Công ty cổ phần Đường Bình Định: Cam kết đảm bảo lợi ích cho người trồng mía
Công ty cổ phần Đường Bình Định vừa vào vụ ép mía mới, niên vụ 2014-2015. Liệu trong vụ ép này, những tồn tại, hạn chế trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là việc tổ chức thu mua nguyên liệu và trả tiền mua mía cho nông dân có được doanh nghiệp giải quyết rốt ráo? PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Phan Lâm Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường Bình Định, quanh vấn đề này.
* Ông có thể cho biết, đến nay công ty đã trả nợ tiền mua mía cho nông dân đến đâu?
- Niên vụ ép mía năm 2013-2014, vì nhiều lý do khác nhau, công ty chậm trả tiền mua mía cho nông dân như đã cam kết, với số tiền khoảng 45 tỉ đồng. Đến tháng 6.2014, công ty đã hoàn trả xong tiền bán mía cho nông dân. Thực tế, trong thời điểm khó khăn, nông dân đã chia sẻ, cảm thông và tiếp tục đồng hành cùng công ty. Chúng tôi rất biết ơn bà con và nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo lợi ích cho người trồng mía trong vụ ép mía năm 2014-2015.
* So với vụ ép mía năm trước, vụ ép năm 2014-2015 trễ hơn nhiều, vì sao vậy thưa ông?
“Chúng tôi rất biết ơn bà con và nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo lợi ích cho người trồng mía trong vụ ép mía năm 2014-2015”
Ông PHAN LÂM TƯỜNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường Bình Định
- Thường thì vào khoảng cuối tháng 10 hàng năm, công ty vào vụ ép mới. Năm nay, do thời tiết nắng hạn kéo dài đã ảnh hưởng đến tình hình sinh trưởng của cây mía, nên công ty đã điều chỉnh thời gian vào vụ ép mía có chậm hơn so với năm trước. Theo kế hoạch, ngày 28.11, công ty đã triển khai mua mía để sản xuất, nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới, thời tiết mưa nhiều, việc thu hoạch mía gặp khó khăn. Hơn nữa, người trồng mía lo ngại đốn mía trong thời điểm này sẽ tăng chi phí, nên chúng tôi quyết định ngày 4.12 mới vào vụ ép mía niên vụ 2014-2015.
* Công tác tổ chức thu mua nguyên liệu, giá mía và việc trả tiền mua mía cho nông dân trong vụ ép mía năm nay được thực hiện như thế nào?
- Vụ ép mía năm nay, công ty có kế hoạch mua 400 ngàn tấn mía nguyên liệu, sản xuất 40.000 tấn đường. Trong đó, mua khoảng 53.000 tấn mía nguyên liệu tại các các địa phương trong tỉnh. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, vụ ép này, nông dân có nhu cầu thu hoạch mía, bà con chỉ cần thông báo cho trạm thu mua mía gần nhất, chúng tôi sẽ điều phương tiện đến vận chuyển ngay, không giới hạn sản lượng mía nhập về nhà máy trong ngày.
Về giá mía, công ty cam kết thu mua mía nguyên liệu với giá bảo hiểm 750 ngàn đồng/tấn mía chữ đường 10. Tùy vào giá cả thị trường tại thời điểm, công ty sẽ thông báo giá mua hợp lý, nhưng đảm bảo không thấp hơn giá nói trên. Hiện công ty đang thu mua mía nguyên liệu với giá 900 ngàn đồng/tấn mía 10 chữ đường, mua tại ruộng. Nếu nông dân bán mía tại nhà máy, công ty sẽ trả tiền chi phí vận chuyển. Công ty không để nông dân phải chờ đợi phương tiện vận chuyển sau khi thu hoạch mía, và không để nông dân đợi cân mía làm ảnh hưởng đến sản lượng và chữ đường trong mía. Sau 3 ngày nhập mía bán cho công ty, bà con sẽ nhận được tiền bán mía.
* Vùng nguyên liệu mía trong tỉnh đã và đang giảm mạnh, công ty có biện pháp gì để khuyến khích nông dân gắn bó với cây mía, nhằm duy trì và phát triển vùng nguyên liệu?
- Năm 2014, nắng hạn kéo dài đã làm cho 350 ha mía của nông dân bị chết, nên diện tích mía nguyên liệu trong tỉnh hiện chỉ còn khoảng 1.300 ha. Chúng tôi xác định, vùng nguyên liệu mía quyết định sự sống còn của nhà máy, nên cần phải nỗ lực nhiều hơn để duy trì và phát triển. Hiện, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thu mua nguyên liệu phục vụ cho nhà máy hoạt động, công ty cũng đã xây dựng kế hoạch đầu tư trồng mía nhằm đáp ứng nguyên liệu cho vụ ép năm sau. Cụ thể, công ty hỗ trợ đầu tư trồng 3.000 ha mía, hỗ trợ đầu tư cho nông dân từ 28-30 triệu đồng/ha, gồm tiền mặt và 30 tấn bã bùn, 10 tấn mía giống và phân bón, không tính lãi suất. Công ty cũng sẽ hỗ trợ đầu tư 1.000 ha mía gốc chăm sóc, hỗ trợ nông dân 20 triệu đồng/ha, gồm tiền mặt, 20 tấn bã bùn và phân bón, không tính lãi suất. Việc thu hồi tiền hỗ trợ sẽ được thực hiện từ năm 2015- 2016.
Ngoài ra, đối với các xã Tây Giang, Tây Thuận (huyện Tây Sơn); Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh), công ty sẽ mua tăng thêm 20.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường mua tại ruộng nhằm khuyến khích nông dân phát triển vùng nguyên liệu gần nhà máy. Công ty cũng sẽ xây dựng một số mô hình sản xuất các loại giống mía mới năng suất cao, áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng mía nhằm chuyển giao cho nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất mía, nâng cao thu nhập.
* Liệu trong vụ ép này có còn xảy ra tình trạng tranh chấp thu mua mía nguyên liệu giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh đường trong khu vực, thưa ông?
- Năm 2014, nắng hạn kéo dài đã làm chết nhiều diện tích mía nguyên liệu, năng suất và sản lượng mía ở các vùng nguyên liệu mía ở khu vực miền Trung bị ảnh hưởng, nên nhiều nhà máy đường trong khu vực sẽ gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất và rất dễ xảy ra tình trạng tranh giành thu mua nguyên liệu mía. Trên lý thuyết thì vùng nguyên liệu do nhà máy nào đầu tư thì nhà máy đó thu mua, nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy, vùng nguyên liệu mía do BISUCO đầu tư đã bị đơn vị khác “xé rào”, tranh giành thu mua bằng cách nâng giá mía lên cao và đã để lại hệ lụy xấu.
Vụ ép mía năm nay, chúng tôi rất lưu tâm đến vấn đề trên, cố gắng không để tình trạng đó xảy ra. Trách nhiệm của công ty là phải giữ gìn, bảo vệ công sức, đồng tiền đã bỏ ra, không cho nhà máy khác xâm phạm “lãnh địa” của mình. Giải pháp tối ưu của công ty cho tới thời điểm này là thực hiện nghiêm túc hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với nông dân, tạo mối quan hệ làm ăn tốt đẹp với nông dân. Và khi nông dân xem nhà máy là tài sản của mình thì bà con sẽ có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, cùng “chung vai đấu cật” với chúng tôi để mang lại lợi ích chung...
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)