Vân Canh: KT-XH chuyển biến tích cực
Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010-2015, huyện đã đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể lồng ghép với các giải pháp chỉ đạo, điều hành trên từng ngành, từng lĩnh vực. Nhờ vậy, kinh tế của huyện giai đoạn 2010-2014 luôn ổn định và có bước tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,8%/năm, riêng năm 2014 đạt 9%.
Thời gian qua, cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục có sự chuyển dịch đúng định hướng, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung và xây dựng trang trại chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Huyện tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tăng cường đầu tư thâm canh, nâng cao hệ số sử dụng đất, chú trọng sản xuất lương thực hàng hóa chất lượng cao...
Trên lĩnh vực trồng trọt, diện tích lúa hàng năm ổn định 1.750 ha, năng suất bình quân 47 tạ/ha. Chăn nuôi phát triển, tổng đàn bò trên 15.000 con, trong đó 50% là bò lai; đàn dê 1.560 con; đàn heo 9.000 con và đàn gia cầm trên 50.000 con. Nhiều mô hình kinh tế vườn đồi và kinh tế trang trại phát triển, tạo ra giá trị hàng hóa khoảng 6,2 tỉ đồng/năm, tạo việc làm cho 1.000 lao động. Về lĩnh vực lâm nghiệp, được sự hỗ trợ của Dự án trồng rừng WB3, bình quân mỗi năm huyện trồng được khoảng 2.000 ha rừng nguyên liệu giấy; tổng giá trị hàng hóa sản xuất lâm nghiệp trên 111 tỉ đồng/năm.
Từ năm 2010 đến nay, huyện đã triển khai đầu tư xây dựng nhiều dự án hạ tầng các loại, với tổng nguồn vốn trên 304 tỉ đồng. Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, như: Hồ chứa nước Ông Lành, hồ Quang Hiển, đường giao thông từ Canh Thuận đi Canh Liên, cầu vượt sông Hà Thanh qua các xã Canh Vinh, Canh Hiển, Canh Hiệp, Canh Thuận… Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, hệ thống giao thông giữa các thôn làng cũng đang dần phát triển... Công tác xóa đói giảm nghèo được quan tâm thực hiện có hiệu quả, mức sống dân cư trên địa bàn tăng đáng kể; mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân cũng được nâng lên; thu nhập đầu người toàn huyện trên 15 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Trọng Hường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, chia sẻ: Có được những thành tựu như ngày hôm nay là nhờ sự lãnh đạo sát sao của tỉnh, sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện, xã, sự đồng thuận cao của nhân dân các dân tộc trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là khai thác được những tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế. Huyện Vân Canh đang trên hướng đi đúng, vừa phát huy được những thế mạnh sẵn có, vừa thích ứng được với những cái mới của đời sống hiện đại, khoảng cách giữa miền xuôi với miền núi đang dần được rút ngắn.
LÊ PHƯƠNG