Cây bút Việt kiều Vũ Thanh: Viết - một cách về nguồn
Câu chuyện về Lía, chàng trai nghĩa hiệp đất Bình Định ở thế kỷ 18 thực thi lý tưởng “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo” đi vào tâm thức dân gian Việt Nam bao đời nay, một lần nữa được “kể” sống động qua bộ tiểu thuyết Én liệng Truông Mây vừa xuất bản. Tác giả là một người con Bình Định xa xứ: Vũ Thanh.
Bức tranh hiện thực đất nước một thời
Én liệng Truông Mây là một bộ tiểu thuyết dã sử đồ sộ, có độ dài gần 2.000 trang, được viết theo lối trường thiên tiểu thuyết chương hồi. Sách gồm 4 tập: Truyền quốc Ô Long đao, Trấn Biên thành nổi sóng, Những mảnh tình trắc trở và Cờ nghĩa rợp Truông Mây.
Tác giả Vũ Thanh.
Tác giả, bằng bút lực dồi dào, nhiệt tâm và sự dày công nghiên cứu, đã mang đến một bức tranh sinh động, trung thực với hoàn cảnh lịch sử, địa lý của xã hội thời bấy giờ. Đó là thời Đàng Trong - Đàng Ngoài phân tranh, hai họ Trịnh - Nguyễn chia nhau cát cứ, triều chính thối nát, thượng bất chính - hạ tất loạn, đẩy đời sống nhân dân lâm vào thống khổ, lầm than. Thực trạng ấy dẫn tới phong trào khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi mà bạo động Truông Mây do Lía khởi xướng, thủ lĩnh là khúc dạo đầu cho cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn thắng lợi, thống nhất giang sơn sau này.
Én liệng Truông Mây được mở đầu bằng thảm cảnh hai nhà Trần Nguyên Hào (ở phủ Quảng Ngãi) và Võ Trụ (ở huyện Phù Ly, tức cha của Võ Văn Doan - Lía sau này) bị thảm sát. Cả nhà họ Trần bị thảm sát vì âm mưu chiếm đoạt thanh Ô Long bảo đao của Đại Việt cùng tham vọng độc chiếm hải cảng sầm uất Cù Lao Phố, từ đó lập thành vương quốc riêng của nhà buôn người Phúc Kiến Lý Văn Quang. Trong khi đó, Võ gia bị sát hại dưới bàn tay điều khiển của gian thần Trương Phúc Loan, vì muốn vơ vét tài sản quốc gia vào túi riêng, bởi Võ Trụ - người phát hiện ra mỏ vàng trên núi Kim Sơn cũng chính là người sau đó được tin cẩn giao quản lý việc khai thác.
Nhân vật trung tâm của bộ tiểu thuyết chính là chàng Lía, một trẻ mồ côi, nạn nhân của vụ toàn gia bị thảm sát năm nào, cũng là một người nông dân cùng khổ không cam chịu khoanh tay bó gối trước thời cuộc nhiễu nhương. Lía tập hợp nhiều nghĩa sĩ có chung lý tưởng với mình, trước đi “cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo”, sau quyết tâm khởi nghĩa mong lập nên một thời đại mới tốt đẹp hơn. Cuộc khởi nghĩa đang lúc thắng lợi thì có kẻ phản bội khiến cả thành Truông Mây bị tiêu diệt. Lía uất hận cắt đầu tạ tội cùng anh em nghĩa sĩ Truông Mây đã hy sinh.
Viết là về nguồn
Nếu Lía trong văn học dân gian hay tâm thức người Việt là một “thảo khấu”, tuy tốt bụng, dũng cảm nhưng tính cách có phần giản đơn, hiếu chiến, võ biền, dụng sức nhiều hơn trí…, thì Lía trong Én liệng Truông Mây của Vũ Thanh lại hiện lên đầy nghĩa khí, mang hoài bão lớn, rất có chiều sâu tâm hồn. Xây dựng hình tượng chàng Lía như vậy, tác giả lý giải: “Cá nhân tôi cho rằng vè Chàng Lía đang lưu hành là kết quả của sự tam sao thất bổn, xuất phát từ sự ngăn cấm gắt gao của Chúa Nguyễn thời bấy giờ đối với việc ca tụng một nhân vật nổi loạn chống lại họ. Khi người dân lén lút truyền miệng, để tránh tội, họ phải thay đổi một phần tính cách chàng Lía và nội dung câu chuyện khác đi để qua mắt. Vì vậy mà khởi nghĩa Truông Mây theo bản vè chỉ còn là chuyện của một đám cướp hào hiệp chứ không phải là cuộc nổi dậy của dân nghèo chống áp bức. Không thể có một chàng Lía như trong vè mà có thể khiến cho nhân dân thời đó mến thương, truyền tụng đến tận đời nay. Cũng không có một anh võ biền thô lỗ nào như chàng Lía dân gian mà có thể lãnh đạo được một phong trào cách mạng cả, dẫu cuộc cách mạng ấy thất bại. Lía chỉ còn là huyền thoại. Vậy chúng ta hãy xây dựng lên một huyền thoại sao cho đẹp đẽ và văn hóa để con cháu ngắm nhìn và tự hào. Én liệng Truông Mây được viết lên để xây dựng lại hình ảnh chàng Lía và cuộc cách mạng của những hiệp sĩ năm xưa…”.
Tác giả Vũ Thanh, tên thật là Võ Thanh Quang, sinh năm 1956, nguyên quán Tân Hội, Phước Hưng, Tuy Phước. Là cựu học sinh, sinh viên Trường Trung học Cường Đễ - Quy Nhơn và Đại học Sư phạm Sài Gòn (ngành Sư phạm Toán), từ năm 1993, gia đình Vũ Thanh sang Hoa Kỳ định cư, tại bang Florida.
Mặt khác, ở Én liệng Truông Mây, lồng trong những cuộc quyết chiến bi hùng là những mối tình lãng mạn, nhẹ nhàng nhưng rất sắt son của trai gái Việt trong bối cảnh xã hội thời mở cõi tuy rối ren nhưng vẫn thấm đẫm tinh thần trượng nghĩa, nhân đạo, nhân văn.
Vũ Thanh - cây bút không chuyên xa xứ vốn không xa lạ với bạn đọc quê nhà. Tháng 4.2012, ông từng ra mắt tác phẩm đầu tay: Truyện thơ Hòn Vọng Phu ngay tại Quy Nhơn. Én liệng Truông Mây là bộ đầu tiên trong trường thiên tiểu thuyết Tây Sơn Tam Kiệt gồm 3 bộ của Vũ Thanh, cùng với Nhất thống sơn hà (bộ 2) và Gia Định tam hùng (bộ 3) sẽ được xuất bản sau.
Ngoài viết văn, Vũ Thanh còn sáng tác nhiều nhạc phẩm: Đá Vọng Phu, Chuyện tình người chiến binh, Tình sử Huyền Trân, Quy Nhơn - đôi mắt người xưa… Vũ Thanh tâm sự: “Dù tha phương, xa cách bao lâu, tôi vẫn là con dân Bình Định. Quê hương có rất nhiều điều để mình viết, vì từ bé đã sống và nghe qua nên khi viết dễ hơn và có nhiều cảm xúc hơn. Với tôi, viết như một cách về nguồn”.
SAO LY
Quy Nhơn đôi mắt người xưa da diết, mộng mị và nên thơ đến lạ. Quốc Khanh-con trai nhạc sĩ đã chuyển tải thành công những tâm sự của cha mình, chỉ tiếc là bài hát không được phổ biến rộng rãi vì được 1 Trung tâm ca nhạc hải ngoại còn ôm nặng những quá khứ .