Cát Minh chống sốt xuất huyết
Cát Minh từng là một điểm nóng sốt xuất huyết (SXH) của Phù Cát, chiếm 18/77 ca mắc của toàn huyện trong tháng 1.2013. Nhưng, với nhiều cách làm hiệu quả, dịch SXH ở Cát Minh đã bị chặn đứng.
Giảm ấn tượng
Tháng 1 có tới 18 ca mắc SXH, sang tháng 2, toàn xã Cát Minh chỉ có 1 ca mắc, tháng 3 có 2 ca, từ tháng 4 đến nay không xuất hiện thêm ca SXH nào. Đó là những con số thống kê ấn tượng, nhất là khi năm 2012, Cát Minh có đến 69 ca mắc SXH, tập trung vào 3 tháng cuối năm.
“Lúc đó, 5/7 thôn có trường hợp mắc bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phải cử người, phương tiện về dập dịch. UBND xã quyết định chi 25 triệu đồng để phun hóa chất. Tiền không thiếu, nhân lực cũng đầy đủ, vậy mà dịch vẫn hoành hành”, Trưởng trạm Y tế xã Cát Minh Nguyễn Hồng Thuần nhớ lại.
Trước thực tế đó, ngành Y tế và Giáo dục vào cuộc quyết liệt. Các chiến dịch diệt bọ gậy được tổ chức liên tục trong bán kính 200m ở khu vực có người mắc bệnh. Lực lượng y tế thôn, xã, ban công tác mặt trận thôn đến từng nhà vừa làm mẫu, vừa hướng dẫn người dân cách diệt bọ gậy. Cứ 5 ngày một lần, cán bộ y tế lại kiểm tra một lượt.
Trong hoạt động này, học sinh được xác định là “chủ thể” trung tâm. “Nhà nhà đều có học sinh, các em chính là lực lượng cộng tác viên tích cực nhất, hiệu quả nhất trong hoạt động tuyên truyền. Khi đã được trang bị kiến thức, chính các em tự thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, sau đó thông tin cho người thân, rồi lan ra cộng đồng”, bác sĩ Trần Văn Hòa, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng huyện Phù Cát, nhận định.
Giữa lúc dịch SXH lên đỉnh điểm, công tác tuyên truyền tại 4 trường học trên địa bàn xã Cát Minh cũng vào guồng. Hiệu trưởng Trường THCS Cát Minh Trần Văn Ba cho hay: “Giờ chào cờ đầu tuần được “trích” 15 phút để cán bộ y tế xã và y tế học đường của trường “đứng lớp”. Cuối tuần, giờ sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở thêm cho các em. Ngoài ra, kiến thức về phòng, chống SXH, nhất là diệt bọ gậy, còn được lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa và giờ sinh học. Chúng tôi còn phối hợp với trạm Y tế xã tổ chức cho học sinh đi cổ động ở các thôn, xóm”.
Bắt đầu từ việc nhỏ
“Mô hình phối hợp giữa ngành Y tế và Giáo dục trong phòng, chống SXH không phải là cách làm mới và Cát Minh cũng không phải là địa phương duy nhất được triển khai. Tuy nhiên, chỉ ở Cát Minh mới phát huy hiệu quả cao nhất, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Giáo dục và chính quyền địa phương, chứ không “khoán trắng” cho ngành Y tế. Về lâu dài, cách làm này cần phải nhân rộng ở các địa phương, bởi còn áp dụng để đối phó với các bệnh khác như tay - chân - miệng, cúm A”.
Bác sĩ TRẦN VĂN HÒA, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng huyện Phù Cát.
Chiều 4.5.2013, chúng tôi có mặt tại xóm Thạnh Hiển, thôn Gia Thạnh, xã Cát Minh. Tại quán giải khát nằm ở giữa xóm của chị Nguyễn Thị Hải, 43 tuổi, tất cả các vỏ chai nước giải khát đều được “chổng ngược” trong két. “Trước giờ tôi chẳng mấy khi quan tâm đến mớ vỏ chai này, cứ vứt ra đấy thôi. Nhưng cuối năm ngoái, ở thôn xảy ra dịch SXH, con trai tôi nhắc mẹ, nhà mình có nhiều chỗ có bọ gậy ở. Ví như vỏ chai để ngoài trời, nước mưa đọng lại, thế là muỗi vào sinh. Từ đó, tôi không bao giờ để miệng chai hướng lên trên nữa”, chị Hải chia sẻ. Không chỉ nhắc nhở mẹ, Nguyễn Thế Vũ, học sinh lớp 8A3, Trường THCS Cát Minh còn thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đặc biệt là thay nước cho lọ hoa ở bàn thờ.
Thôn Gia Thạnh có nhiều người sống bằng nghề làm tiểu cảnh, “sanh ôm đá”. Những chậu cảnh chứa nước nhưng không thả cá là môi trường ưa thích của muỗi. Đây chính là nơi xuất hiện ca SXH đầu tiên ở Cát Minh, sau đó bùng phát với 18 ca cuối năm 2012. Trong khi đó, tại các làng biển Đức Phổ 1, Đức Phổ 2, lu chứa nước mắm khi dùng xong, úp lại thì nước đọng ở phần lõm của đáy lu, hình thành những ổ bọ gậy.
“Dùng cát đổ lên đáy lu để nước mưa không đọng lại. Với lọ hoa cắm cây trường sinh quanh năm, đổ cát vào 2/3 thể tích lọ, sau đó đổ nước khoảng 1/2 thể tích, mực nước thấp hơn mực cát; hoặc, dùng nước rửa chén pha vào nước cắm hoa, muỗi không vào đẻ được. Chậu nước uống cho bò, lon nước trong lồng chim phải vệ sinh thường xuyên, hòn non bộ phải thả cá. Những việc rất nhỏ, nhưng được thực hiện thường xuyên ở cộng đồng đã mang lại hiệu quả lớn”, bác sĩ Trần Văn Hòa phân tích.
Một cán bộ ngành Y tế từng khẳng định, chẳng có đoàn kiểm tra nào đủ nhân lực, điều kiện để dăm bữa, nửa tháng lại vào từng nhà, lôi từng lọ hoa trên bàn thờ xuống để thay nước. Vì vậy, phát huy ý thức của từng người dân trong phòng, chống dịch bệnh là việc rất cần chú trọng.
NGUYỄN VĂN TRANG