Bà Tư Nghĩa
Truyện ngắn của Võ Hạnh
Hai mươi tháng bảy là ngày giỗ đầu bà Tư Nghĩa. Bà con khách khứa chẳng có ai ngoài mấy cô trò chúng tôi và hai người bán hàng rong. Cỗ bàn cúng bà Tư cũng đơn giản, chỉ một đĩa cá bống kho nghệ, cơm và bát canh cua khế. Đây là những món bà Tư rất thích khi còn sống. Hồi trước khi qua đời bà Tư thường nói: “Sau này bà chết, nhớ ngày, chỉ cần đốt cho bà nén hương là quý rồi”. Bà không muốn để phiền hà cho mọi người nên mới nói vậy.
Bà Tư chẳng có bà con họ hàng thân thích gì. Gia thế bà ra sao cũng không ai biết rõ. Nghe đâu hồi nạn đói năm bốn lăm, có người đàn bà quê ngoài vùng Thanh Hóa bồng bế hai đứa con vào miền Trung kiếm kế sinh nhai. Trên đường, hai đứa nhỏ bị bệnh chết. Người đàn bà như người mất hồn suốt một thời gian dài. Ông Tư lái đò góa vợ, thương tình dắt về nhà chăm sóc thuốc men. Sau trở thành vợ ông và là bà Tư Nghĩa sau này.
Hai vợ chồng tá túc trong căn nhà tranh nhỏ bên bờ sông. Ông Tư ngày ngày chống đò đưa khách qua sông, còn bà Tư thì làm bánh ra chợ bán. Năm 1970, trong một lần bọn lính đi càn bắt gặp đò ông Tư chở nhiều người khả nghi. Đò đã ra quá giữa dòng, bọn chúng gọi quay trở lại. Ông Tư giả vờ không nghe cứ chống đi thật nhanh. Lúc ông trở về bọn lính chỉ quát một câu: “Mày chở cộng sản phải không?” rồi lia một loạt đạn. Cả ông Tư và chiếc ghe chìm nghỉm trong dòng nước. Ở ngoài chợ bà Tư nghe tin dữ vội chạy về…
Năm 1972, vùng Bót Gác Cháy là điểm nóng diễn ra giao tranh quyết liệt. Ban ngày bọn địch từ đồi Núi Chéo bắn pháo lên dữ dội để uy hiếp. Ban đêm chúng sợ du kích nên rút về quận. Dân làng phần lớn đi tản cư hết. Bà Tư Nghĩa vẫn một mình trong ngôi nhà nhỏ bên bờ sông. Có lần bọn ngụy nghi bà che giấu, tiếp tế cho cộng sản nên gọi lên đồn tra xét như không có chứng cứ gì chúng đành thả bà về. Sau ngày giải phóng, bà con chạy loạn ai về nhà nấy, dọn vườn, dọn cửa lo làm ăn. Mẹ con tôi cũng trở về quê ngoại tá túc. Nhà tôi cất cạnh nhà bà Tư. Hồi ấy, vườn bà Tư có cây me đứng sát bờ sông, tán rất thấp, năm nào trái cũng sai. Chị em tôi và bọn trẻ trong xóm thường ra đây tụ tập, đứa nào cũng cuộn một bọc me, ào vào nhà bà Tư, vốc nắm muối hột nhai me non ngấu nghiến. Bà Tư dễ tính, thương trẻ, không la rầy. Thấy chúng tôi ghiền me non, bà chỉ cười: “Tổ cha tụi bây, coi chừng ăn me non, uống nước lạnh, “Tào Tháo” rượt chạy không kịp đấy”.
Tuổi thơ tôi lớn lên cùng cây cối trong vườn bà Tư Nghĩa. Bà rất thương tôi, có lẽ vì tôi ít nghịch lại hay giúp bà xâu kim, nhổ tóc ngứa nên có cái gì bà cũng để dành. Tôi nhớ có một lần bà Tư được xã mời lên nhận bằng khen vì có công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Chiều tối bà gọi tôi sang cho cái bánh và bảo tôi đọc cho bà nghe trong cái bằng khen người ta viết những gì. Tôi thấy bà Tư vui lắm. Bà loanh quanh khắp nhà. Bà mở cái nắp ảng trong xó rồi đậy lại nhưng chẳng để làm gì cả. Từ khi nhận được cái bằng khen, bà Tư càng xởi lởi hơn. Tối nào tôi sang học bài bà cũng kéo ra mớ chuyện hồi nảo hồi nao để kể. Chuyện bà tiếp tế gạo muối cho cách mạng, chuyện che giấu cán bộ, bà kể say sưa đến lúc mắt tôi đã ríu lại bà vẫn còn kể.
Sau này tôi vào đại học, mỗi bận về thăm nhà sang thăm bà Tư, năm câu ba sợi hỏi thăm rồi lại bắt đầu điệp khúc chuyện hồi chiến tranh. Năm 1994, ra trường tôi trở về “tắm ao ta”. Vẫn ở cạnh bà Tư. Câu chuyện hồi chiến tranh bà lại tiếp tục với tôi. Thú thật tôi cứ nghĩ: “Bà già đã lẩm cẩm, chuyện xưa như trái đất mà cứ kể hoài không biết chán”. Khoảng cuối năm 1996, xã tôi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Kế tiếp đó nhiều người được phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng, được nhận phụng dưỡng suốt đời, nhiều nhà có công với cách mạng được hưởng chế độ chính sách. Tôi gợi ý bà Tư đi “làm chính sách” để được hưởng quyền lợi. Bà cười lắc đầu: “Thôi mà cháu. Bà không màng đến chuyện đấy. Hồi trước làm việc âm thầm không ai biết. Bây giờ nói ra người ta nghĩ mình kể công”. Tôi biết bà tự trọng, không muốn ai đặt câu hỏi xem xét bà có công hay không có công?
Những năm cuối đời bà Tư hay đau ốm. Vườn tược thu lợi chẳng được bao nhiêu, đời sống khó khăn vậy mà bà vẫn không một lời kêu ca đòi hỏi chế độ chính sách. Năm tháng trước khi bà Tư mất, tôi giấu bà đi tìm hiểu sự thật. Tôi nhớ trong những lần bà kể chuyện che giấu cán bộ, có một người bà biết tên là ông Nguyễn Tùng Giảng. Hồi năm 1971, bọn ác ôn kéo loa đi khắp xóm treo thưởng hai tạ gạo và năm trăm ngàn bạc cho ai bắt sống hoặc giết được ông Giảng. Lúc đó bà Tư đang giấu trong nhà mình một cán bộ bị thương. Sau này mới biết đó chính là ông Giảng. Tôi phải mất đến ba ngày mới lần mò hỏi thăm ra tung tích, chỗ ở của ông. Nhưng thật oái ăm khi tôi tìm đến nhà thì cũng chính là lúc gia đình đưa ông từ bệnh viện Quy Nhơn về. Ông chết do tai biến mạch máu não. Ông Giảng ra đi mang theo công trạng bí mật của bà Tư. Vài tháng sau bà Tư cũng qua đời. Trước đó mấy hôm bà có nhờ tôi chở đến ủy ban xã, bà đến để xin khi mình qua đời được chôn cất trên mảnh vườn nhà. Ông chủ tịch không đồng ý vì lý do không thể chôn cất trong khu dân cư được. Bà Tư buồn lắm, trên đường về bà không nói câu nào. Đêm đó bà thắp nhang và ngồi lặng im hàng giờ trước bàn thờ ông Tư. Trưa hôm sau tôi đi dạy về thấy trong nhà bà Tư rất đông người. Bà Tư đã ra đi. Có một điều kỳ lạ là sau khi bà Tư ra đi, cây me trong vườn cũng tự dưng héo dần từng nhánh rồi chết khô.
Tuần nhang trên bàn thờ bà Tư đã tàn. Những phút giây mặc niệm để tưởng nhớ người đã khuất cũng đã hết. Chúng tôi làm phần việc còn lại, đốn cây me khô lấy củi để phòng hờ mùa mưa đốt bếp cho ấm áp. Chẳng mấy chốc cây me khô đã được học trò tôi chặt gọn xếp đống. Trong lúc chất củi, một cậu học trò sơ ý đã làm vỡ cái ảng của bà Tư. Đồ đạc trong nhà bà Tư, từ ngày bà mất, tôi cố gắng giữ gìn và không xê dịch cái nào cả. Làm bể cái ảng tôi thấy có lỗi với bà. Nhưng sự việc đã lỡ rồi chỉ còn biết trách nhẹ cậu học trò mấy câu rồi bỏ ra vườn. Tôi bần thần như người mộng du. Chợt có tiếng la hét của đám học trò:
- Hầm! Hầm! Cô ơi, ở đây có cái hầm.
- Hầm ở đâu? -Tôi nghi ngờ bọn tinh ranh bày trò ú tim để chuộc lỗi. Nhưng thật bất ngờ, trước mắt tôi hiển hiện cái miệng hầm đen ngòm thông xuống đất. Kỳ lạ như có ai vừa mang đến đây đặt vậy. Thì ra bà Tư đã dùng cái ảng to để che giấu căn hầm bí mật. Hèn chi mà chẳng bao giờ bà chịu di chuyển nó cả. Tôi chợt nhớ những động tác luống cuống mở rồi đậy nắp ảng hồi bà nhận được cái bằng khen có công cách mạng.
Tin về căn hầm bí mật trong nhà bà Tư lan nhanh, nhiều người kéo đến xem. Thôn điện cho xã, xã điện cho huyện… xe cộ đổ về nườm nượp. Ai nấy cười nói bàn tán xôn xao như vừa phát hiện ra một di tích bí ẩn. Ông chủ tịch nói một câu gì đó mà mọi người vui vẻ lắm. Rồi người ta dùng đèn pin xuống kiểm tra căn hầm. Họ nhặt được một cái nồi đồng, vài cái chén bát và chiếc đèn hột vịt. Tất cả đều được đưa về huyện.
Vậy là căn hầm bí mật đã tự nói về chủ nhân của nó. Và tôi, dường như cũng cảm thấy mình được sáng ra từ nơi căn hầm tối đó của bà Tư.
V.H