KÝ SỰ PHÁP ĐÌNH
Dứt tình
Đó là một phiên tòa dân sự yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa người mẹ đã gần 90 tuổi và đứa con nuôi trên 40 tuổi. Nguồn cơn là từ việc tranh chấp đất đai giữa con nuôi chung và con riêng của người mẹ...
Cách đây hơn 40 năm, biết mình không thể có con, ông Th. bàn với vợ nhận một đứa bé 6 tháng tuổi về nuôi, đặt tên là N. Dẫu đã có 2 đứa con riêng với người chồng trước, nhưng bà H., vợ ông Th., vẫn đồng ý. Họ nuôi nấng đứa bé tử tế.
Không công sinh nhưng có công dưỡng
Ngày còn nhỏ, có lần N. hỏi cha về gốc gác của mình nhưng bị cha gạt đi, còn mẹ thì không phủ nhận. Rồi N. có vợ, được ông bà Th. cho đất xây nhà gần bên cạnh. Vợ chồng N. vẫn chạy đi chạy về lo cho cha mẹ, chăm bà H. bị tai biến nằm liệt từ 20 năm nay. Người con trai riêng của bà H. tên Ng., do điều kiện công tác xa nhà, thi thoảng mới tới lui thăm mẹ và cha dượng được. Dẫu chẳng chung huyết thống nhưng tình cảm anh em giữa ông Ng. và ông N. khá tốt đẹp.
Năm 2011, ông Th. qua đời, mối quan hệ giữa ông Ng. và ông N. bỗng dưng xấu đi. Tiếp đến, do tỉnh quy hoạch khu du lịch Hải Giang, nhà ông Th. nằm trong diện giải tỏa, được đền bù. Anh em, mẹ con họ không tự thỏa thuận được phần phân chia, đành phải nhờ đến chính quyền xã, cơ quan chức năng đứng ra dàn xếp nhưng cũng chẳng xong. Từ đó, ông N. nhiều lần uống rượu say, lớn tiếng thóa mạ ông Ng. và người mẹ nuôi. Ở tuổi 89, bà H. ủy quyền cho con trai ruột tên Ng. gửi đơn ra tòa yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
Ông Ng. trình bày: Mẹ tôi từ con (ông N.) là bởi từ năm 2012 bà bị N. xúc phạm, có hành vi ngược đãi. Cụ thể, một lần N. đập đổ cơm canh không cho ăn, một lần khạc nhổ nước miếng, một lần đập cây vào giường của bà và một số lần lớn tiếng xúc phạm mẹ nuôi. Bản thân tôi cũng đã điện báo chính quyền địa phương nhờ can thiệp. “Mẹ tôi đã nhịn nhục nhiều lần rồi, tha thứ nhiều lần nhưng nay mẹ tôi kiên quyết không nhận N. làm con nữa. Đến khi nhắm mặt xuôi tay cũng không muốn N. bịt khăn”, ông Ng. nói với Hội đồng xét xử (HĐXX).
Nhưng ông N. bộc bạch: “Cha mẹ tuy không sinh nhưng có công dưỡng. Mẹ dẫu có từ tôi thì lương tâm tôi không cho phép mình bỏ mẹ. Mai này khi mẹ tôi trăm tuổi, tôi vẫn muốn chít khăn tang trên đầu để trả hiếu cho mẹ dù mẹ tôi không đồng ý”.
Mét đất dứt tình
Thật ra, chính việc tranh chấp đất đai gắn liền với quyền lợi giữa ông Ng. và ông N. mới là căn nguyên đẩy họ ra tòa, như lời thừa nhận của họ trước HĐXX. Cho rằng mình bị xử ép trong việc nhận đền bù giải tỏa và ông Ng. có hành vi muốn chiếm trọn đất đai của cha mẹ nuôi, nên ông N. đã nhiều lần mượn rượu giả say để thóa mạ ông Ng. và mẹ nuôi. Chính vì vậy mà ông N. đã bị CA xã xử lý hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng, đề nghị chính quyền xã áp dụng hình thức giáo dục tại địa phương 6 tháng. Nhưng tại phiên tòa, HĐXX đã công khai biên bản làm việc với chính quyền, CA xã thì không nơi nào xác nhận ông N. có những hành vi ngược đãi, đánh đập mẹ nuôi như đơn ông Ng. trình bày.
“Những năm anh đi làm xa, việc chăm sóc mẹ anh bị liệt và cha dượng anh - chủ yếu do anh N. Từ năm 2011 trở về trước, mối quan hệ giữa các bên đều tốt đẹp?” - một thành viên HĐXX hỏi. Dẫu rất miễn cưỡng, ông Ng. cũng phải thừa nhận thực tế đó. Một thành viên khác trong HĐXX nhắc lại rằng, căn cứ thực tế xác minh tại địa phương, từ những người làm chứng thì không đủ căn cứ để nói là ông N. có hành vi đánh đập, ngược đãi mẹ nuôi.
Phiên tòa diễn ra trong thinh lặng đến lạnh lẽo. Lạnh như cơn gió mùa đông buốt giá đang từng chập giật rít, lùa vào các cửa lớn nhỏ, lan tỏa hơi lạnh trong khán phòng rộng lớn. Sợi dây tình cảm liên kết giữa họ không còn nữa, cộng thêm tranh chấp lợi ích đất đai đền bù, mối quan hệ giữa họ nay không bằng người dưng nước lã. Ông Ng. hiện đã đưa mẹ mình về Khu tái định cư Nhơn Phước (xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn) sinh sống. Căn nhà của ông Th., vì những tranh chấp đang diễn ra, nên ông N. lâu lâu mới về hương khói.
Chiều muộn ngày 18.12, HĐXX TAND TP Quy Nhơn đã tuyên bác yêu cầu chấm dứt nuôi con nuôi của bà H. vì cho rằng không đủ chứng cứ chứng minh ông N. hành hạ, ngược đãi mẹ nuôi.
Ông Ng. nói sẽ kháng cáo vì mẹ ông không thể tha thứ cho ông N. Bản thân ông cũng vậy. Còn ông N. trong lúc chờ nghị án thì cho biết sắp tới ông sẽ gửi đơn thư để hỏi tại sao ông Ng., bà H. có trong danh sách được nhận đất tái định cư mà ông thì không có. “Đất nhà cha tôi dẫu bị giải tỏa một phần nhưng vẫn còn rộng lắm...”, ông N.nói.
Tôi chợt nghĩ có lẽ đây mới là lần đáo tụng đình đầu tiên giữa họ và còn lâu mới đi đến đến hồi kết.
NGUYỄN SƠN