Cảng Quy Nhơn đón tấn hàng thứ 7 triệu trong năm 2014: Sự bứt phá ngoạn mục
Ngày 20.12.2014, Cảng Quy Nhơn (CQN) sẽ tổ chức lễ đón tấn hàng thứ 7 triệu, sau cột mốc 6 triệu tấn hàng hóa vào năm 2013. Trong khi tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn tiếp tục khó khăn, sản lượng 7 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng năm 2014 chứng tỏ sự nỗ lực lớn của đội ngũ lãnh đạo và CBCNV CQN. Sự kiện này ghi thêm một mốc son trong lịch sử phát triển của doanh nghiệp (DN).
Từ sản lượng 5 triệu tấn hàng hóa thông qua CQN năm 2011, đến 6 triệu tấn năm 2013, cách nhau 2 năm. Từ 2013 đến 2014, chỉ sau một năm, sản lượng hàng hóa thông qua CQN đã tăng lên mức 7 triệu tấn, thể hiện một quá trình vượt khó, bứt phá mạnh mẽ của CQN. Ngay từ đầu năm 2014, nhận định tình hình kinh tế trong nước và khu vực còn nhiều khó khăn, ngành vận tải biển chưa phục hồi, lãnh đạo CQN đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra những giải pháp chủ yếu và phương án tổ chức sản xuất linh hoạt, hợp lý, nên kết quả thực hiện vượt kế hoạch đề ra.
Nỗ lực vượt bậc
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần CQN, chia sẻ: Có được thành tích như trên là nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố. Về khách quan, trước hết là đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước được Cảng vận dụng chặt chẽ; cùng với sự chỉ đạo của Bộ GT-VT, Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN), Tổng công ty HHVN. Đặc biệt, chúng tôi rất trân trọng sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định với những ý kiến quan trọng đến Chính phủ, Bộ GT-VT để có những chính sách, biện pháp thiết thực tạo điều kiện cho CQN hoạt động ổn định và phát triển. Các sở, ban, ngành của tỉnh và TP Quy Nhơn, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải... đã tích cực hỗ trợ CQN vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các chủ hàng, chủ tàu, các đơn vị sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu và nội địa đã tín nhiệm lựa chọn và gắn bó với CQN, hỗ trợ, chia sẻ trong những thời điểm khó khăn, phối hợp hiệu quả trong quá trình tổ chức khai thác, xếp dỡ hàng hóa...
Về phía chủ quan, CBCNV CQN luôn nhận thức đúng đắn vai trò của một cảng trọng điểm phục vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, quốc phòng của khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên; đồng thời là cơ sở hạ tầng quan trọng để xây dựng TP Quy Nhơn trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ và giao thương quốc tế của khu vực. Từ đó, CBCNV CQN đã đoàn kết, tích cực, năng động, sáng tạo để vượt qua khó khăn trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về trang thiết bị, hạ tầng và không còn nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Phúc: Hiệu quả khai thác cầu bến của CQN đạt 8.500 tấn hàng/m cầu, là một trong số ít cảng biển trong cả nước có hiệu quả khai thác cao, được khách hàng đánh giá là cảng có năng suất xếp dỡ cao trong cả nước. CQN luôn là cảng dẫn đầu tại khu vực miền Trung trong những năm gần đây về sản lượng hàng hóa thông qua hàng năm. Đồng thời, khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, DN chủ động hơn trong định hướng đầu tư, kinh doanh phù hợp với thực tế và xu hướng của khu vực. DN có đủ phương tiện thiết bị để xếp dỡ các mặt hàng, có đội ngũ công nhân lành nghề; phương thức sản xuất, thiết bị, công cụ bốc xếp thường xuyên được cải tiến để nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian tàu chờ và chi phí sản xuất.
CQN đã chủ động lập phương án nâng cấp cầu bến để tiếp nhận tàu hàng đến 50.000 DWT, được Bộ GT-VT, Cục HHVN chấp thuận cho khai thác, đem lại lợi ích lớn cho chủ hàng, chủ tàu, tiết kiệm chi phí vận chuyển, giảm thời gian giải phóng tàu, tăng hiệu quả khai thác cầu bến. Trong sản xuất, Cảng đã thực hiện thay đổi mô hình tổ chức sản xuất từ 3 đội còn 2 đội, đã giảm tăng ca đúp, bù giờ, đảm bảo được sức khỏe cho người lao động; đồng thời áp dụng mô hình trả lương trực tiếp theo sản phẩm, từ đó năng suất lao động tăng cao, năng suất bốc xếp một số mặt hàng (xi măng, phân bón...) tăng từ 170 tấn/ca lên đến 270 tấn/ca...
Tăng tốc phát triển
Năm 2015, theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế thế giới và trong nước có nhiều triển vọng tăng trưởng. Tại khu vực, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh hơn và là động lực phát triển cho cả khu vực duyên hải miền Trung. Các dự án đầu tư lớn vào khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên có nhiều chuyển động tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN dần ổn định sẽ thúc đẩy tăng trưởng chung của cả khu vực. Đồng thời, căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế, cùng với chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào tỉnh Bình Định và thực tế tăng trưởng hiện nay, dự báo sản lượng hàng hóa thông qua các cảng tại khu vực Quy Nhơn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian đến.
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, căn cứ Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 mở rộng CQN giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn sau năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 9.2014, CQN sẽ thực hiện các bước đi tiếp theo để triển khai Dự án phát triển mở rộng CQN, đáp ứng sản lượng thông qua cảng đến năm 2020 từ 15 đến 18 triệu tấn/năm, và sau năm 2030 từ 25 đến 30 triệu tấn/năm.
Về mặt kinh doanh, Cảng nỗ lực giữ ổn định thị trường hiện có, mở rộng phạm vi khai thác để thu hút các nguồn hàng mới từ khu vực Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, tạo thế và lực để CQN tiếp tục là một trong những đơn vị khai thác cảng dẫn đầu trong hệ thống cảng biển cả nước.
Sản lượng hàng hóa thông qua CQN năm 2014 ước đạt 7,1 triệu tấn, tăng 13,5% so với năm 2013; tăng 8% so với kế hoạch năm 2014. Trong đó, hàng xuất khẩu tăng 11,5%; hàng nhập khẩu tăng 14,7%; hàng nội địa tăng 13,7%. Sản lượng hàng container đạt 85.000 teus (967.884 tấn), tăng 40% so với cùng kỳ.
Doanh thu 500 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế 45 tỉ đồng, tăng 60,7% so với năm 2013 và tăng 28,6% so với kế hoạch. Nộp ngân sách 30,5 tỉ đồng, tăng 2% so với kế hoạch năm 2014. Thu nhập bình quân CBCNV 16 triệu đồng/người/tháng.
NGUYÊN VŨ