Hội thảo “Phân cấp và các sáng kiến quản trị tốt tài nguyên khoáng sản ở cấp địa phương”:
Chia sẻ nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hữu ích
Tại TP Quy Nhơn vừa diễn ra Hội thảo “Phân cấp và các sáng kiến quản trị tốt tài nguyên khoáng sản (TNKS) ở cấp địa phương”, do Sở Công Thương, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) phối hợp tổ chức. Nhiều sáng kiến, kinh nghiệm về việc phân cấp quản trị TNKS ở cấp địa phương được trình bày tại hội thảo.
Nhiều khó khăn trong quản trị TNKS
Theo thạc sĩ (Th.s) Trần Thanh Thủy, Trưởng phòng Chính sách của PanNature: Trước năm 2005, vấn đề phân cấp trong quản trị TNKS được quản lý theo chủ trương tập trung, thống nhất; sau năm 2005 được phân cấp mạnh mẽ xuống chính quyền địa phương. Thống kê của Bộ TN-MT cho biết: Cả nước hiện có trên 5.000 mỏ, điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản (KS) khác nhau; trên 300 tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động khai thác, chế biến KS. Ngoài ra, UBND cấp tỉnh và thành phố còn được phân cấp trách nhiệm xây dựng quy hoạch KS của địa phương; cấp giấy phép thăm dò KS, giấy phép khai thác KS làm vật liệu xây dựng thông thường.
Nhìn chung, việc phân cấp quản trị TNKS ở cấp địa phương vẫn còn những tồn tại, khó khăn. Lực lượng cán bộ chuyên trách còn hạn chế, trong khi nhiều địa phương phải quản lý một số lượng lớn doanh nghiệp (DN) khai thác KS. Trong đó, nhiều DN khai thác KS với quy mô nhỏ, đầu tư manh mún và chưa quan tâm nhiều đến các khía cạnh phát triển bền vững. Ngoài ra, các cơ quan quản lý ở cấp địa phương phải trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến khai thác KS, như đền bù đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, vấn đề an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường hay cơ sở hạ tầng xuống cấp.
Riêng tại Bình Định, theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 282 điểm mỏ đã được điều tra nghiên cứu, 78 DN được cấp phép khai thác KS với 97 giấy phép còn hiệu lực. Công tác quản lý KS trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực; quy trình cấp phép hoạt động KS được thực hiện theo cơ chế một cửa, tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các văn bản liên quan đến công tác quản lý nhà nước về KS gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu đồng bộ. Công tác khoanh định và công bố khu vực có KS phân tán nhỏ lẻ còn hạn chế; các mỏ khai thác đá ốp lát tại Bình Định chủ yếu là đá tảng lăn, trữ lượng không nhiều, tỉ lệ thu hồi KS trong khai thác thấp, không đạt tiêu chí để đưa vào quy hoạch KS quốc gia, nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh cũng hạn chế để có thể tiến hành thăm dò, đánh giá trữ lượng làm căn cứ trình Bộ TN-MT xem xét, dẫn đến khó khăn cho các DN khai thác, chế biến đá ốp lát trên địa bàn.
Những kinh nghiệm
Tại Hội thảo, nhiều sáng kiến, kinh nghiệm về phân cấp quản trị TNKS ở cấp địa phương đã được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các chuyên gia và DN chia sẻ.
Theo ông Phạm Ngọc Chi, đại diện Hội Khoa học công nghệ Mỏ, Bộ TN-MT cần chỉ đạo thực hiện tốt công tác khoanh định và công bố khu vực có KS phân tán, nhỏ lẻ; khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực dự trữ KS quốc gia. Ngược lại, UBND cấp tỉnh cần chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ TN-MT để trao đổi kinh nghiệm và nghiệp vụ trong công tác thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động KS, công tác thanh tra hoạt động KS…
Th.s Trần Thanh Thủy cho rằng: Nguyên tắc chính trong quản trị tốt TNKS ở cấp địa phương là phải thực hiện các đánh giá một cách liên tục, đầy đủ nhằm điều chỉnh các chiến lược chính sách cho phù hợp. Quản lý và phân bổ nguồn thu một cách hợp lý cho các mục tiêu phát triển KT-XH khác nhau. Đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình ra quyết định và giám sát thực thi. Đồng thời, phải có chính sách quản lý và sử dụng nguồn thu phù hợp.
Đáng lưu ý là những sáng kiến, kinh nghiệm về phân cấp quản trị TNKS ở một số quốc gia, như: Mỹ, Indonesia và Philippines… Theo nhà nghiên cứu Emanuel Bria (Văn phòng đại diện Viện Quản trị Tài nguyên thiên nhiên Hoa Kỳ tại Indonesia), hiện trên thế giới có khoảng 60 quốc gia đã thực hiện một phần công tác quản trị TN-KS được chuyển giao (hoặc phân cấp) cho chính quyền địa phương. Riêng Indonesia, toàn bộ các vấn đề đăng ký cấp phép; phân bổ giấy phép; hợp đồng; sở hữu lợi ích tại Indonesia đều được công khai minh bạch.
Ông Allan Barbara, Điều phối viên Chương trình Quốc gia về TNKS của Philippines, cho biết, toàn bộ các hoạt động xây dựng, thực thi các chính sách, chương trình và dự án thăm dò, khai thác TNKS ở Philippines phải hướng đến việc bảo vệ và khuyến khích quyền và cuộc sống thịnh vượng của cộng đồng văn hóa bản địa, người bản địa. Cụ thể, việc phê chuẩn các báo cáo nghiên cứu thực địa đều phải được lãnh đạo các địa phương xác định, đồng thuận và thống nhất quy trình triển khai.
Những sáng kiến và kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trình bày tại Hội thảo sẽ là bài học hữu ích đối với các nhà quản lý và DN hoạt động trên lĩnh vực KS ở tỉnh ta.
Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng và phong phú của thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương thông qua tìm kiếm, quảng bá, thực hiện các giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường.
Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận; các lĩnh vực hoạt động chính của Trung tâm bao gồm thực hiện các nghiên cứu, tư vấn quản lý, xây dựng năng lực và vận động chính sách cho việc quản trị công, hỗ trợ cung cấp và phổ biến kiến thức pháp luật với những ý tưởng thực tế, sáng tạo và điển hình vì sự phát triển của quốc gia; liên kết khu vực công - tư và người dân để cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu nảy sinh, rút ngắn các khoảng cách xã hội trong bối cảnh hội nhập thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam.
VIẾT HIỀN