Giáng sinh nhớ và ấm…
Ngày trước, nhà tôi ở xóm biển và sát cạnh một cái chợ có tên là chợ Xổm, nhóm vào buổi chiều.
Suốt thời thơ ấu của tôi là ở đây, thuộc về cư dân của vùng này với cuộc sống, thường xuyên, là nghèo khó. Không ít gia đình phải chen chúc nhau trong những căn nhà nhỏ hẹp và chắp vá. Vậy mà rất khác, khi mùa Giáng sinh trở lại.
Bàn chân vừa đặt tới chợ và mắt, gặp ngay ngôi nhà đầu xóm đã thấy ngay hàng chữ “Merry Chrismas and Happy New Year” (*) chấp chới đèn xanh, đỏ. Nhà của ông bà Minh bán tạp hóa ấy mà. Rồi tiếp tới nhà dì May với hang đá đẹp và rất lớn, choán hết cả khoảng hè phía trước. Và liền kề đó là hang đá nhà bác Nho, chú Phúc… Hang đá dẫn bước chân người. Từng hang đá một. Mùa Giáng sinh, đã như thể, khoác lên cái xóm nhỏ của chúng tôi một tấm áo mới. Dẫu, vẫn thế con đường vào chợ, khập khễnh, nước tù đọng, cá mắm tanh tưởi. Vẫn thế, những con ngõ của xóm biển, cát lún ngập bước chân. Vẫn thế những ngôi nhà rách, túm tụm lấy nhau mà sao tháng Mười hai về, tất cả bỗng sạch sẽ và tươi tắn hẳn.
Tôi đi giữa xóm, ngang chợ, lòng phấp phới bao niềm sướng vui.
Hang đá nhà tôi bao giờ cũng được làm muộn nhất. Khéo, chỉ trước Noel có một tuần. Khi mà, bà với mẹ đã tính toán đâu vào đấy việc làm cỗ để mừng Chúa Hài đồng và các chị đã xum xoe quần áo đẹp, diện trong dịp lễ. May là mọi người cùng xúm vào làm nên cũng nhanh. Lên được cái khung sườn rồi tiếp tới là phần bọc ngoài. Giấy dùng che hang đá là vỏ của các bao xi măng được bà kiếm được, tháo tung ra và làm sạch từ trước đấy. Để cho ra vẻ cũ kỹ xù xì, các anh sơn màu tối và vò nhàu giấy. Cuối cùng là trải rơm, đặt tượng và làm các vì sao…
Hang đá nhà tôi thường được đặt dưới mái hiên. Mẹ đi chợ về đứng nhìn cả đỗi, rồi bỏ làn thức ăn xuống, sửa một tị. Bà quét sân cũng quay người, nhìn một chốc rồi buông chổi, sửa một tí. Anh Cả dắt xe đạp vào nhà, trố mắt ngó nghiêng, rồi dựng xe loay hoay sửa. Và chị kề… Cứ mỗi người mỗi tị. Chăm chút cho hang đá nhà mình. Chỉ có bố là tịnh không. Đi làm thì chớ, về đến nhà thay bộ pyjama, lấy cút rượu, thong thả mở nút lá chuối và rót từng cốc nhỏ. Nhâm nhi. Nhâm nhi rất nhiều tị nhưng lại chả sửa một tí nào, mới rõ hay! Hình ảnh bố giữa tiết đông với tay cầm cốc rượu, khuôn mặt trầm ngâm ngắm nhìn hang đá nhà, đẹp quá!
Hẳn đó là mùa Giáng sinh tôi nhớ nhất trong đời. Một Noel rất ấm áp. Sau đó, gia đình tôi dọn lên phố và việc kinh doanh khiến cả nhà tất bật thêm, khi tới Giáng sinh. Nhà rộng nhưng dành chỗ cho việc bán buôn và chất hàng hết cả. Thêm nữa, có ới óng, rủ rê chán cũng chẳng ai muốn động tay. Có một Giáng sinh, anh trai mua tặng tôi một hang đá rất bé và được làm sẵn. Một hang đá rất… cao sang nên chẳng phù hợp chút nào với tinh thần khó nghèo của Chúa. Sợ anh buồn, tôi không nỡ bỏ. Đặt vào một góc trong phòng riêng và mỗi lúc ngắm nhìn, lại thấy nhớ những mùa Giáng sinh năm trước, để rồi mắt mình tự dưng cay sè, muốn khóc.
Rồi cũng tới lúc, từng người một trong gia đình đông đúc của tôi, lần hồi tách rời. Chị theo chồng, anh đi dạy xa, bà mất… Những khoảnh ấm áp trong tâm hồn tôi cứ thu nhỏ lại theo mỗi mùa Giáng sinh đi qua. Rồi thay thế, lặng thầm bằng các vết nứt, lạnh và buồn. Thêm nhiều Noel đến và tôi, thêm hiểu vì sao mình chỉ nhớ nhất mùa Giáng sinh, hồi bé, khi nhà hãy còn ở khu Hai.
Đã mấy chục năm trôi qua… Một quãng thời gian dài và qúa đủ cho những đổi thay: Chợ Xổm đã di dời và được xây cất khang trang. Xóm biển ngày xưa vẫn còn chỉ có sự nhếch nhác, ẩm thấp đã biến mất nhường chỗ cho sự sạch sẽ và bằng phẳng. Những con ngõ thôi, không còn cát lún. Đã được lát bê tông. Những ngôi nhà cũng hết tuềnh toàng, rách nát. To tát và bề thế và từ đó, trong những lần tôi trở về, vọng ra những cuộc nhậu ồn ã. Thì ra người ta mừng Giáng sinh. Mừng, từ rất sớm. Không nhìn vào nhưng tôi biết, không khí rất rộn vui và sự no đủ, hẳn, thừa mứa.
Tôi cũng chỉ dăm lần quay lại, vào khoảng này. Khi tháng mười hai hãy còn lưng lửng…Tôi chỉ quay lại, chứ không, có ước muốn tìm về. Bởi hãy còn trọn vẹn trong tôi những mùa Giáng Sinh có bà, bố mẹ, chị anh. Ngôi nhà tôi xập xệ mà hang đá, đặt rất trang trọng nơi mái hiên. Mái tóc vấn của bà, chiếc áo dài đẹp nhất mẹ diện đi lễ đêm, từng cốc rượu nhỏ, bố nhâm nhi…Bố chỉ nhâm nhi trong những ban mai, giấc chiều, buổi đêm. Nhâm nhi suốt một mùa Giáng Sinh, để được, thư thả ngắm nhìn và hưởng nhận cảnh gia đình đầm ấm. Giờ, tôi hiểu đó là cách bố nhấm nháp hạnh phúc nhà và đó, những cốc rượu vui. Những cốc rượu không phải để uống nạp vì quá phí hoài.
Lòng căng tràn nỗi nhớ. Dường như, Giáng Sinh đang ấm dần trong tôi, vào lúc này, thì phải?
NGUYỄN MỸ NỮ