Nguyễn Thanh Mừng và những dòng lục bát: Từ gió Đồ Bàn đến đại dương
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng vừa ấn hành cùng lúc hai tập thơ Ngữ pháp gió (NXB Hội Nhà văn) và Ly cà phê đại dương (NXB Đà Nẵng). Phần lớn các bài thơ trong hai tập này là thơ lục bát, một thể loại góp phần khẳng định tên tuổi Nguyễn Thanh Mừng trong làng văn Việt Nam.
Sinh ra ở Bình Định, trừ những năm đi học ở Huế, Nguyễn Thanh Mừng làm việc, lấy vợ sinh con đều trên chính mảnh đất mình chôn nhau cắt rốn; và chính quê hương đã tạo nên nguồn cảm xúc vô tận để ông sáng tác.
Cuồn cuộn gió Đồ Bàn
Nói đến Bình Định, người yêu thơ nhớ đến những nhà thơ trong nhóm “Bàn thành tứ hữu” hay còn gọi là nhóm “Tứ linh” tượng trưng cho các con vật huyền thoại: Long, Lân, Quy, Phụng. Những nhà thơ trong nhóm “Tứ linh” đó gồm: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan. Họ đã góp phần tạo nên diện mạo phong trào thơ mới và khẳng định diện mạo của chính mình.
Nguyễn Thanh Mừng thuộc thế hệ sau của “trường thơ Bình Định”. Ngoài thơ, ông còn viết khảo cứu văn hóa dân gian, sáng tác truyện về chính nơi ông sinh ra. Hai tập thơ vừa in của Nguyễn Thanh Mừng cũng bén rễ từ quê hương như thế, để rồi tình yêu xứ sở “lan tỏa” thành tình yêu đất nước.
Quê hương Bình Định hiện lên trong thơ Nguyễn Thanh Mừng với những nét không thể lẫn lộn của một vùng đất địa linh nhân kiệt: “Tôi còn có một Tây Sơn/ ngà voi móng ngựa rập rờn thảo nguyên/ bóng me xà kiếm hổ quyền/ guồng xa kéo vải dệt nên cẩm bào... Tàn cơn rồng lửa Đống Đa/ chút hương nghĩa sĩ cuộn hòa Thăng Long/ ai kia báng bổ non sông/ hồn Quy Nhơn sót lại trong giọng cười” - Bia tưởng niệm nghĩa sĩ Tây Sơn trên đất Thăng Long (tập Ly cà phê đại dương).
Trong hai tập thơ này của Nguyễn Thanh Mừng cuồn cuộn gió Đồ Bàn trong hồn người hồn đất của một địa danh, để rồi lan rộng ra thành những ngọn gió hào hùng của một dân tộc. Ngọn gió hào hùng ấy có từ thời Phù Đổng Thiên Vương: “Khi tôi cưỡi ngựa về trời/ tôi nghe tiếng mẹ gọi tôi trên đồng/ lúa đơm thơm ruộng Lạc Hồng/ hạt cơm xã tắc hưng vong trong nồi”. Và ngọn gió ấy kéo rộng như đại dương đến với những người lính biển: “Khi em thầm gọi tên tôi/ tôi áp đôi ngực vào môi thủy triều”.
Gió vượt ngoài ngữ pháp
Có thể nói thơ lục bát của Nguyễn Thanh Mừng đã tạo nên một nét riêng, ít nhất trong hai tập thơ này: gió hào sảng nhưng đầy dụ ngôn. Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng thơ (Hội Nhà văn Việt Nam), nhận xét về tập thơ Ngữ pháp gió: “Toàn bộ các bài thơ trong Ngữ pháp gió đều được cấu tạo hầu như theo cách khơi gợi “ý tại ngôn ngoại”, nó là một thứ ngữ pháp ở ngoài ngữ pháp, một kiểu liên tưởng đậm chất thi sĩ chỉ có thể khám phá trọn vẹn khi cộng hưởng cùng cảm xúc”.
Thật vậy, Nguyễn Thanh Mừng cộng hưởng cảm xúc với người đọc khi đưa ra nhiều hình ảnh để có thể biến một sự vật, hiện tượng bình thường thành thơ với hình ảnh bay bổng. Chẳng hạn, từ việc uống nước trong trái dừa mọc thành rừng ở Bình Định, ông viết: “ngửa đầu uống một kinh thành/ nét mày Phật Thệ vừa thanh thản cười,/ giang tay viết giữa mây trời/ câu thơ hào sảng tặng người hào hoa!” - (Uống nước dừa bên tháp Vijaya).
Nói về tài thơ lục bát của Nguyễn Thanh Mừng, nhà thơ Bằng Việt so sánh: “Sau nhà thơ Đồng Đức Bốn khoảng hơn 10 năm về trước, tôi lại tìm ra được niềm tin vững chắc, rằng nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng hôm nay, là một trong các nhà thơ hiếm hoi của chúng ta, hội đủ khả năng để chuyển tải thành công tâm hồn phong phú và tinh tế của mình đến với đông đảo công chúng yêu thơ, chỉ bằng một bệ phóng thơ giản dị - một bệ phóng chuyên dụng mà hiệu nghiệm, xưa cũ mà hiện đại - đó chính là thể thơ lục bát”.
Thường thì, các nhà thơ ít khi khen nhau, với Nguyễn Thanh Mừng và thể thơ lục bát, được một nhà thơ khác thuộc thế hệ trước như Bằng Việt “đánh giá” như vậy, âu cũng là một sự “liên tài”.
Theo Thanh Kiều (báo Thể thao & Văn hóa)