Vietnam Report: "Nhiều doanh nghiệp đã phục hồi sức khỏe"
"Các doanh nghiệp Việt Nam đang rất tự tin và đầy lạc quan trước môi trường và triển vọng kinh doanh khi khá nhiều doanh nghiệp đã hoàn toàn phục hồi sức khỏe và hoạt động đầy hứng khởi trong thời gian qua. Kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một sự tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn 2015 – 2020 tới đây".
Đây là nhận định của Báo cáo nghiên cứu thường niên Policy Debate số 8, với chủ đề: Khả năng phục hồi kinh tế Việt Nam: Góc nhìn của doanh nghiệp lớn do Công ty Vietnam Report công bố ngày 17.12.
Nghiên cứu được tiến hành với 5.000 doanh nghiệp trên toàn quốc phục vụ cho việc xây dựng Bảng xếp hạng VNR500 – 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014. Vietnam Report đã tiến hành điều tra khảo sát, lấy ý kiến về thực trạng kinh doanh 2014 và triển vọng kinh tế 2015, với nhóm đối tượng chính là cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất và hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, bao gồm các doanh nghiệp lớn VNR500 từ năm 2007 đến nay.
Báo cáo nhận định, bức tranh kinh tế Việt Nam về cơ bản đã có phần sáng sủa hơn so với giai đoạn khó khăn trước đó. Trong năm 2014 đã xuất hiện khá nhiều tín hiệu khả quan cho tăng trưởng như kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức tương đối cao và ổn định, đầu tư từ FDI vào Việt Nam tăng, xuất khẩu tăng, tỷ lệ lạm phát giữ ở mức thấp…
Trong năm 2015 tới đây, nhiều chuyên gia nhận định kinh tế Việt Nam sẽ “tăng tốc hơn đôi chút” và trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Đây cũng là quan điểm chủ đạo của cộng đồng doanh nghiệp lớn trong nghiên cứu lần này.
Phần đông doanh nghiệp lớn nhận định, doanh thu của doanh nghiệp đều tăng hoặc cơ bản ổn định so với năm trước. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng kinh doanh đang xấu đi giảm dần qua các năm. Khảo sát doanh nghiệp lớn năm 2012 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp nhận định tình hình kinh doanh 2012 xấu hơn 2011 là 21,9%, trong khi tới năm 2014, tỷ lệ này giảm còn 9,1%.
Sở dĩ các doanh nghiệp lớn có thể tự tin đến như vậy một phần dựa trên thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của họ trong năm vừa qua. Theo thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500, tổng doanh thu của Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014 đạt xấp xỉ 2.354 nghìn tỉ đồng, tăng 14,8% so với Top 10 năm 2013.
Những thành quả hoạt động sản xuất kinh doanh tốt của nhóm doanh nghiệp lớn cũng làm tăng thêm kỳ vọng kinh doanh cho năm 2015 và khiến cơ cấu nhóm“doanh nghiệp bi quan” tiếp tục co lại chỉ còn 7,1%.
Phần lớn doanh nghiệp đánh giá “giảm lãi suất tín dụng” là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực vay cho doanh nghiệp và khơi thông nguồn tín dụng. Theo ý kiến của nhiều đại diện, sau ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp hiện nay đang có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhiều hơn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do khả năng sinh lời của doanh nghiệp đang có xu hướng giảm trong khi lãi suất cho vay trung và dài hạn của các NHTM dù đã giảm nhưng không thể xuống dưới mức 8%/năm.
Nhận định về những cản trở gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, 44,4% cho rằng thủ tục hành chính còn rườm rà khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn không ít khi thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước.
Những khó khăn tiếp theo liên quan tới hạ tầng cơ sở (37,4%), giá cả nguyên vật liệu đầu vào (31,3%) và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường (31,3%).
Tương tự, khi đánh giá về môi trường đầu tư tại Việt Nam, đa số doanh nghiệp cho rằng hiệu quả của dịch vụ hành chính đang ở mức rất thấp (có tới 88,2% đánh giá “kém”), bên cạnh cơ sở hạ tầng kém (40,7%) và khó tiếp cận đất đai (35,4%) làm hạn chế phần nào cơ hội đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo Tư Hoàng (TBKTSG)