Quỹ Hỗ trợ ngư dân: Góp phần hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với ngư dân
Quỹ Hỗ trợ ngư dân (HTNN) tỉnh Bình Định được hình thành từ nguồn vốn đóng góp ban đầu của các sáng lập viên và tự tạo vốn, nhằm hỗ trợ và chia sẻ rủi ro với ngư dân hoạt động khai thác hải sản (KTHS) trên biển. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Giám đốc Quỹ HTND, về hoạt động của Quỹ trong thời gian qua.
* Ông đánh giá như thế nào về hoạt động KTHS xa bờ của ngư dân tỉnh ta?
- Bình Định là một trong những tỉnh có đội tàu KTHS trên các vùng biển xa lớn nhất cả nước, với trên 7.344 tàu cá, trong đó 2.744 tàu có công suất từ 90 CV trở lên, cùng 21.800 thuyền viên thường xuyên hoạt động khai thác, đánh bắt xa bờ. Những năm gần đây, ngư dân tỉnh ta đã chú trọng đầu tư nâng công suất tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ và lắp đặt các thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động KTHS xa bờ. Qua quá trình tuyên truyền, vận động, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương ven biển trong tỉnh, đến nay ngư dân tỉnh ta đã thành lập được 318 tổ đoàn kết KTHS với 1.144 tàu tham gia. Ngoài ra, tại huyện Hoài Nhơn đã thành lập 1 HTX KTHS với 6 tàu cá của ngư dân tham gia.
Nhờ hỗ trợ, chia sẻ nhau trong việc tìm kiếm nguồn lợi thủy sản và hỗ trợ trong việc đảm bảo an toàn tàu cá, nên hầu hết các tổ đoàn kết KTHS trên biển đều hoạt động rất hiệu quả. Tuy vậy, khách quan nhìn nhận, tỉnh ta vẫn còn nhiều tàu cá công suất nhỏ, cũ kỹ, kém khả năng chịu đựng sự tác động của sóng gió, dễ xảy ra tai nạn khi hoạt động khai thác, đánh bắt trong mùa mưa bão. Điều đáng lo ngại là thời tiết, khí hậu trên biển ngày càng diễn biến phức tạp, mỗi năm có rất nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện, đôi khi không theo quy luật, rất khó dự báo, nên ngư dân gặp rất nhiều rủi ro khi hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển.
* Được biết, trong thời gian qua, Quỹ HTND của tỉnh ta đã hoạt động tích cực, góp phần hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với ngư dân; ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
- Quỹ HTND là Quỹ xã hội từ thiện, hoạt động không vì lợi nhuận, mà nhằm mục đích hỗ trợ nhân đạo và từ thiện trên nguyên tắc tự tạo vốn, tự trang trải và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của mình. Quỹ được hình thành từ nguồn vốn đóng góp ban đầu của các sáng lập viên và tự tạo vốn trên cơ sở huy động sự đóng góp tài chính một cách hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, nhằm thực hiện việc hỗ trợ và chia sẻ rủi ro với ngư dân khi đang KTHS trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Điều đáng mừng là Quỹ HTND đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Từ ngày thành lập Quỹ (4.7.2013) đến nay, Quỹ đã nhận được sự đóng góp, hỗ trợ của 26 tổ chức và 50 gia đình ngư dân trong-ngoài tỉnh với tổng số tiền trên 5,912 tỉ đồng. Đáng chú ý là Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Bình Định là đơn vị đầu tiên và cũng là thành viên sáng lập Quỹ đã đóng góp 1 tỉ đồng; tiếp đến, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hỗ trợ 1,2 tỉ đồng; Tổng Công ty SATRA hỗ trợ 500 triệu đồng; Bảo Việt Bình Định 100 triệu đồng...
Năm 2014, Quỹ HTND tỉnh đã thực hiện 3 đợt hỗ trợ ngư dân. Trong đó, tháng 6.2014, Quỹ đã hỗ trợ 3 tàu cá của ngư dân gặp tai nạn trên biển bị thiệt hại nặng, mỗi tàu 50 triệu đồng và hỗ trợ cho 30 tàu trong chương trình phát động phong trào vươn khơi bám biển, mỗi tàu 5 triệu đồng. Tháng 7.2014, Quỹ đã hỗ trợ 3 tàu ngư dân bị thiệt hại nhẹ, mỗi tàu 10 triệu đồng. Tháng 11 vừa qua, Quỹ tiếp tục hỗ trợ cho 2 hộ gia đình có ngư dân bị chết do tai nạn trên biển, mỗi hộ 5 triệu đồng; hỗ trợ cho 21 thuyền viên bị chìm tàu được cứu sống, mỗi thuyền viên 2 triệu đồng. Sự hỗ trợ của Quỹ HTND đã góp phần giúp ngư dân vượt qua khó khăn trước mắt, để tiếp tục vươn khơi bám biển KTHS và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
* Ngư dân hoạt động trên biển thường gặp nhiều rủi ro do thiên tai, tai nạn; để đảm bảo an toàn cho ngư dân, ngành chức năng và ngư dân cần phải làm gì, thưa ông?
- Để đảm bảo an toàn cho ngư dân, bên cạnh việc kiểm tra, giám sát hoạt động đăng ký đăng kiểm tàu cá của ngư dân, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tăng cường cán bộ túc trực tại 2 Trạm bờ ở TP Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn để giám sát tàu cá và thông tin liên lạc qua lại với ngư dân. Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã củng cố lực lượng phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) chuyên ngành thủy sản; phối hợp với Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn tổ chức phổ biến, tập huấn hướng dẫn ngư dân các biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai và tổ chức sản xuất KTHS theo tổ, đội đoàn kết.
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và không cho tàu cá ngư dân hoạt động KTHS khi chưa đảm bảo an toàn đường thủy; cung cấp cho các địa phương ven biển địa chỉ và thông tin liên lạc của thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN chuyên ngành thủy sản tỉnh; các điểm neo đậu tàu thuyền trú tránh bão để chính quyền địa phương thông báo cho ngư dân biết. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp thêm kinh phí vào Quỹ HTND, đồng thời tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, động viên và hỗ trợ ngư dân, giúp bà con vượt qua khó khăn, yên tâm ra khơi bám biển sản xuất.
Bà con ngư dân cũng phải xác định, nghề KTHS trên biển thường gặp rất nhiều rủi ro, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, ngư dân cũng cần chủ động các phương án phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Ngư dân cần phải kết nối hệ thống thông tin liên lạc với cơ quan chức năng, đồng thời cần phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó với thiên tai, mưa bão, không nên chủ quan khi ra khơi khai thác, nhất là trong mùa mưa bão. Khi nhận được thông tin về bão hoặc áp thấp nhiệt đới, ngư dân cần phải di chuyển tàu cá tìm nơi tránh trú an toàn.
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)