An Lão phát triển kinh tế trang trại
Qua 4 năm thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy An Lão về phát triển kinh tế trang trại (KTTT) giai đoạn 2011-2015, đã từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao giá trị và đa dạng hóa sản phẩm nông-lâm nghiệp, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo.
Đặc thù của các mô hình KTTT ở huyện miền núi An Lão là chăn nuôi và trồng trọt, phù hợp với địa bàn nông thôn miền núi. Đến nay, toàn huyện có 19 trang trại được huyện cấp giấy chứng nhận hoạt động, gồm 13 trang trại tổng hợp, 3 trang trại chăn nuôi, 2 trang trại lâm nghiệp và 1 trang trại trồng cây lâu năm, với tổng diện tích thực hiện hơn 60 ha. Trong đó có 5 trang trại quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao, đạt các tiêu chí của Bộ NN-PTNT.
Để các mô hình KTTT phát triển ổn định, Huyện ủy An Lão đã chỉ đạo UBND huyện và các ngành chức năng hoàn chỉnh các thủ tục giao đất sử dụng lâu dài cho các hộ dân đầu tư phát triển KTTT theo vùng quy hoạch. Các ngành chức năng của huyện và các địa phương tăng cường hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho các chủ trang trại về tổ chức quản lý, điều hành sản xuất; hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt thông qua lồng ghép các chương trình khuyến nông như: nuôi heo sinh sản, nuôi cá nước ngọt, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi bò vỗ béo, trồng keo cấy mô, trồng dừa xiêm… đã giúp các chủ trang trại an tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Ngoài ra, huyện cũng đã tạo điều kiện cho các chủ trang trại vay vốn ưu đãi hơn 1,8 tỉ đồng, hỗ trợ 270 triệu đồng từ Chương trình 30a mua giống cây trồng, vật nuôi cấp miễn phí, tạo điều kiện cho các chủ trang trại mở rộng quy mô sản xuất. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, doanh thu của mỗi trang trại trên địa bàn huyện đạt bình quân từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng/năm; trong đó, các trang trại chăn nuôi, sản xuất cây giống có giá trị cao hơn nhờ tốc độ quay vòng đồng vốn nhanh. Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Vân, ở thị trấn An Lão, đầu tư gần 500 triệu đồng xây dựng trang trại nuôi heo rừng lai và sản xuất cây giống lâm nghiệp, tổng thu nhập hơn 1,6 tỉ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Ông Nguyễn Thanh Phước, ở xã An Hòa, chủ trang trại nuôi 13 con bò lai, 100 con heo thịt, hơn 200 con gà, vịt, trồng 2 ha keo lai, sản xuất 1 ha lúa nước, nuôi cá nước ngọt…, thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Lão: Các trang trại, gia trại trên địa bàn huyện đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; từng bước hình thành phương thức sản xuất quy mô lớn, hạn chế tình trạng sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung với trình độ thâm canh cao. Đặc biệt, phát triển KTTT luôn gắn liền với chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện và gắn với việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nông nghiệp, nông thôn; từng bước tăng số hộ giàu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động trên địa bàn, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ông Phạm Văn Nam, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy An Lão, cho biết: Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ban thường vụ Huyện ủy đã xác định phát huy thế mạnh của địa phương về rừng và đất rừng, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, huyện đã quy hoạch 168 ha để phát triển KTTT tại các xã An Hòa, An Tân, An Trung, An Hưng và thị trấn An Lão; đẩy mạnh công tác giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp để nhân dân phát triển kinh tế rừng; lồng ghép các nguồn vốn, hướng dẫn nhân dân lập các dự án vay vốn đầu tư phát triển KTTT... Trước mắt, trong năm 2015, huyện An Lão củng cố, duy trì 19 trang trại hiện có và phát triển mới 3-5 trang trại, gắn với đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh.
HOÀNG NAM QUỐC