Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ
Các đợt mưa lũ từ đầu tháng 12 đến nay đã gây nhiều thiệt hại cho sản xuất vụ Đông Xuân (ĐX) trên địa bàn tỉnh. Hệ thống giao thông toàn tỉnh cũng bị hư hỏng; nhiều tuyến quốc lộ (QL), tỉnh lộ, bị lún, sạt lở, gây ách tắc giao thông... Hiện các ngành chức năng và các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ.
Nhiều thiệt hại
Do ảnh hưởng liên tiếp của cơn bão số 4, số 5 và các đợt áp thấp nhiệt đới cùng với không khí lạnh tăng cường, nhiều ngày qua trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra mưa lớn. Riêng đợt mưa từ ngày 11 đến ngày 14.12, lượng mưa phổ biến từ 70-190 mm. Lượng mưa lớn cộng với nước đầu nguồn đổ về các dòng sông gây lũ cục bộ ở nhiều địa phương.
Khắc phục sự cố sập cầu Lồ Ồ trên tuyến ĐT 635 xã Cát Tường (Phù Cát). Ảnh: N.HÂN
Theo thống kê của Sở GT-VT, trên các tuyến QL: 19, 19B, 19C, nước lũ đã tràn qua mặt đường ở một số đoạn, gây hư hỏng trên diện rộng, làm khoảng trên 7.000 m2 mặt bê tông nhựa bị bong tróc, trên 3.000 m3 đất đá nền đường bị sạt lở. Mưa lũ cũng đã làm các tuyến tỉnh lộ bị hư hại nặng. Tuyến ĐT 639 (Nhơn Hội - Tam Quan) đoạn tại km33 - km35; km65 - km66 bị nước lũ tràn qua mặt đường, gây hư hỏng nền mặt đường bê tông nhựa 3.700 m2, đất nền đường bị sạt lở 500 m3, bồi lấp 250 m3. Trên tuyến ĐT 640 (cầu Ông Đô - Cát Tiến) nước lũ tràn qua đường đoạn từ km16+00 - km19+00, gây hư hỏng nền đường bê tông nhựa khoảng 1.700 m2, sạt lở 1.200 m3 và bồi lấp 550 m3. Cầu Lồ Ồ tại km5+294 thuộc tuyến ĐT 635 nối trung tâm huyện Phù Cát với xã Cát Tường bị nước lũ làm sụp mố cầu phía Tây...
Tại huyện Phù Cát, mưa lũ đã làm 2.835 ha lúa ĐX bị ngập úng, trong đó có 1.191 ha lúa bị thối, trôi mất giống và 22 tấn giống đã ngâm nhưng không sạ được. Hạ lưu bờ đê đập Bộ Tròn ở xã Cát Khánh bị sạt lở nghiêm trọng, gây sa bồi thủy phá 23 ha đất sản xuất. Huyện Tuy Phước có 125 nhà sập và nhiều ngôi nhà dân bị hư hỏng nặng. Huyện Hoài Nhơn có 2.164ha lúa bị ngập, trong đó trên 1.000 ha lúa bị hư hỏng phải gieo sạ lại.
Theo số liệu thống kê của các sở, ngành, mưa lũ đã làm sập 136 nhà dân và 28 ngôi nhà khác bị hư hỏng; nhiều cầu, cống, đập dâng bị hư hỏng. Mưa lũ cũng đã làm ngập úng 10.000 ha lúa ĐX mới gieo sạ, trong đó có khoảng 5.000 ha lúa bị trôi, thối, mất giống (tương đương khoảng 600 tấn lúa giống)...
Ngày 15.12, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến bàn biện pháp khắc phục mưa lũ và sản xuất vụ ĐX 2014-2015. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo nhiều giải pháp quan trọng nhằm khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân.
Ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho rằng, số nhà sập và nhà bị hư hỏng khá nhiều và phần lớn số hộ có nhà bị sập, hư hỏng đều thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, trong khi đó, mức hỗ trợ thiệt hại cho người dân theo các quy định của Nhà nước hiện hành vẫn còn thấp, nên người dân rất khó xây dựng, sửa chữa nhà để ở. Đề nghị ngoài số tiền hỗ trợ theo quy định, tỉnh cần hỗ trợ thêm kinh phí cho người dân xây dựng, tu sửa nhà ở. Lãnh đạo các địa phương cũng đồng tình với ý kiến nói trên, đồng thời kiến nghị tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí và lúa giống để khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Sở NN-PTNT đã xuất 66 tấn lúa giống dự phòng để hỗ trợ cho các địa phương. Hiện Sở NN-PTNT đã điều chỉnh lịch thời vụ gieo sạ và cơ cấu giống phù hợp nhằm hạn chế thiệt hại do thời tiết, đảm bảo năng suất cây trồng, nước rút đến đâu chỉ đạo nông dân tiến hành gieo sạ đến đó...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu đến ngày 16.12, Sở LĐ-TB-XH phải trình UBND tỉnh ban hành Quyết định về mức hỗ trợ cho người dân có nhà bị sập và bị hư hỏng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhanh chóng xây dựng, và tu sửa nhà để đón Tết cổ truyền. Mức hỗ trợ chung đối với hộ có nhà bị sập là 30 triệu đồng và hộ có nhà bị hư hỏng là 15 triệu đồng. Riêng đối với gia đình chính sách có nhà bị sập, tỉnh sẽ hỗ trợ thêm 40 triệu đồng nữa. Hộ nghèo có nhà bị sập, tỉnh sẽ sử dụng nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp để hỗ trợ thêm cho mỗi hộ 10 triệu đồng. Các địa phương phải xác định chính xác và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về đối tượng bị thiệt hại được hỗ trợ. Riêng đối với các hộ có nhà đang tranh chấp, xây dựng nhà ở trên đê bị mưa lũ làm sập, hư hỏng, các địa phương cần phải tìm đất để cấp cho dân, không để người dân sinh sống ở những vùng nguy hiểm và không để xảy ra tình trạng tranh chấp kéo dài.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN-PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần phải theo dõi tình hình thời tiết, điều chỉnh sản xuất phù hợp. UBND tỉnh đồng ý lịch thời vụ, cơ cấu giống đã được ngành Nông nghiệp tỉnh đề xuất. Các địa phương nhất quyết không để nông dân sử dụng thóc thịt để gieo sạ. UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ lúa giống cho các địa phương theo tinh thần địa phương chủ động ứng trước ngân sách để mua lúa giống, Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Sở KH-ĐT, Sở NN-PTNT nhanh chóng kiểm tra thực tế các công trình bị mưa lũ làm hư hỏng và đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục.
Riêng việc khôi phục hệ thống giao thông, ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở GT-VT, cho biết: Các đợt mưa lũ vừa qua đã gây nhiều thiệt hại cho hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh, tổng thiệt hại ước khoảng 35 tỉ đồng. Ngay trong và sau lũ, các đơn vị quản lý đường bộ Trung ương và địa phương đã phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương khẩn trương triển khai phương án khắc phục, cắt cử người túc trực hướng dẫn giao thông tại các vị trí bị ngập lũ nguy hiểm. Ngoài ra, ngành GT-VT tỉnh đã huy động các thiết bị, nhân lực để thông đường trong thời gian ngắn nhất.
Công tác khắc phục hậu quả sau lũ đã được ngành GT-VT tỉnh và các địa phương khẩn trương triển khai. Đến nay, hầu hết những điểm sạt lở đều đã được khắc phục, đảm bảo phục vụ cho việc đi lại, sản xuất, giao lưu hàng hóa của nhân dân. Tuy nhiên, vì thiếu kinh phí, công tác khắc phục hậu quả hiện nay chỉ dừng lại ở việc gia cố, tu sửa tạm thời để đảm bảo giao thông trước mắt.
TIẾN SỸ - NGUYỄN HÂN