Kiên cố hóa kênh mương ở Hoài Ân:
“Cú hích” từ cơ chế đặc thù
Việc kiên cố hóa kênh mương nội đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, nên các địa phương thực hiện hết sức khó khăn, nhất là các xã hoàn thành XDNTM vào năm 2015. Tuy nhiên, nhờ thực hiện chính sách đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù, khó khăn nói trên đã được tháo gỡ.
Cụ thể, Quyết định số 18/2013/QĐ-UBND ngày 18.7.2013 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định cơ chế đầu tư đặc thù đối với công trình thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2020 đã tháo gỡ khó khăn và tạo “cú hích” cho các xã của huyện Hoài Ân hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong thời gian sớm nhất, đồng thời xây dựng được nhiều công trình hạ tầng nông thôn khác.
Điển hình như tuyến kênh mương trạm bơm Xe Công tại thôn Hội An - xã Ân Thạnh dài gần 1 km được làm bằng bê tông xi măng rộng 0,4 m, cao 0,6 m, sắp xây dựng hoàn thành, đưa vào phục vụ sản xuất Đông Xuân 2014-2015. Là thành viên trong Ban giám sát cộng đồng công trình này, ông Trần Đình An, Trưởng thôn Hội An, đã vận động nông dân hiến đất, hoa màu, tạo thuận lợi để xây dựng công trình, và luôn có mặt theo dõi thi công, giám sát chất lượng công trình. Ông Trần Đình An cho biết: Trước đây, gần 50 ha ruộng vùng này tưới bằng kênh đất nên tưới tiêu gặp khó khăn, ở đầu kênh thì nước tràn gây ngập úng, lãng phí nước, đoạn cuối thì thiếu nước, hàng vụ phải nạo vét rất tốn kém, chúng tôi kiến nghị nhiều lần nhưng HTX không có điều kiện để làm. Nhờ cơ chế đầu tư đặc thù mà địa phương có được tuyến mương này, nông dân rất vui mừng.
Nhờ áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù nên công trình chỉ tốn các chi phí như: mua vật liệu, thuê nhân công, thuê máy móc thi công; còn lại một số danh mục của công trình đã giảm chi phí từ 50% đến 100% như: giảm chi phí chung; thu nhập chịu thuế tính trước; thuế giá trị gia tăng; chi phí nhà tạm; giảm dự phòng chi; lựa chọn thiết kế mẫu của Sở NN-PTNT và được Phòng NN-PTNT huyện giúp điều chỉnh cho phù hợp với từng công trình cụ thể; việc giám sát công trình do cán bộ xã, HTXNN và cán bộ thôn có công trình tham gia. Do đó, chi phí thực tế của 1 km kênh mương nội đồng chỉ còn khoảng 700 triệu đồng, giảm gần 300 triệu đồng.
Trong phần chi phí xây dựng thực tế, tỉnh hỗ trợ 30% bằng xi măng; các nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới của xã hỗ trợ 50% và HTX chỉ đóng góp 20%. Nhờ vậy, trong năm 2014, HTXNN Ân Thạnh đã triển khai xây dựng gần 3,25 km kênh mương nhưng chỉ tốn trên 400 triệu đồng. Ông Huỳnh Công Hoàng, Chủ nhiệm HTXNN Ân Thạnh, cho biết: Với nguồn thu có hạn của HTX từ thu phí kênh mương nội đồng, cấp bù thủy lợi phí, mỗi năm có tiết tiệm lắm HTX cũng chỉ làm được 0,5 km kênh mương, và phải mất gần 10 năm mới phủ kín được hệ thống kênh mương nội đồng. Nhưng với cơ chế đầu tư đặc thù thì sang năm 2015 chúng tôi sẽ làm xong hệ thống kênh mương trên toàn xã.
Nhờ có cơ chế đầu tư đặc thù, nhiều xã đã tranh thủ kiên cố hóa kênh mương. UBND huyện Hoài Ân cũng đã ký Quyết định 18 danh mục đầu tư xây dựng kênh mương nội đồng năm 2014 với tổng chiều dài trên 12,3 km. Trong đó, 3 xã điểm XDNTM có số lượng hạng mục đầu tư nhiều nhất: Ân Thạnh 5 hạng mục, dài 3,25 km; Ân Tường Tây 5 hạng mục, trên 3,5 km; Ân Phong 2 hạng mục, dài 2,2 km. Không riêng gì kênh mương nội đồng, nhiều xã của huyện Hoài Ân đã vận dụng cơ chế đầu tư đặc thù để xây dựng cơ sở hạ tầng như: Nhà văn hóa cộng đồng, trạm y tế, đường giao thông nông thôn… góp phần đẩy nhanh tiến độ XDNTM trên địa bàn huyện.
VĂN HÙNG