công sở bảnh bao, đến thẳng phòng lãnh đạo trưng ra nhiều công văn, giấy giới thiệu bán sách, đề nghị các cấp lãnh đạo ký vào một văn bản soạn sẵn, giới thiệu người của nhà xuất bản đi bán sách ở các địa phương.
Một chiêu trò tinh vi hơn nhưng vẫn chỉ là “bổn cũ soạn lại” là hầu hết các đối tượng bán sách hiện nay không đi trực tiếp bán sách tận nơi, mà chỉ thông qua giao dịch mua bán bằng điện thoại. Các đối tượng này nắm rất rõ thông tin (tên, tuổi, chức danh, số điện thoại) của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; khi liên hệ trao đổi qua điện thoại thì cách nói chuyện rất trơn tru. Ban đầu hỏi thăm công việc cơ quan, đơn vị, sau đó mạo danh lãnh đạo của cấp trên (cấp Trung ương) để giới thiệu về việc Trung ương có chủ trương phát hành sách phục vụ công tác chuyên môn. Tuy nhiên khi lãnh đạo một đơn vị xác nhận lại danh tính và chức vụ của các đối tượng này thì họ ... “lặn mất tăm”.
Để hạn chế tình trạng này, vừa qua Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn gửi các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương về việc cảnh giác với việc các đối tượng lừa đảo, giả mạo các cơ quan để nài ép bán sách.
MINH NGUYỄN
Tôi thấy bán sách qua đường điện thoại cũng tốt đỡ mất thời gian cho khách hàng đến xem nếu khách hàng ưng là chuyển đến thôi, nhưng hiện nay không ít người đang mạo danh cơ quan nhà nước để bán sách đôi khi còn chửi khách hàng khi mà khách hàng từ chối nữa, điều này cần pháp luật xử thật nghiêm chứ luật bây giờ chỉ phạt hành chính mà nhẹ quá khiến các đối tượng vẫn tái phạm, nhưng cũng cần khuyến khích những người làm chân chính!