Nạn xung điện, xiếc máy trên đầm Thị Nại:
Đừng để là... “căn bệnh nhờn thuốc”
Thời gian gần đây, tình trạng sử dụng xung điện, xiếc máy (XĐXM) để khai thác thủy sản (KTTS) trên khu vực đầm Thị Nại có dấu hiệu ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản. Thế nhưng, công tác quản lý, xử lý của ngành chức năng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng đây là “căn bệnh nhờn thuốc”?
Đầm Thị Nại là đầm nước lợ lớn nhất của tỉnh với diện tích mặt đầm trên 5.000 ha - có khá nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế sinh sống, nhưng đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt do khai thác bằng XĐXM. Chiều 2.12, có mặt tại đầm Thị Nại, xóm Đông A (thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), chúng tôi thấy có khoảng 20 chiếc ghe giơ cao gọng xiếc đậu trên mặt đầm. Xã Phước Thuận là địa phương có đối tượng hành nghề XĐXM nhiều nhất trên đầm, với 40 đối tượng hành nghề. Hằng đêm nạn XĐXM quần đảo, thâu tóm các loại thủy sản từ lớn đến bé; kiểu đánh bắt tận diệt này đang khiến nhiều ngư dân KTTS theo phương pháp truyền thống như nghề lưới gõ không còn “đất” sống.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-BVNLTS) phối hợp với Đội Phòng chống XĐXM huyện Tuy Phước và Phòng Cảnh sát đường thủy tỉnh, chính quyền các địa phương ven đầm tuần tra, kiểm soát, đã phát hiện và ngăn chặn hàng chục vụ sử dụng XĐXM; trong đó thu giữ 3 thuyền XĐXM cùng các phương tiện hành nghề như bình ắc-quy, bộ kích điện, lưới xiếc, gọng xiếc và tạm giữ 8 đối tượng giao cho công an xử lý theo quy định. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kim Ngôn, Phó (phụ trách) Thanh tra Chi cục KT-BVNLTS, thì công tác phòng chống XĐXM ở các địa phương ven đầm Thị Nại còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Ngôn lý giải: Hoạt động XĐXM trên đầm Thị Nại tuy có giảm nhiều, nhưng chưa triệt để; các đối tượng hiện hoạt động tinh vi hơn. Họ cử người theo dõi mọi động tĩnh của lực lượng thanh tra rồi dùng điện thoại di động liên lạc với nhau, nên khi Tổ công tác tuần tra xuất kích là chúng biết ngay. Lực lượng Thanh tra của Chi cục còn mỏng; mặt khác, khi phát hiện các vụ vi phạm đều phải chuyển cho các cơ quan liên quan hoặc đề xuất với thanh tra của Sở NN-PTNT xử lý; điều này gây không ít khó khăn trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Hơn nữa, mức xử phạt hành chính các đối tượng vi phạm XĐXM hiện khá nhẹ nên thiếu tính răn đe. Một số đối tượng vi phạm sau khi bị xử phạt lại tăng cường hoạt động để “thu hồi vốn”.
Mới đây nhất, vào lúc 1 giờ ngày 27.11, Đội Phòng chống sử dụng kích điện, lưới lồng… khai thác thủy sản ở mặt nước tự nhiên xã Phước Thuận phối hợp với Đồn Biên phòng 320, đã bắt quả tang ghe của bà Võ Thị Hồng (SN 1978, trú xóm Đông A, thôn Nhân Ân) sử dụng XĐXM để KTTS trên khu vực đầm Thị Nại, thuộc địa phận xã Phước Thuận. Tang vật thu giữ gồm 1 ghe máy công suất 28 CV, 1 bình ắc quy, 1 lưới xiếc. Hiện chính quyền xã Phước Thuận củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật.
Theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục KT-BVNLTS, để sớm chấn chỉnh tình trạng sử dụng XĐXM KTTS, thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy, Đội phòng chống XĐXM huyện Tuy Phước, Hội đồng điều hành liên xã Bắc đầm Thị Nại kiểm soát chặt và xử lý vi phạm KTTS trong khu vực đầm. Triển khai xây dựng các nhóm hạt nhân BVNLTS ở các địa phương, vận động cả cộng đồng dân cư cùng ngăn chặn các hành vi sử dụng chất nổ, chất độc, XĐXM để KTTS trái phép.
Sẽ khó thuyết phục, nếu bảo rằng các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc, khi hàng ngày có gần một trăm chiếc ghe có gắn thiết bị XĐXM, đậu tại các bến trên đầm Thị Nại vươn gọng ra như thách thức các cơ quan chức năng và chính quyền. Ngành chức năng và các địa phương ven đầm cần lập chốt chặn kiểm soát phương tiện tại bến bãi. Đặc biệt, những chiếc ghe neo đậu có gắn càng, gọng để mắc lưới, bộ kích XĐXM, lưới giã cào ... phải bị xử lý, lập biên bản buộc tháo dỡ ngay từ đầu. Vì lợi ích chung của cộng đồng, các trường hợp còn dùng XĐXM, dụng cụ giã cào có thể vận dụng xử lý theo pháp luật đối với các trường hợp ngoan cố, tái phạm.
TRỌNG LỢI