Nhân Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2014:
Hướng tới duy trì mức sinh thấp hợp lý
Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2014 (từ 1.12 đến 31.12) có chủ đề “Duy trì mức sinh thấp hợp lý vì sự phát triển bền vững của đất nước”. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Văn Quang về một số vấn đề xung quanh việc duy trì mức sinh hợp lý ở tỉnh ta.
Theo ông Nguyễn Văn Quang, mức sinh là tổng tỉ suất sinh, tức là số con trung bình của một người phụ nữ trong suốt cuộc đời sinh đẻ có được (ký hiệu là TFR). Đây là chỉ số đo lường chính xác nhất để mỗi quốc gia hoạch định chính sách về dân số. Mức sinh được gọi là mức sinh thay thế khi đạt 2,1 con/phụ nữ. Nếu quốc gia nào duy trì được mức sinh thay thế ổn định liên tục một thời gian dài thì quốc gia đó ổn định cả về quy mô và cơ cấu dân số.
Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng phê duyệt đặt ra mục tiêu “duy trì mức sinh thấp hợp lý”. Nếu duy trì được mức sinh thấp hợp lý với tổng tỉ suất sinh khoảng từ 1,8-2,0 con/phụ nữ thì đến năm 2050, quy mô dân số nước ta sẽ ổn định ở mức 115-120 triệu người và điều này phát huy được các lợi thế của dân số. Đó là quy mô dân số sẽ ổn định ở mức thấp, cơ cấu tuổi của dân số sẽ cân bằng hơn, giảm dần sự mất cân bằng về mức sinh, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.
* Theo nhận định của Tổng cục DS-KHHGĐ, nước ta hiện có quy mô dân số lớn và vẫn tiếp tục tăng, mức sinh vẫn biến động khó lường, nhiều tỉnh mức sinh còn cao chưa đạt mức sinh thay thế nhưng một số tỉnh, thành mức sinh giảm quá thấp gây bất lợi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông, mức sinh hiện tại của tỉnh ta là cao hay thấp? Dự báo mức sinh của tỉnh thời gian tới như thế nào?
- Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2005 (2,11 con); năm 2009 giảm còn 2,03 con và đến năm 2014 là 2,09 con. Như vậy, trên bình diện cả nước là ổn, tuy nhiên từng vùng miền có sự chênh lệch quá lớn. Các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ có mức sinh thấp, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh năm 2013 giảm rất nhanh, chỉ còn 1,33 con. Trong khi đó, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và miền Trung, mức sinh còn khá cao (xấp xỉ 3 con).
Theo phân loại của Tổng cục DS-KHHGĐ, mức sinh của các địa phương được chia thành 3 nhóm: nhóm 1 có mức sinh dưới 2,1 con, nhóm 2 có mức sinh từ 2,1-2,3 con, nhóm 3 có mức sinh trên 2,3 con.
Bình Định nằm trong số các tỉnh, thành có mức sinh chưa ổn định, gần đạt mức sinh thay thế, dao động từ 2,2-2,3 con. Cụ thể, mức sinh ở tỉnh ta năm 2005 là 2,25 con, năm 2009 là 2,22 con và năm 2014 là 2,3 con. Như vậy, Bình Định nằm ở nhóm 2. Dự báo thời gian đến, mức sinh ở tỉnh ta vẫn dao động quanh mức sinh thay thế. Chúng ta đang đứng trước một thách thức kép trong công tác DS-KHHGĐ: vừa tiếp tục thực hiện công tác giảm sinh, vừa phải thực hiện một số hoạt động nâng cao chất lượng dân số.
Trong giai đoạn hiện nay, thông điệp về dân số không còn là “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 1 hoặc 2 con” mà chuyển thành “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con
* Nhiệm vụ quan trọng trong công tác dân số thời kỳ tới là duy trì được mức sinh thay thế hợp lý. Từ thực tiễn ở tỉnh ta, phải làm gì để đảm bảo tính hợp lý đó? Trong công tác tuyên truyền, cần chú ý điều gì để người dân có chuyển biến về nhận thức đối với việc duy trì mức sinh hợp lý mà không hiểu sai chính sách, dẫn đến sinh nhiều con?
- Trong giai đoạn hiện nay, thông điệp về dân số không còn là “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 1 hoặc 2 con” mà chuyển thành “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Đây là một thông điệp mới chung cho cả nước, là một sự “chuyển hướng” quan trọng thể hiện rõ ràng quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
Tất nhiên, tùy tình hình thực tế từng địa phương mà chúng ta có cách thức tuyên truyền khác nhau để đáp ứng yêu cầu trước sự thay đổi đó. Địa phương nào có nhiều gia đình sinh con thứ 3 trở lên thì các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và đội ngũ làm công tác dân số các cấp phải kiên quyết vận động để hạn chế tình trạng này. Địa phương nào có nhiều cặp vợ chồng nào chưa sinh đủ 2 con thì cần phải động viên khuyến khích họ sinh đủ. Chúng ta cũng cần phải phân tích rõ để người dân hiểu thấu đáo, tránh cách suy diễn sai lệch về chính sách dân số. Chiến lược của công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở tỉnh ta trong thời gian tới là tập trung giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên để duy trì mức sinh thay thế.
* Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)