Gió cũng như thơ, có thể vượt ra ngoài ngữ pháp…(*)
Được cầm trong tay tập bản thảo mới của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng “Ngữ pháp gió”, tôi đã nghĩ ngay rằng đây là một tập thơ ngông, một cái ngông đủ sang trọng, lại hồn nhiên, đáng yêu và hoàn toàn chấp nhận được ở thời chúng ta đang sống!
Thi sĩ thời nào mà lại chả ngông, không kể đến những bậc “tiên tửu” như Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Tản Đà, Trần Huyền Trân, Bùi Giáng…; chỉ ngay trước mắt ta thôi, cái ngông của thi sĩ thời nay cũng vẫn có gì đáng được nể trọng lắm chứ! Được cầm trong tay tập bản thảo mới của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng “Ngữ pháp gió”, tôi đã nghĩ ngay rằng đây là một tập thơ ngông, một cái ngông đủ sang trọng, lại hồn nhiên, đáng yêu và hoàn toàn chấp nhận được ở thời chúng ta đang sống! Nhà thơ chỉ vừa ngửa cổ uống một trái dừa ở trước những tòa tháp cổ thôi mà giọng đã rất ngông, hơn cả khi tu cạn be rượu tràn đầy chuếnh choáng:
“…ngửa đầu uống một kinh thành
nét mày Phật Thệ vừa thanh thản cười,
giang tay viết giữa mây trời
câu thơ hào sảng tặng người hào hoa!”…
(Uống nước dừa bên tháp Vijaya)
Chỉ say nước dừa Bình Định thôi khi được uống cạn trong đó hình bóng tháp Vijaya, nét mày Phật Thệ và cả bóng dáng kinh thành Chăm Pa xưa cũ, thứ “rượu dừa đặc sản” đó đậm chất Bình Định làm sao và cũng đậm đà chất thơ Nguyễn Thanh Mừng làm sao!. Và khi đã bước vào khung trời và không gian thơ của Nguyễn Thanh Mừng, chúng ta dễ dàng chấp nhận thứ “ngữ pháp gió” huyền ảo của thơ anh, nó cho phép ta chỉ cần khơi gợi, chỉ cần nói tắt bằng những ký hiệu ngôn từ giản dị là đã đủ mở ra cả một không gian suy tưởng rộng dài trong đó:
“Rằng từ sỏi đá sim mua
Mẹ tôi đã xếp nắng mưa thành làng…”
Hai câu mở đầu bài thơ “Bên sườn núi” đó cũng mở đầu cho cả tập thơ, chỉ với 14 âm tiết đã gợi bao suy tưởng về sự hình thành những làng quê nghèo miền Trung, từ sỏi đá sim mua với dài dặc nắng mưa trong cuộc đời lam lũ chai sần, liên miên đánh vật với đất với trời, để tạo dựng nên xóm, nên làng, có đồng lúa, có vườn cây, có ao cá, có hơi người ấm áp… từ biết bao thế hệ các bà mẹ của chúng ta. Những liên tưởng đầy đặn như gió chạy ùa qua khe hở vừa được khơi gợi nên từ những con chữ đơn sơ, đã cho ta thấy trọn những gì mà các cụ ta xưa hay gọi là “ý tại ngôn ngoại” của thơ. Toàn bộ các bài trong “Ngữ pháp gió” đều được cấu tạo hầu như theo cách khơi gợi ấy, nó là một thứ ngữ pháp ở ngoài ngữ pháp, một kiểu liên tưởng đậm chất thi sĩ chỉ có thể khám phá trọn vẹn khi cộng hưởng cùng cảm xúc. Tôi thích giọng thơ hàm súc giàu liên tưởng ấy và còn muốn nói thêm rằng, hình như phải nhờ đến sức cuốn hút ma mị của thể thơ lục bát kỳ diệu thì giọng thơ ấy mới thật đắc địa, sức liên tưởng ấy mới thật sự dễ bề thăng hoa.
Để làm nên thứ thơ như thứ rượu dừa say người ấy, nhà thơ không cần khoe sự khôn ngoan, kinh lịch, trái lại anh chỉ thích trở về những gì thật hồn nhiên, mộc mạc, đến mức tưởng như dại khờ : “Trái sim chín dại chín khờ/ Người thơ ngây trẻ đã thơ ngây già!”. Ai biết được, đấy là một câu tự hào hay cũng tự diễu cợt?
Nói vậy mà chưa hẳn vậy - lại cũng là một kiểu nói tưởng như rất hồn nhiên, buông thả thế thôi, nhưng nghĩ lại không phải là không ẩn dấu nhiều ngậm ngùi nhân thế bất chợt, nó khiến ta bỗng chạnh lòng vì cái vẻ bên ngoài, tưởng chừng quá ngây thơ và cũng “quá nhu mì” của nó:
“Tôi và em chầm chậm đi
cùng muôn khoai lúa nhu mì dưới mưa,
nhu mì bên cõi sau xưa
nhu mì cả giữa cái chưa nhu mì!”
( Dưới mưa)
Cái cách nói tưng tửng và ít lộ gì ra ngoài ấy đôi lúc khiến ta giật mình. Ví dụ như nhà thơ đã kể rất giản dị và vắn tắt về việc anh nhặt được một trái dừa, anh chưa kịp uống bèn vùi xuống bên đường để dành tạm đấy. Anh quên đi, và bao năm sau quay lại, quả dừa vùi dưới đất đã mọc thành cây - chi tiết này không biết có nên tin không - nhưng nó đã tạo được một câu thơ có sức liên tưởng sâu xa:
“Bao năm quay lại chốn này
lặng nhìn kiệt tác lỡ tay mà thành!”
Câu thơ ngỡ chừng vụng dại, ngu ngơ mà bỗng hóa ra rất triết lý!. Ưu thế của “Ngữ pháp gió” đã cho Nguyễn Thanh Mừng có được cách nói giả bộ ngu ngơ, tuyệt vời khiêm tốn như thế mà lại cũng không thua kém phần ngông ngạo:
“Thưa tôi gié lúa Rồng Tiên
bước chân Giao Chỉ dạt bên Chiêm Thành,
sông Hồng ướt áo tàn canh
ngàn năm thấm tháp ngọn ngành chửa khô
Tôi về gõ cửa muôn xưa
một vong bản phía tiễn đưa nghìn trùng
một rồ dại giữa anh hùng
một vô danh giữa chập chùng tuổi tên…”
Đấy là lời tự sự cho “Một đêm Xuân Hà Nội” của anh, một lời tự sự mà bất cứ người Hà Nội gốc nào cũng sẵn sàng sẻ chia, cảm thông và trân trọng!
Khi về đến quê hương Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng còn có những câu thơ tưởng cũng ngu ngơ cứ như không, mà khiến ta phải nổi gai người. Tôi nhớ trong một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một câu cũng làm tôi gai người lên như thế, đó là câu “Những ngày buồn rủ tóc âm u/ Nghe tiền thân về chào tiếng lạ…”. Nhạc sĩ trong phút giây cảm thông thảng thốt với đất với trời, với mình và với cả cái vô cùng vô tận của thiên nhiên, đã chợt nghĩ, biết đâu tiếng dế kêu ri rỉ, tiếng ễnh ương ộp oạp, tiếng chim giẽ giun lách chách trong lùm cây trước mặt lại chẳng là tiếng của tiền kiếp gọi mình!. Còn Nguyễn Thanh Mừng thì viết: “Cá chim tráo kiếp anh hùng” - tưởng như kiếp sau của những người anh hùng, liệt nữ…bị tru di tam tộc ấy, chưa thể nào kịp trở lại làm người được, đã hóa thân vào kiếp các sinh vật khác. Và không chỉ là cá là chim, họ còn như con rùa con hạc đội đèn, đội giá thờ… trong đền trong chùa. Và 4 câu thơ cuối của bài Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ có cái vẻ an phận thật đau xót:
“Hai vai chồng lặng vợ hiền
binh thư đã cũ, trận tiền đã xưa,
non sông duyên hạc phận rùa
thương nhau gánh miễu gánh chùa tặng nhau!”
Sức liên tưởng trong “Ngữ pháp gió” đôi lúc lặng lẽ đến cam chịu như thế, nhưng là một sức nén mang đến sự bùng nổ. Có nhiều chỗ, cái “lò xo nén” trong thơ Nguyễn Thanh Mừng làm bùng dậy khí phách xa xưa thật thú vị,cái hào khí kiểu hiệp sĩ, tưởng chỉ có ở thời trung đại, biết đâu vẫn còn nóng hổi đến giờ:
“Tôi cầm một nắm đêm tàn
ném vào thành lũy bàng hoàng cung đao
qua truông mượn gió để chào
mượn đôi cánh én gọi hào kiệt bay”…
Hay một biến tấu khác khi ngồi với chén rượu ngả nghiêng bên phế tích:
“Mượn thềm phế tích chiều rơi
thả vào dâu bể ánh cười phù du
…
ừ mình cũng thích làm vua
sông chưa đến lũ bỗng thừa con đê!”
Chất cổ kính và chất mới mẻ trong thơ Nguyễn Thanh Mừng đã hòa quyện hữu cơ vào nhau, không tách bạch và không tạo ra những ốc đảo thơ biệt lập, nó là một dòng chảy hài hòa, xuyên suốt từ xưa đến sau, nhịp nhàng và thuyết phục trong thơ anh, và đã có ngay từ những câu thơ từng xuất hiện trong tập “Ngàn xưa”, in từ cuối thế kỷ trước mà đến nay nhiều người vẫn nhớ:
“Muốn vo nếp gặp Lang Liêu
muốn trồng dưa gặp mái chèo An Tiêm
muốn dâng đốt sáo nỗi niềm
ngang trời giăng một bóng thuyền Trương Chi ”…
Hoặc:
“Nghe đồn vua xứ Chà Bàn
dâng miền Ô Lý rước nàng vu quy,
tôi mang rượu đến biên thùy
hắt lên mây trắng biệt ly cả cười…”
Đó không chỉ là tấm lòng “lân sắc lân tài” với công chúa Huyền Trân trong sử sách, đó là tấm lòng say mê và ngưỡng mộ Cái Đẹp Vĩnh Cửu và Tình Người Cao Cả, ngay cả hôm nay cũng rất cần thiết trong thơ. Nguyễn Thanh Mừng đã chứng tỏ được với chúng ta điều quý giá đó của tấm lòng anh, của chất thi sĩ đích thực trong anh, qua những tập thơ mê đắm âm điệu và tiết tấu lục bát huyền diệu của anh. Sau nhà thơ Đồng Đức Bốn khoảng hơn một chục năm về trước (mà tôi cũng đã có dịp giới thiệu về tài làm thơ lục bát của anh, nay đã quá cố), tôi lại tìm ra được niềm tin vững chắc, rằng nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng hôm nay, là một trong các nhà thơ hiếm hoi của chúng ta, hội đủ khả năng để chuyển tải thành công tâm hồn phong phú và tinh tế của mình đến với đông đảo công chúng yêu thơ, chỉ bằng một bệ phóng Thơ giản dị - một bệ phóng chuyên dụng mà hiệu nghiệm, xưa cũ mà hiện đại - đó chính là thể thơ lục bát.
Nhà thơ BẰNG VIỆT
(*): Giới thiệu tập thơ của Nguyễn Thanh Mừng (Nxb. Hội Nhà văn 2014)