Một cánh chim văn hóa Bana Kriêm
Nói tới những cánh chim đầu đàn trong phong trào văn hóa- văn nghệ của đồng bào Bana Kriêm huyện Vĩnh Thạnh, người ta hay nhắc đến “bộ ba” tài hoa Ðinh Y Băng, Ðinh Chương và Yang Nhi. Với Yang Nhi, được đào tạo chính quy về múa, người nghệ sĩ này đã có đóng góp đáng kể cho quê hương Vĩnh Thạnh, đặc biệt ghi dấu ấn độc đáo trong những tác phẩm múa dân gian Bana Kriêm.
Nghệ nhân Yang Nhi còn được biết đến với tên gọi khác là Trần Hạnh. Nằm trong số không nhiều người dân tộc thiểu số được đào tạo nghệ thuật chính quy, bài bản, Yang Nhi đã đem tài năng và lòng đam mê của mình đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa ở quê hương.
Một thời hoa lửa
Năm 1960, Yang Nhi có mặt trong Đoàn thiếu niên con em các dân tộc thiểu số của tỉnh được gửi ra Bắc học tập. Năm 1965, Yang Nhi được Đoàn ca múa nhân dân Tây Nguyên chọn làm hạt nhân đào tạo và gửi đi học tại Trường múa Việt Nam. Vừa học, vừa là diễn viên của Đoàn, Yang Nhi từng là văn công tham gia chiến đấu tại các chiến trường Khe Sanh, Nam Lào, Tây Nguyên…
Từ cuộc đời hoạt động văn hóa sôi nổi của mình, nghệ sĩ Yang Nhi được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa, hai Huân chương do Chính phủ Bungari và Lào tặng…
5 năm sau, “hạt giống đỏ” này hoàn thành xuất sắc ngành biên đạo múa hệ trung cấp 5 năm. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Bộ Văn hóa chuyển Đoàn ca múa nhân dân Tây Nguyên về đóng tại Pleiku. Yang Nhi lúc ấy giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Đoàn (lúc này được đổi tên thành Đoàn Nghệ thuật Đam San). Đến năm 1988, theo lời mời của huyện Vĩnh Thạnh, Yang Nhi cùng vợ là Đinh H’Dứp - người Bana ở Kon Tum, cũng là diễn viên của Đoàn - trở về quê hương, công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho đến khi cả hai cùng nghỉ hưu (năm 2001).
Trong thời gian gắn bó với Đoàn nghệ thuật Đam San, kỷ niệm mà Yang Nhi không thể quên chính là chuyến lưu diễn tại các nước Đông Âu vào tháng 5.1977. Sau đó, ông còn tham gia biểu diễn tại nước bạn Lào. “Những lần biểu diễn trên nước bạn đã cho tôi hình dung cụ thể về lòng tự hào dân tộc cũng như tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc dân tộc mình”, Yang Nhi xúc động nhớ lại. Ông cũng nói thêm rằng, tất cả những người làm văn hóa, từ quản lý đến sáng tác, biểu diễn, truyền dạy, đều phải là những chiến sĩ văn hóa, đừng bao giờ để tàn ngọn lửa cống hiến.
Làm giàu điệu múa Bana Kriêm
Đinh Y Băng là một tài năng về chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc. Đinh Chương chứa đựng kho tàng về sử thi, những bản hơmon dài bất tận và đẫm màu huyền thoại. Còn Yang Nhi, chuyên môn nghệ thuật của ông là biên đạo và dàn dựng múa, sở trường là múa dân gian mang bản sắc văn hóa Bana Kriêm. Ông quan niệm: “Nếu chỉ kế thừa các điệu múa dân gian Bana Kriêm, kho tàng múa này cũng đến lúc cạn, nghèo và lặp lại. Nhiệm vụ của mỗi một thế hệ là phải biết làm đầy hơn, giàu hơn vốn quý cha ông nhưng phải giữ cho được bản sắc của người Bana Kriêm”.
“Đồng bào Bana Kriêm Vĩnh Thạnh may mắn có những người con ưu tú, nặng lòng với văn hóa dân tộc mình như các chú Yang Danh, Đinh Chương, Yang Nhi… Ở tuổi 72, chú Yang Nhi vẫn rất nhiệt tình đóng góp cho phong trào văn hóa của huyện nhà”.
Ông ĐINH Y OAI, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Vĩnh Thạnh.
Từ cách nghĩ này, việc sưu tầm, khai thác nguồn dân ca, dân vũ Bana Kriêm để phục vụ cho sáng tác, dàn dựng rất được Yang Nhi chú trọng. Ông thường có những chuyến đi gần cả tháng trời từ nhà - ở làng M6, xã Vĩnh Hòa - đến những vùng tập trung đồng bào Bana Kriêm sinh sống để bồi bổ vốn kiến thức văn hóa dân gian.
“Yang Nhi đã có công làm giàu các điệu múa cho người Bana Kriêm Vĩnh Thạnh. Ví như hơmon vốn không có múa, nhưng khi nghe Đinh Chương hát, từ phần lời Yang Nhi lại hình dung ra những động tác rất sinh động, phù hợp. Yang Nhi rất giỏi chọn lọc chi tiết, điểm nhấn và chắt lọc, xây dựng tác phẩm”, nghệ nhân Đinh Y Băng nhận định.
Tác phẩm múa do Yang Nhi sáng tác, dàn dựng thường mang màu sắc lễ hội dân gian và âm hưởng sử thi với quy mô hoành tráng, diễn viên đông đảo, âm nhạc vui tươi, vũ đạo chắc khỏe… Tất cả làm bật lên chất hoang dã, phóng khoáng và mạnh mẽ của những người con núi rừng. “Trừ khi dựng để đi thi hay biểu diễn ngoài tỉnh phải hạn chế lượng diễn viên, còn lại tôi luôn muốn dựng những tiết mục múa có đông diễn viên tham gia. Tôi tha thiết muốn khuyến khích tụi trẻ buôn làng tham gia thể hiện văn hóa của chính dân tộc mình”, Yang Nhi thổ lộ.
Điều này đã được chứng thực qua chương trình biểu diễn của đoàn Vĩnh Thạnh tại Ngày hội VH-TT miền núi tỉnh lần thứ XII vừa qua. Các tiết mục “Krông Bung vào hội”, “Múa rước dâu phong tục Bana Kriêm”… thu hút khoảng 30 bạn trẻ tham gia. Người xem đã thấy hình ảnh những chàng trai, cô gái Bana Kriêm đã làm chủ sân khấu tự tin, tự nhiên và hào hứng đến thế nào.
Điều thú vị là, không chỉ Yang Nhi mà người vợ H’Dứp và hai con gái H’Suyn và H’Sen cũng là những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu của huyện Vĩnh Thạnh. H’Dứp và cô con gái lớn H’Suyn chính là thành viên của đoàn Bình Định tham gia Liên hoan Dân ca Việt Nam lần thứ 5 - năm 2013 khu vực Nam Trung Bộ tổ chức tại Phú Yên tháng 3 vừa qua.
SAO LY