Hạnh phúc
* Truyện ngắn của Maxim Gorky (Nga)
Maxim Gorky là “cây đại thụ của nền văn học vô sản, “bậc thầy của nền văn học hiện thực XHCN Xô-viết”, là một tên tuổi rất quen thuộc với độc giả Việt Nam. Đọc bộ tiểu thuyết tự truyện bộ ba “Thời thơ ấu”, “Kiếm sống”, “Những trường đại học của tôi”, biết bao trái tim từng đồng cảm với cậu bé Peshkov (tên thật của Gorky) vật lộn, bươn chải với cuộc đời gian khổ và số phận phũ phàng, tự học để trở thành “nhà văn chân đất” và một con người mang tư tưởng dân chủ cách mạng. Và cũng không ít thanh niên ở tuổi mới lớn lên đường ra trận với ấn tượng lãng mạn của “Bài ca chim báo bão”, của chàng Danko bứt xé trái tim mình để soi sáng con đường khổ ải và dẫn dắt đoàn người…
Đã có một lần dường như tôi sắp chạm vào bàn tay ấm nóng của hạnh phúc.
Đó là vào một đêm mùa hè oi bức, trên cánh đồng cỏ ven bờ sông Vonga, những chàng trai cô gái chuyên đánh bắt cá tầm tụ tập vui chơi ca hát. Họ ngồi quanh đống lửa ăn canh cá uống rượu bia, bàn nhau xem nên làm thế nào để xây dựng thế giới này nhanh hơn, đẹp hơn. Và rồi, mọi người đều cảm thấy mệt mỏi bèn về lại chỗ đám cỏ đã cắt của mình để nghỉ ngơi.
Tôi và một cô gái rời khỏi đống lửa. Tôi cảm thấy cô ấy vừa thông minh vừa lanh lợi tháo vát. Đôi mắt cô xanh biếc trông thật đẹp. Tình cảm trong sáng mộc mạc từ trong cách nói chuyện của cô toát lên thật dịu dàng, đằm thắm. Rõ ràng, trước mắt tôi đây là một cô gái thật đáng yêu!
Chúng tôi sánh vai nhau bước đi chầm chậm. Dưới chân chúng tôi, những cây cỏ bị giẫm gãy phát ra những âm thanh nhè nhẹ, mùi cỏ hăng hăng nồng thoang thoảng thật dễ chịu. Cô gái hít một hơi dài, nói:
“Đẹp quá anh nhỉ, giống như sa mạc châu Phi vậy. Những đống cỏ kia chính là những Kim tự tháp đấy! Ngay cả hơi nóng…”.
Tiếp đến cô đề nghị cùng ngồi bên một đống cỏ khô nghỉ ngơi. Tiếng côn trùng kêu vang, văng vẳng đâu đây một giọng ca bi thảm: “Ôi, sao em nỡ phụ tình anh?” .
Tôi bắt đầu kể cho cô gái nghe về cuộc sống của tôi, về những gì tôi chưa lý giải được. Bỗng nhiên cô gái kêu lên một tiếng và ngã vật xuống đất.
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy một người ngất xỉu, hôn mê. Ngay lúc đó tôi kinh hoàng cực độ, muốn gào lên, muốn kêu cứu, nhưng lập tức nghĩ đến những gì mà người anh hùng trong các tiểu thuyết đã làm. Tôi cởi dây thắt lưng, cởi áo ngực cô ấy. Khuôn ngực đầy đặn của cô gái như hai chiếc cốc bạc ngưng tụ một thứ ánh sáng huyền dịu, che phủ tim cô. Tôi nhìn không biết chán, đầu nóng bừng như có lửa đốt, tôi muốn lao tới hôn cô… Nhưng, tôi lập tức thủ tiêu ngay ý nghĩ ấy, chạy thục mạng đến bờ sông lấy nước, bởi, theo như tiểu thuyết miêu tả, trong tình huống đó, nếu nơi xảy ra chuyện không có lấy một con suối nhỏ - một tác giả thông minh đã thiết kế tình huống đúng như vậy - người anh hùng phải chạy đi tìm nước cho bằng được!
Tôi bê chiếc mũ đầy nước chạy nhanh như ngựa phi trên đồng cỏ. Khi tôi về tới nơi, cô gái hôn mê đã tỉnh lại, đang đứng
tựa lưng vào đống cỏ. Áo xống bị tôi cởi nới ra lúc nãy đã được mặc lại nghiêm chỉnh.
Khi tôi đưa chiếc mũ đựng nước cho nàng, nàng dùng hai tay ngăn lại, uể oải nói:
- Không cần đâu ạ.
Nàng rời khỏi tôi, đi về phía đống lửa, ở đó có hai sinh viên đại
học và một kế toán buồn buồn hát: “Ôi, sao em nỡ phụ tình anh?”
Sự im lặng của nàng làm cho tôi khó nghĩ. Tôi dè dặt hỏi:
- Anh không làm gì phương hại đến em chứ?
- Không. Chẳng phải là anh đã rất nhanh nhẹn đó sao. Đương nhiên là em phải…cám ơn anh rồi!
Tôi có cảm giác lời cám ơn của nàng không mấy chân thành.
Trước đây chúng tôi chỉ mới gặp nhau vài lần, chắc từ nay cơ hội ấy lại càng ít hơn. Đúng vậy, nàng nhanh chóng trở về thành phố.
Chừng bốn năm sau, tôi tình cờ gặp lại nàng trên một chuyến thuyền về thành phố.
Nàng sống trong một ngôi biệt thự nông thôn bên bờ sông Vonga, hôm nay nàng về quê chồng. Nàng đang mang thai, ăn mặc đẹp và thoải mái. Cổ nàng đeo sợi dây chuyền vàng. Trông nàng đẹp ra, đẫy đà hơn trước… giống những người Gruzia vui vẻ hoạt bát ở Tbilixi vậy.
Chúng tôi nói chuyện với nhau rất thân tình. Cả hai cùng nhớ lại chuyện ngày nào.
“Anh xem - nàng nói - Em đã có gia đình, nhưng vẫn…”.
Đêm xuống dần, mặt sông sáng lên lấp lánh, bọt nước cuộn quanh mạn thuyền tạo thành những hoa văn bất chợt thay đổi không ngừng, xa xa là bầu trời phương bắc xanh thật xanh.
“Em đã có hai cháu, sắp sinh cháu thứ ba” - nàng nói đầy vẻ tự hào như thể đang nói đến một sự nghiệp lớn lao của chính mình.
Trên gối nàng là một túi quất chín.
- Có cần em nói với anh không nhỉ? - Nàng hỏi, đôi mắt long lanh hiện lên nét cười ý nhị- Giả dụ ngày đó, ở ngay đống cỏ ấy, anh dũng cảm hơn một chút… hôn em một lần… thì em đã là vợ anh rồi… Lẽ nào anh không nhận ra là… em rất thích anh? Sao lúc đó anh lại đi lấy nước chứ? Ôi anh thật là!
- Nhưng… anh làm theo sách mà! Lúc đó anh cho rằng, làm theo sách mới đúng, cho nên, trước hết là phải tìm nước uống cho người con gái đang hôn mê đã, chờ cho đến lúc nàng mở mắt, ngơ ngác hỏi “Em đang ở đâu thế này”, lúc ấy mới có thể hôn nàng được - tôi nói với nàng.
Nàng mỉm cười, tỏ ra rất chín chắn:
- Điều bất hạnh của chúng ta chính là ở chỗ đó. Chúng ta vẫn nghĩ và sống theo sách… Cuộc sống thực tế rộng lớn và phong phú hơn sách vở nhiều. Chồng em… không hoàn toàn sống theo sách vở…
Nàng lấy trong túi báo ra một quả quất, bóc vỏ rồi nhíu mày nói “ôi, hư hết rồi” và vụng về ném quả quất hư xuống sông, đoạn hỏi:
- Dạo này anh sống thế nào nhỉ? Anh có còn sống theo sách nữa không? Vừa hỏi nàng vừa mỉm cười ý nhị.
Tôi lặng im không nói, chăm chắm nhìn những bãi cát nhuốm ánh chiều tà đỏ ửng ven sông. Trên bãi cát những con thuyền úp sấp trông như xác chết của những con cá lớn. Đêm bàng bạc ánh trăng. Trên bãi cát vàng ngả bóng râm của những cây bạch liễu. Xa xa là cánh đồng cỏ, những đống cỏ khô tựa những gò đất cao. Nhìn cảnh vật đêm nay tôi chợt nghĩ tới lối ví von của nàng ngày nào: trông như sa mạc châu Phi, những đống cỏ khô kia là những Kim tự tháp…
Người phụ nữ xinh đẹp bóc quả quất thứ hai, nhắc lại với khẩu khí của thế hệ đàn anh đàn chị, gần như giáo huấn tôi:
- Giá như em là vợ anh…
- Cảm ơn em - tôi nói - Cảm ơn em nhiều!
Tôi cảm ơn nàng thật sự!
TRÀ LY
(Dịch từ bản Hoa văn của nhóm dịch giả Trần Quốc Ân, NXB Văn học Trường Giang, Trung Quốc, 2010).