Bán rừng non - “Thiệt đơn, thiệt kép”
Thiếu vốn đầu tư sản xuất, thiếu tiền trang trải cho sinh hoạt gia đình, nhiều hộ trồng rừng trên địa bàn tỉnh chấp nhận bán rừng non. Bà Trần Thị Liễu, một hộ trồng rừng ở xã Canh Vinh (huyện Vân Canh), cho biết: Từ khi bắt đầu trồng rừng đến lúc khai thác thường phải đến 6-7 năm, nhưng do khó khăn về kinh tế nên phải bán non. Gia đình tui có 3 ha rừng keo lai 4 tuổi đang phát triển tốt, nhưng vì kẹt tiền nên đành phải bán non với giá 60 triệu đồng/ha; nếu để thêm 2-3 năm nữa, giá trị sẽ tăng thêm mỗi héc-ta có ít cũng đến 30-40 triệu đồng.
Ông Trần Văn Bảo, ở xã Canh Hiển - Vân Canh, cho biết thêm: Gia đình tôi có 4 ha rừng keo lai đã 4 tuổi, vì thiếu vốn sản xuất nên đành phải bán non. Dù vẫn biết rằng nếu chăm sóc thêm khoảng 3 năm nữa thì trữ lượng gỗ sẽ tăng gấp đôi, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.
Việc khai thác rừng non dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp đối với người trực tiếp trồng rừng, vì vốn đầu tư và công lao động chủ yếu tập trung ở 3 năm đầu (bao gồm trồng và chăm sóc rừng). Từ năm thứ 4 trở đi, chi phí sẽ thấp dần trong khi cây trồng lại tăng trưởng nhanh hơn về mặt sinh khối, đến năm thứ 6 - 7 khai thác thì năng suất và hiệu quả kinh tế rừng trồng sẽ cao hơn rất nhiều.
Theo ông Trần Lê Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, qua nghiên cứu của ngành Lâm nghiệp Việt Nam, không chỉ ở Bình Định, mà hiện có đến 80% chủ rừng trong cả nước (chủ yếu là các hộ gia đình) bán rừng non, mặc dù họ biết rất rõ là lợi ích kinh tế sẽ tăng nếu kéo dài đúng chu kỳ. “Nếu khai thác đúng chu kỳ 7 năm thì năng suất rừng trồng có thể đạt được từ 80-85 tấn/ha, thậm chí 100-120 tấn/ha. Còn nếu mới 4-5 năm đã khai thác thì năng suất chỉ chừng 60-65 tấn/ha” - ông Huy cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (thuộc Sở NN-PTNT), cho biết: Rừng trồng mới 4-5 tuổi mà khai thác thì chỉ bán được cho các nhà máy chế biến dăm. Các nhà máy dăm trong tỉnh hiện đang mua gỗ rừng trồng với giá 1,1-1,2 triệu đồng/tấn. Nếu khai thác đúng chu kỳ 6-7 năm, đường kính của gỗ keo lai, bạch đàn có thể đạt từ 15 cm trở lên, các doanh nghiệp chế biến lâm sản xuất khẩu có thể mua đến 1,5 triệu đồng/tấn để làm nguyên liệu sản xuất, giá trị kinh tế tăng hơn nhiều lần.
Tình trạng khai thác rừng non bán cho các nhà máy dăm vừa khiến hiệu quả trồng rừng đạt thấp; vừa làm mất đi nguồn nguyên liệu lớn phục vụ ngành chế biến lâm sản của tỉnh với gần 170 doanh nghiệp đang hoạt động. Song để khuyến khích người trồng kéo dài chu kỳ khai thác rừng trồng nhằm tăng sản lượng, hiệu quả kinh tế vẫn rất nan giải. Bởi lẽ, hầu hết các chủ rừng trồng hiện nay (hầu hết là nông dân) đang khó khăn về vốn sản xuất, nhưng khó tiếp cận các nguồn tín dụng.
Hầu hết các chủ rừng trồng hiện nay (hầu hết là nông dân) đang khó khăn về vốn sản xuất, nhưng khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng
Theo định hướng của Bộ NN-PTNT, trong thời gian tới, xuất khẩu dăm gỗ sẽ được hạn chế dần, với mục đích nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non xuất khẩu dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn, nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu.
Đối với tỉnh ta, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có những giải pháp cụ thể nhằm từng bước hạn chế xuất khẩu dăm gỗ, như sắp xếp lại, chuyển đổi các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ kém hiệu quả; thu hút đầu tư các nhà máy chế biến sau dăm gỗ như bột giấy, ván nhân tạo, sợi visco cho ngành dệt may; không quy hoạch phát triển mới nhà máy chế biến dăm gỗ.
Ông Trần Lê Huy cho biết thêm: Để khắc phục tình trạng khai thác gỗ non, ngay tại cơ sở cần làm tốt công tác quản lý, quy hoạch, lập phương án sản xuất, thu hoạch. Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ, đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nội vùng; quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến. Đồng thời, cần có chính sách tín dụng ưu đãi theo chu kỳ phát triển của cây trồng để các chủ rừng có điều kiện chăm sóc, tránh nạn bán rừng non như hiện nay.
NGUYỄN HÂN