Xã hội hóa đầu tư, khai thác hạ tầng đường sắt: Giảm sức ì, bớt gánh nặng
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc sắp xếp các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN).
Theo đó, sẽ có 22 đơn vị, doanh nghiệp ngành đường sắt phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2015. Các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý cho rằng, việc kêu gọi tư nhân đầu tư vào hạ tầng đường sắt không chỉ giảm gánh nặng cho ngân sách, mà còn mở ra hướng đi mới nhằm gia tăng sức cạnh tranh, phát triển của ngành vận tải vốn bị đánh giá là lạc hậu.
Theo quy luật, kết cấu hạ tầng giao thông luôn phải đi trước một bước để tạo động lực phát triển ngành vận tải. Hạ tầng có tốt thì mới kích thích vận tải phát triển. Nhưng với ngành đường sắt, do những đặc thù riêng như đòi hỏi nguồn vốn đầu tư hạ tầng lớn, chậm thu hồi vốn nên thời gian qua chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong nỗ lực thay đổi, cải thiện hình ảnh, vận tải đường sắt đã có những chuyển biến bước đầu, thể hiện qua việc thu hút một số doanh nghiệp ngoài ngành đầu tư cải tạo, đóng mới toa xe.
Mới đây, Tập đoàn FPT đã tham gia hợp tác đầu tư phát triển hệ thống bán vé điện tử tự động. Chưa thể tính chính xác về hiệu quả kinh tế, vì mới đưa vào khai thác nhưng hiệu quả xã hội rất rõ khi đã có hàng chục vạn người mua được vé qua hệ thống mạng, góp phần làm cho công tác bán vé trở nên công khai, minh bạch. Người dân không còn phải vất vả xếp hàng dài mua vé tại ga như trước. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của toàn ngành đường sắt trong đẩy mạnh việc cổ phần hóa, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng thực sự là tín hiệu đáng mừng để ĐSVN chuyển mình thoát khỏi sự trì trệ, lạc hậu.
Theo ông Vũ Quang Khôi, Phó Cục trưởng Cục ĐSVN, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, Cục đã đề xuất khoảng 10 tuyến đường sắt hiện có thể triển khai kêu gọi xã hội hóa. Cùng với đó là 3 dự án đường sắt kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), PPP (hợp tác công - tư). Trong số này, các tuyến Yên Viên - Lào Cai và Gia Lâm - Hải Phòng, Cục ĐSVN đang đề xuất hình thức đầu tư PPP thí điểm nhượng quyền kinh doanh, khai thác; tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh trước mắt sẽ đề xuất nhượng quyền khai thác trên một số tuyến, khu đoạn chưa thực hiện hết năng lực... Đối với các bãi hàng, kho ở nhà ga sẽ nhượng quyền quản lý, kinh doanh bãi hàng theo hình thức PPP là chính.
Các chuyên gia cho rằng, trong số các dự án, hạng mục dự kiến kêu gọi xã hội hóa, các bãi hàng, kho hàng có khả năng hấp dẫn nhà đầu tư hơn bởi nguồn vốn đầu tư không nhiều và thời gian hoàn vốn nhanh hơn. Các bãi hàng, kho hàng này lại có lợi thế là tập trung chủ yếu ở các ga lớn như: Hà Nội, Đông Hà, Diêu Trì, Sóng Thần, Yên Viên, Kép... Với các dự án đầu tư tuyến đường sắt, do nguồn vốn đầu tư quá lớn nên phải tìm được các nhà đầu tư thực sự có năng lực, thông qua các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư rõ ràng, minh bạch. Mỗi dự án xã hội hóa thành công sẽ góp phần tạo nên cơ sở hạ tầng tốt, nâng cao được năng lực cạnh tranh vận tải, từ đó thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư vào đường sắt.
22 đơn vị thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải cổ phần hóa trong năm 2015 gồm Công ty Vận tải hành khách Hà Nội, Công ty Vận tải hành khách Sài Gòn; 15 Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt; 5 Công ty TNHH MTV Thông tin tín hiệu đường sắt.
Theo Tuấn Khải (HNM)