Về những loại hình điêu khắc đất nung mới phát hiện phế tích tháp Bàu Sen
Tại khu phế tích tháp Bàu sen (thôn 2 xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn), cách quốc lộ 19 khoảng chừng 300 mét về hướng đông bắc, trong lúc lấy đất làm đường, người dân địa phương tìm thấy nhiều đồ đất nung trang trí.
Các hiện vật vừa phát hiện gồm các tai lửa nhiều kích cỡ, linh vật Chăm. Đặc biệt, có sáu tiêu bản hình tượng các thú vật, hầu hết trang trí một mặt chính, phía sau khoét lõm hình lòng máng, cho thấy đây nguyên là các phù điêu dùng để trang trí tháp.
Tiêu bản thứ nhất cao 35cm, rộng 37cm, thể hiện hình tượng một con chim nhưng đã bị vỡ mất đầu, chỉ còn một phần thân và cánh. Thân chim gồm nhiều lớp lông vũ được khắc tròn, xếp lớp so le như vảy cá; cổ chim trang trí một vòng gồm các tam giác nhọn nối tiếp nhau. Hai cánh chim xòe ra hai bên, thân cánh tạo các đường khắc giật cấp song song theo chiều dọc.
Tiêu bản thứ nhì dài 23,5cm, rộng 15cm, thể hiện hình tượng đầu một con chó miệng mở, lưỡi lè ra, tai quập xuống, mắt tròn tạo vành mí rất rõ. Tiêu bản thứ ba dài 16cm, rộng 9cm, cũng thể hiện đầu một con bò với mắt tròn có hai lớp mí.
Tiêu bản thứ tư dài 23cm, rộng 10cm, là đầu một con dê có tai vểnh lên, nhưng hai sừng đã bị gãy chỉ còn một đoạn ngắn. Miệng dê ngậm lại, mắt có hai lớp mí.
Tiêu bản thứ năm dài 20cm, rộng 12 cm, thể hiện đầu một con ngỗng có mỏ dài ngậm lại, mắt tròn. Tiêu bản thứ sáu, dài 32cm, rộng 28,5cm, là thân một con sư tử, bắp đùi căng tròn, to khỏe; riêng phần đầu và chân đã bị mất.
So sánh những hiện vật trên với các hiện vật đất nung từng được khai quật tạicác tháp và phế tích tháp ở Bình Định những năm gần đây, ta thấy có những loại hình điêu khắc lần đầu tiên được phát hiện. Ngoài các vật linh rất phổ biến trong điêu khắc Chăm như bò nandin, makara - sư tử, ngỗng hamsa, chim garuda, kala… tượng chim ở Bàu Sen, phù điêu chó, dê đều khá lạ. Còn tượng sư tử ở Bàu Sen rất to, cơ thể căng tròn, mang một nét phong cách riêng.
Bên cạnh đó, tại phế tích tháp Bàu Sen, người ta còn tìm thấy một số hiện vật như tai lửa đất nung chạm lộng, trang trí hai mặt với nhiều kích cỡ. Đây chính là vật dụng thường dùng để trang trí tháp; trong đó loại lớn dùng để điểm góc mái tháp chính, loại nhỏ điểm góc các tầng tháp phụ, còn loại chỉ trang trí một mặt dùng để trang trí ở các riềm vòm cửa tháp và các vòm ô khám trên các tầng mái. Điều này cho thấy, khu vực Bàu Sen từng tồn tại một kiến trúc tháp Chăm.
Loại hình trang trí kiến trúc bằng vật liệu đất nung xuất hiện sau thế kỷ XI. Nếu những giai đoạn trước, nghệ nhân phải đục và khắc trực tiếp lên tháp để trang trí, thì từ thế kỷ XI về sau, người Chăm sử dụng đồ đất nung để trang trí tháp. Kiến trúc tháp Bàu Sen tương tự Lai Nghi, cũng là một phế tích tháp cách Bàu Sen không xa, có niên đại khoảng thế kỷ XII. Đây là thời kỳ sản xuất nông nghiệp và sản xuất vật liệu xây dựng Chămpa phát triển. Từ đó, tạo điều kiện cho sự ra đời của nhiều trang trí bằng đất nung sản xuất hàng loạt, tạo thành một thời kỳ mới trong trang trí kiến trúc đền tháp Chăm.
Những hiện vật nói trên hiện đã được đưa về Bảo tàng Tổng hợp Bình Định bảo quản. Đây sẽ là những tư liệu quý hiếm, có giá trị nghiên cứu cao, góp thêm vào việc nghiên cứu, phân loại lịch sử kiến trúc, điêu khắc Chămpa ở Bình Định.
HỒ THÙY TRANG
(Bảo tàng Tổng hợp Bình Định)