Nông dân Tuy Phước thu nhập cao từ hoa huệ
Hoa huệ là cây trồng khá phổ biến ở huyện Tuy Phước. Năm 2014, toàn huyện có 106 ha huệ, cho thu nhập trên 16,3 tỉ đồng (bình quân 154 triệu đồng/ha). Hoa huệ được trồng nhiều ở các xã Phước An, Phước Lộc, Phước Hiệp, Phước Sơn, Phước Hòa; riêng xã Phước Hiệp chiếm gần 65% diện tích huệ cả huyện.
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, diện tích trồng hoa huệ của xã gần 70 ha/năm, đây là loại cây trồng có nguồn thu nhập cao và ổn định, thu hút nhiều hộ tham gia sản xuất. Trong vài năm trở lại đây, địa phương và ngành chức năng vận động bà con nông dân trồng huệ theo hướng thâm canh nên năng suất đạt khá. Xã cũng hoán đổi một số diện tích trồng các loại cây khác kém hiệu quả sang trồng hoa huệ, đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, giúp tăng thu nhập và nâng cao đời sống nông dân.
Ông Nguyễn Ngọc Thẩn, ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, có thâm niên 10 năm trồng hoa huệ, thổ lộ: Bà con chúng tui quen gọi hoa huệ là cây “xóa đói, giảm nghèo”, giúp làm giàu có hiệu quả. Nhiều hộ trồng hoa huệ đã cất được nhà, sắm xe máy, ti vi, tủ lạnh và các vật dụng đắt tiền, lo cho con cái ăn học đầy đủ. Cả thôn hiện có 152 hộ trồng huệ, hộ ít 1 sào, nhiều thì cả mẫu (10 sào). Riêng gia đình tui năm rồi trồng 6 sào, nhờ thâm canh cao nên huệ phát triển tốt, đạt năng suất 10.000 bông/sào, bán với giá bình quân 2.000 đồng/bông tại ruộng, thu về 120 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi được 60 triệu đồng.
Tuy nhiên, do trồng huệ cho thu nhập cao đã kéo theo giá thuê đất ở Phước Hiệp tăng mạnh so với năm trước, không dưới 2 triệu đồng/sào/năm. Vì vậy, nhiều nông dân Phước Hiệp đã thuê đất ở xã khác với giá thuê rẻ hơn để trồng hoa huệ.
Nhiều thương lái khắp nơi đổ về đây mua hoa huệ tại ruộng, tùy theo bông nhiều, hay ít, nở đúng hoặc sau ngày 30, mùng 1 hay 14 và rằm Âm lịch hàng tháng mà giá mua có phần khác nhau, từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/bông. Bà Nguyễn Thị Hà, chuyên mua bán hoa huệ ở xã Phước Nghĩa, cho biết: Thị trường hoa huệ “ăn” rộng lắm. Tùy theo yêu cầu của bạn hàng ở Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Đà Nẵng… “phôn” đặt hàng, chuyển tiền vào tài khoản trước, tôi liền gọi các hộ trồng hoa xác định số lượng để mua gom trong ngày rồi gởi xe khách chuyển hàng đi.
Mấy năm nay cây hoa huệ được xác định là cây trồng chủ lực của một số địa phương thuộc huyện Tuy Phước. Nhờ phát triển mạnh diện tích trồng huệ nên đời sống của nhiều hộ nông dân khá lên. Tuy nhiên, do giống hoa huệ trồng đi, trồng lại nhiều lần, đã dần bị thoái hóa, sâu bệnh gây hại nhiều, năng suất có phần bị chững lại. Bà con nông dân trồng huệ ở Tuy Phước mong ngành chức năng hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhân rộng giống hoa huệ cấy mô để giữ vững năng suất loại cây trồng này.
XUÂN THỨC