Bà đầm Ý làm dâu xứ nẫu
Ẩn sau khuôn mặt rất Tây với sống mũi cao, mái tóc bạch kim là một tâm hồn đậm chất Việt. Không chỉ ăn được mắm tôm, sầu riêng, Elena Pucillo còn nói chuyện bằng tiếng Bình Định quê chồng khiến bạn bè cười... thâu rầu!
Cặp chồng Việt - vợ Ý Trương Văn Dân và Elena Pucillo vốn là mối tình đầu của nhau. Sau gần 40 năm sống ở Ý, họ đã bỏ ngang tất cả công việc để chuyển hẳn về Việt Nam. Là tiến sĩ ngôn ngữ và văn học nước ngoài, chị Elena Pucillo Truong đi dạy tiếng Ý và Văn hóa Pháp tại Trường ĐH KH-XH&NV TP.HCM, dạy tiếng Ý ở nhạc viện và viết sách bằng tiếng Ý. Anh Trương Văn Dân thì ngoài viết và dịch sách còn kiêm luôn nhiệm vụ làm “Honda ôm” đưa đón vợ đi dạy, dịch sách của vợ sang tiếng Việt.
Người đàn bà Ý “điên”
Ngay từ khi Elena Pucillo còn là một thiếu nữ, biết chị yêu chàng trai người Việt Nam thì bạn bè chị lúc đó rất ngạc nhiên. Họ đoán già đoán non mối tình này không chóng thì chày cũng tan vỡ như không ít đôi Việt-Ý khác. Thế rồi mối tình kéo dài 13 năm trước khi diễn ra đám cưới, họ đâm ra khó hiểu. Và đến khi chị Elena quyết định đến quê chồng sinh sống hẳn thì họ đoán chắc chị “bị điên”.
Hẳn nhiên anh Dân và chị Elena không quan tâm lời người ngoài cuộc bởi tình yêu anh chị dành cho nhau thế nào, tình yêu ấy đến từ đâu thì chỉ có mỗi họ biết rõ. Ngày ấy, anh là chàng du học sinh mới 19 tuổi ngơ ngác đặt chân lên đất Ý. Trong cái TP Milano ấy chẳng biết ông trời có ý đồ gì không mà xui khiến ngày hôm đó cô nữ sinh Elena Pucillo 16 tuổi bỗng đi bơi ở cái hồ bơi xa lắc khu nhà mình với lý do hồ bơi gần nhà bị hỏng. Cuộc gặp tình cờ của anh Dân và chị tại hồ bơi đã để lại trong nhau ấn tượng tốt đẹp. Với anh, chị là một thiếu nữ xinh xắn, đa cảm. Còn với Elena, anh là chàng trai rất hiền lành, chân thành mà cũng đầy ý chí. Sau này cả hai nhận ra họ không thể sống thiếu nhau một khi họ có chung một tâm thức thời đại của một thế hệ trẻ trưởng thành từ hai đất nước cách xa nhau, cùng có lòng nhân hậu và chung tình yêu vô tận với văn chương, nghệ thuật. Là đứa con trong gia đình mà cha mẹ ly hôn, Elena như cảm thấy được bù đắp tình thương với gia đình rất mực gắn bó chan hòa của anh Dân. Và trên hết vượt lên trên mọi sự tầm thường và bình thường, vẻ đẹp của tài năng và tâm hồn chính là hấp lực mà họ đã tìm thấy ở nhau để người này cứ không ngừng trầm trồ về người kia. Anh Dân đã đem điều này vào tản văn Milano - Sài Gòn: Đang về hay sang?: “Elena, lúc nào cũng cô độc, thui thủi, việc gì cũng phải tự lo, thế mà luôn ân cần và vui vẻ, lúc nào cũng muốn mọi người xung quanh được chăm sóc một cách chu đáo. Nhiều lúc tôi nghĩ là cô ta còn “nợ” tôi từ tiền kiếp. Và kiếp này “phải” trả”.
“Làm cô dâu Việt rất vui”
Năm 1985, thời ít người nước ngoài đến Việt Nam, nếu có thì đa số là người Liên Xô, nói chi đến đám cưới có chú rể người Việt và cô dâu Tây tóc vàng, da trắng bóc. Thế nên ai gặp Elena cũng “xổ” tiếng Nga. Lần đầu Elena về Bình Định quê chồng, một đám người đủ già trẻ bé lớn xúm quanh xin... sờ chiếc mũi của chị để xem làm thế nào mà nó cao vút được như vậy.
Cha của anh Dân vốn cũng là dược sĩ và giỏi tiếng Pháp nên có thể nói chuyện thoải mái với con dâu bằng tiếng Pháp. Anh Dân cho biết cha chồng và nàng dâu nói chuyện rất hợp và rất quý nhau. Cha chồng còn đặt cho con dâu cái tên tiếng Việt na ná tên thật của Elena là Lê Thị Lê Na. Elena luôn coi cái tên này là kỷ niệm đẹp mà cha chồng ban tặng mình trước khi ông qua đời vào năm 1987.
Chuyện mẹ chồng Việt và cô dâu Ý thoạt tiên mới thật là hài. Elena kể, năm 1990, mẹ chồng sang Ý và ở lại chơi với vợ chồng chị nửa năm. Mẹ chồng, theo lời Elena chỉ biết nói “tiếng Bình Định” chứ không biết nói tiếng Việt. Mà chị trong thời gian đầu mới làm con dâu thì chị chỉ biết tiếng Việt bập bõm. Họ chỉ còn có cách giao tiếp với nhau đến mỏi cả tay nhưng tuyệt đối kiên nhẫn và thông cảm cho nhau. Một lần mẹ chồng nàng dâu đi siêu thị. Cứ Elena bỏ chiếc chảo vào giỏ hàng, sơ suất quay đi thì mẹ chồng len lén đem trả lại quầy hàng. Phải đến mấy lần như thế thì chiếc chảo cũng về được đến nhà trong nỗi hoang mang của cả hai. Thắc mắc của hai bên đã được người thông ngôn là anh Dân làm rõ: Mẹ chồng không hiểu sao con dâu lại lẩn thẩn đi mua làm gì cái chảo bị thủng chằng chịt, còn con dâu không thể giải thích với mẹ chồng rằng chẳng qua chị mua nó để... nướng hạt dẻ. Hiểu ra rồi mẹ chồng, nàng dâu lại ôm nhau cười ngất. Ấy là chuyện của gần 40 năm trước, chứ bây giờ Elena nói tiếng Việt thì khỏi chê!
Người mẹ chân quê thích ăn trầu cau đã thương con dâu mình bằng tình thương hết sức hồn hậu, mộc mạc. Hiểu con dâu sống ở Việt Nam xa quê hương, gia đình và bạn bè thân thương nên bà luôn tìm cách làm cho chị cảm thấy có người thân bên cạnh. Chính bà là người rước vong linh mẹ ruột của Elena ở Ý sang Việt Nam rồi gửi lên chùa nên lúc nào chị cũng cảm thấy ấm áp và không đơn độc trên quê chồng. Cũng trong lần mẹ chồng sang Ý, biết mẹ chồng không quen sử dụng đồ điện, hơn nữa lại là các thiết bị hiện đại nên ngoài việc hướng dẫn cho mẹ từng li từng tí các tiện nghi khác trong nhà, riêng bình nước nóng lạnh giao cho mẹ sử dụng thì chị không yên tâm nên chị trở thành người tắm cho mẹ hằng ngày.
Hiện nay người mẹ chồng đã 94 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn đã chuyển từ Bình Định vào TP.HCM sống với gia đình người con trai cả. Chị và mẹ chồng thường xuyên gặp gỡ chăm lo cho nhau. Mẹ dạy chị nấu ăn hầu hết món Việt. Theo chân mẹ, chị đi thăm rất nhiều chùa và trở thành Phật tử. Mùa Vu Lan mỗi năm, chị lại vừa xốn xang vừa tự hào cài lên ngực áo mình một bông hồng trắng và một bông hồng đỏ. Hỏi cảm xúc khi làm một cô con dâu Việt, Elena cười tươi: “Rất thương và rất vui!”.
Không chỉ làm con dâu Việt mới vui, với Elena làm người Ý hồn Việt càng vui lạ. Chị nghe nhạc Trịnh Công Sơn từ thuở đầu những năm 1970 trên đất Ý. Đi tiệc tùng cứ thích mặc áo dài. Món Việt nào chị cũng ăn ngon lành từ sầu riêng đến mắm tôm. Chị ăn sầu riêng ngon lành đến nỗi anh Dân vốn không ăn được nhưng nhìn tức mà phải tập ăn! Gặp ai chị cũng xởi lởi tay bắt mặt mừng bằng tiếng Việt. Bình thường chị nói giọng Sài Gòn nhưng lúc cao hứng chị phang luôn giọng Bình Định, giọng Quảng, rồi cả giọng Huế khiến mọi người ôm bụng cười.
Rù rì vợ viết, chồng dịch
Một phút tự do là cuốn sách thứ hai do anh dịch cho chị vừa được NXB Văn hóa Văn nghệ phát hành. Họ như đôi chim cúc cu, lặng lẽ yêu và cống hiến cho văn hóa Việt.
Vốn là người nghiên cứu và phát triển dược phẩm với chuyên môn và bằng cấp “xịn” của châu Âu nhưng anh Trương Văn Dân lại rẽ ngang viết và dịch sách. Ngoài sáng tác hai tập truyện ngắn Hành trang ngày trở lại và Milano - Sài Gòn: Đang về hay sang?, anh còn gây ấn tượng cho văn đàn Việt Nam bằng cuốn tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa. Trong tiểu thuyết này, anh lồng ghép vào đường tình và số phận trắc trở của nhân vật chính những vấn đề bức thiết của thời đại. Anh đã chỉ ra một cách nhẹ nhàng mà đầy tính thuyết phục về sự vô nghĩa và phi lý của xã hội công nghiệp hóa và toàn cầu hóa. Anh chỉ rõ những nhu cầu ích kỷ, tham vọng của con người.
Song hành với viết, có một công việc khác đem lại cho anh Dân nhiều hứng thú không kém, đó là dịch tác phẩm của vợ. Cặp vợ chồng này có cách làm việc khá lạ lùng: Vợ không bao giờ hé răng với chồng mình định viết gì, ý tưởng thế nào mà chỉ lặng lẽ viết. Rồi đột ngột vợ đem “trình làng” tất cả với chồng. Lúc đó, người chồng tha hồ đọc, thổn thức và ngạc nhiên với thế giới nội tâm phong phú cũng như trí tưởng tượng tuyệt vời của vợ. Anh nói anh thích đón đợi và tận hưởng những cảm xúc bất ngờ này. Đôi khi anh thấy phảng phất bóng dáng của chính mình qua một vài nhân vật trong các truyện ngắn mà chị dựng nên. Việc chuyển ngữ từ tiếng Ý sang tiếng Việt các sách của chị còn ai hiểu và làm tốt công việc này hơn anh. Cách dịch của anh là cố gắng duy trì nhiều nhất tư duy, cá tính và văn phong của chị. Mà tư duy và văn phong của chị thì nói như nhà văn Dạ Ngân: “Truyện nào cũng dung dị và có dư âm (...) Chúng ta nhìn thấy một trái tim hiểu biết, dịu dàng với một cách tư duy không như người Việt”. Trước Một phút tự do, anh Dân cũng đã dịch cho chị tập truyện Bóng của ngày.
Nếu trong một cuộc hội ngộ văn chương của làng văn Việt bạn nghe một giọng nữ nói tiếng Việt theo cách là lạ, nếu tình cờ bạn đi ngang chung cư Ngô Tất Tố ở quận Bình Thạnh mà trông thấy một tóc đen chở một tóc bạch kim đang cười toe toét bằng xe máy thì đó chính là đôi vợ chồng “cúc cu” Trương Văn Dân và Elena Pucillo Truong.
Theo Hồng Thu (PLTPHCM)