KÝ SỰ PHÁP ĐÌNH
Có những cuộc chia ly...
1.
Còn nhớ, lần thứ nhất tôi nhận được đơn ly hôn của đôi vợ chồng đó là khi con họ khoảng 10 tuổi. Ban đầu họ quyết tâm lắm, nhưng khi tôi yêu cầu phải dẫn con đến tòa để lấy lời khai xem cháu thích ở với ai thì cả hai nhìn nhau, hỏi “không có con đến có được không?”. Tôi trả lời không được, vì theo quy định con đã trên 9 tuổi thì phải được hỏi ý kiến. Họ chẳng nói gì thêm, nhưng sau đó xin rút đơn về.
Chừng 5 năm sau, tôi lại thấy đơn của họ. Tôi cũng yêu cầu họ phải đưa con đến lấy lời khai. Một lần nữa, họ lại rút đơn về. Tôi đoán rằng, khi ấy con của họ có thể đang vào kỳ học nước rút của bậc THCS nên không muốn tâm lý con bị xáo trộn, làm ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Bẵng đi một thời gian, đến hôm nay lại xuất hiện đơn của họ. Lần này, có thể con của họ đã vào đại học nên họ quyết định chia tay. Đã hai lần họ hoãn ly hôn, lần này chắc không thể “quá tam ba bận” (?).
2.
Lần nọ, có đôi vợ chồng đến tòa trong điệu bộ tay bắt mặt mừng. “Dạo này anh thế nào, sức khỏe ra sao? Nhớ ăn uống cẩn thận”, người vợ dặn. Còn người chồng cũng hỏi han vợ rất thân tình. Họ vẫn xưng anh - em. Ngọt ngào. Ánh mắt đằm thắm nhìn nhau, tràn trề yêu thương. Thấy họ vậy, tôi động viên thôi anh chị về lại với nhau đi, trông còn tình tứ thế kia cơ mà. Nhưng nói sao thì họ cũng lắc đầu, kiên quyết giữ nguyên ý định. Cực chẳng đã, tôi đành phải giải quyết cho họ ly hôn nhưng lòng thì cứ tiếc thay cho họ. Có thể, họ có những lý lẽ riêng của mình, và biết đâu cả những lý do thầm kín không tiện nói ra. Nhưng dù gì, cái cách cư xử của họ cũng khiến tôi thấy ấm áp, cho dù đó là một cuộc chia ly...
Lại có một số cặp vợ chồng vì tức nhau, vì tự ái nên đến tòa trong tâm trạng không ai chịu nhường ai, quyết liệt đề nghị tòa giải quyết cho nhanh, để không còn thấy “cái bản mặt đáng ghét” của người kia.
Vốn đã quá quen với những trường hợp còn thương nhau nhưng ai cũng tự ái đầy mình kiểu này, nên tôi nhanh chóng giải quyết yêu cầu của họ (vì hai bên đều đã thuận tình ký đơn ly hôn). Để rồi, sau khi nhận được thông báo lạnh lùng “một tuần nữa anh chị đến lấy giấy quyết định công nhận ly hôn” từ thẩm phán, hai người trong cuộc đều cảm thấy hụt hẫng. Sao mà tòa giải quyết nhanh chóng đến vậy, sao chẳng tiến hành hòa giải nhiều lần cho chúng tôi có thời gian suy nghĩ kỹ thêm?
Họ có biết đâu rằng, đôi khi đấy cũng là một “thủ thuật” hòa giải của thẩm phán. Khi cảm giác “cái tôi tự ái” đã được thỏa mãn một cách quá chóng vánh thì liền ngay sau đó sẽ là cảm giác nuối tiếc “con cá mất sẽ là con cá to”. Lúc này, cả hai sẽ bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề, rằng “người ta” cũng còn những điểm tốt, và hình như mình vẫn còn tình cảm, và thêm nữa, sự tác động của con cái, gia đình hai bên. Kết quả là, đã có nhiều cặp tự nguyện xin rút đơn ly hôn trong giai đoạn chờ tòa ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
3.
Tôi đã không cầm được nước mắt khi trong một vụ ly hôn nọ, chứng kiến cảnh hai đứa nhỏ nước mắt ngắn dài khóc kể, van cha lạy mẹ xin họ nghĩ lại. Thậm chí tôi phải gắng nhìn lên để nước mắt không rơi trước mặt các đương sự. Trái lại, cha mẹ hai cháu nhỏ vẫn sắt đá, không lay chuyển ý định. Họ không nhìn mặt nhau, cũng chẳng nói với nhau lời nào, mặc kệ hai đứa trẻ khóc lóc, nỉ non, chạy đi chạy lại giữa ba với mẹ. Nhìn anh em chúng thẫn thờ, nói “con không muốn ở với ba hay với mẹ, con muốn ở với cả hai người” mà tôi buốt cả ruột gan, nhưng phỏng có ích gì đâu khi mà người lớn đã quyết. Ngày đó, tôi mới tập sự làm thư ký. Cùng với thời gian, cộng với việc chứng kiến quá nhiều vụ ly hôn khiến tôi rồi cũng quen dần với việc ấy.
4.
Vâng, thật bất nhẫn khi đã có những người làm cha làm mẹ rất vô trách nhiệm với con cái của mình. Ly hôn, có ông chồng kiên quyết không nhận nuôi con vì “con dưới 36 tháng tuổi, phải do mẹ nó nuôi dưỡng” trong khi vợ anh ta đã bỏ nhà rời khỏi địa phương tự khi nào. Hay, một bà mẹ khác, kiện chồng đi tù vì hành vi chống đối, không chịu giao con cho mình nuôi theo quyết định của tòa án, đến mức người chồng cũ phải bị xử lý trách nhiệm hình sự. Nhưng chỉ được một thời gian sau, chị ta đi lấy chồng, có con với người chồng mới và bỏ lơ đứa con mà mình quyết tranh giành cho bằng được. Cuối cùng, người chồng cũ lại đón con về nuôi, và lần này thì người vợ chẳng kiện cáo chi nữa.
ANH THƯ
(ghi theo lời kể của một số thẩm phán, thư ký tòa án)