Chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu bò:
Giúp tăng hiệu quả chăn nuôi
Được sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông Tây Sơn đã xây dựng mô hình chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn trong chăn nuôi bò quy mô hộ gia đình tại xã Tây Thuận. Có 5 hộ tham gia mô hình; Nhà nước hỗ trợ 50% tiền mua máy (mỗi máy băm cỏ trị giá 10 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 5 triệu, còn lại do hộ tham gia mô hình đối ứng), 30% tiền xây hố ủ, bạt nylon, tập huấn kỹ thuật...
Sau khi thu hoạch nông sản, các phần phụ phẩm thừa như rơm, thân cây bắp, cây mì, các loại dây đậu… được cho vào máy băm nhỏ. Với công suất 3 KW, máy có thể băm 2 tấn phụ phẩm/giờ; sau đó ủ với cám gạo hoặc bột bắp, urê... theo quy trình đã được hướng dẫn. Sau khi ủ khoảng 2 đến 3 tuần có thể sử dụng cho bò ăn; nếu bảo quản tốt có thể dùng cả năm. Mỗi con bò trưởng thành có thể sử dụng từ 6 đến 10 kg thức ăn ủ kết hợp chăn thả. Trường hợp nuôi nhốt hoàn toàn, có thể cho ăn từ 15-20 kg cho một con bò trưởng thành. Sử dụng máy băm giảm công lao động, thức ăn băm đúng kích cỡ, tơi xốp, dễ ủ. Thức ăn ủ chua hoặc ủ urê có hàm lượng dinh dưỡng cao, giảm độc tố trong phụ phẩm, tăng tỉ lệ tiêu hóa, tận dụng được rơm rạ ướt khi thu hoạch lúa vụ 3, hoặc các phụ phẩm thừa của nhiều loại nông sản.
Ông Phạm Văn Hiệp, nông dân tham gia mô hình, cho biết: Trước đây chúng tôi chỉ biết dùng rơm rạ khô, đọt mía, dây đậu cho bò ăn tươi, hay phơi khô cất trữ. Nay áp dụng phương pháp băm nhỏ, ủ chua, tôi thấy rất hiệu quả, tránh lãng phí và dự trữ được một lượng lớn thức ăn cho bò, nhất là trong mùa đông giá rét thiếu rơm rạ, cỏ tự nhiên.
Với tính thiết thực từ mô hình này, xã Tây Thuận sẽ tích cực tuyên truyền, vận động nông dân nhân rộng, nhằm cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng để phát triển đàn bò ở địa phương - ông Hồ Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Thuận - khẳng định.
ÁNH NGUYÊN