Gặp người chiến sĩ cuối cùng của đội Việt Minh đầu tiên
Dịp này, cả nước đang tưng bừng những hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (20.12.1944-22.12.2014). Đây cũng là dịp giỗ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người chỉ huy đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Chúng tôi tìm về địa chỉ thôn 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, để tìm gặp cụ Tô Đình Cắm (SN 1922), bí danh Tô Tiến Lực, dân tộc Tày, nguyên quán tại bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Cụ Tô Đình Cắm chính là người đội viên cuối cùng hiện còn sống, trong số 34 bộ đội Việt Minh đầu tiên ấy.
Ông Tô Đình Cắm và di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Người anh cả Việt Minh
“Cảm ơn các cháu đã về nhà ta! Mấy ngày nay nhà nhiều khách thăm lắm!” - Cụ Tô Đình Cắm vừa đón chúng tôi cùng nhóm sĩ quan trẻ của Tỉnh đội Lâm Đồng vào nhà vừa cười khà khà, ấm áp, xưng “ta” thay vì xưng “tôi”- đúng như cách mà tôi vẫn hay hình dung về người vùng cao phía Bắc.
Đó là một ông lão đã ngoại cửu tuần, dáng người đậm chắc, da dẻ hồng hào, tóc bạc như tiên. Cụ cẩn thận bê từ nóc tủ xuống bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho chúng tôi xem và bảo: “Ta nhớ lắm, 70 năm làm lính anh Văn rồi, cả đội đi hết rồi, anh Văn cũng đi rồi, còn ta…”
Người cựu binh già bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng oai hùng của đội quân vệ quốc cách đây hơn hai phần ba thế kỷ, về kỷ niệm xưa với người chỉ huy đầu tiên của đội quân Việt Minh, người mà bây giờ ông vẫn thân thiết gọi là “anh Văn” như thưở ban đầu: “Anh Văn hồi ấy trẻ, đẹp trai lắm, nói chuyện rất hay, lại thông thạo phong tục địa phương. Anh hỏi thăm gia cảnh, khi biết ta mồ côi từ nhỏ, giặc Pháp đốt mất nhà, anh xúc động lắm. Anh dặn: Bà con phải hết sức giữ bí mật, bọn Tây đông, nhiều súng đạn, nhưng ta không được sợ, khi thời cơ đến ta sẽ đánh đuổi hết chúng nó ra khỏi bản làng, đồng bào mình sẽ được sống yên ổn, ấm no…”.
Vào buổi chiều lịch sử ngày 22.12.1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Tô Đình Cắm và 33 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã cùng anh Văn tuyên thệ. Vài ngày sau đó, đội quân Việt Minh non trẻ đã lập được những chiến công vang dội đầu tiên ở Phay Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu.
Trong thời gian này, tờ báo tiền thân của lực lượng vũ trang - tờ “Tiếng Súng Reo” viết bằng tiếng phổ thông ra đời, Tô Đình Cắm được chọn là người dịch, viết ra tiếng Tày để phát hành ra các tổ chức quần chúng khác. Sự ra đời của tờ báo đã kịp thời phục vụ công tác tuyên truyền, huấn luyện, giáo dục bộ đội, tạo tiền đề cho các tờ báo của lực lượng vũ trang sau này.
Hồi ấy, bọn tay sai của Pháp ở Tam Kim săn lùng Việt Minh rất dữ. Chúng ra giá: “Phải săn bằng được đầu Tô Đình Cắm và Tô Đình Tuy (một đội viên trong đội Việt Minh), ai săn được một đầu cộng sản, quan Tây thưởng 300 cân muối!”. Ngày ấy muối với bà con người Tày, người Dao quý hơn vàng, vậy nhưng không ai phản bội, cả đội luôn được bà con chở che, nuôi dấu.
Ông Tô Đình Cắm (phải) và đồng đội trong Chiến dịch Biên giới 1950.
Bộ đội phải làm cho dân thương như con trong nhà
Hỏi chuyện về người chỉ huy đầu tiên của mình, ông bùi ngùi nhớ lại: “Ta mồ côi cha từ bé, anh Văn hơn ta chỉ chục tuổi, nhưng ta coi như cha. Nhiều đêm, nằm chung lán, ngủ say quá, ta gác cả chân lên người anh Văn, anh bảo: Cái thằng này, mày gác quá làm anh không ngủ được! Mắng vậy, nhưng anh vẫn cho ngủ cùng. Hằng ngày anh còn chỉ cho biết nết ăn, nết ở với đồng bào Mán phải thế nào, với đồng bào Mèo phải ra sao. Anh dặn: ăn ở phải biết khiêm tốn, đừng lấy bất cứ thứ gì của nhân dân, muốn chiến đấu trong lòng dân thì phải làm cho dân thương như con cái trong nhà. Mỗi lần đi công tác về bản, anh đều dùng tiếng Tày, tiếng Mán để nói chuyện với bà con nên ai cũng yêu, cũng phục”.
Kể đến đây, ông cụ đưa tay vuốt ve bức ảnh Đại tướng, giọng bỗng chùng xuống: “Anh Văn hiền vậy nhưng lại rất nghiêm, có lần ta bị phạt, nhớ mãi đến giờ… Đó là lần ta bị thằng phản động truy đuổi trong rừng, ta căm nó lắm, vì biết rõ nhà nó nên ta về xin anh Văn cho giết cả gia đình nó để cảnh cáo. Anh Văn chẳng những không cho mà lại còn phạt ta trước toàn đội. Anh bảo: không được giết người vì lòng căm tức cá nhân, làm như vậy là mình cũng bất nhân như kẻ thù, làm mất lòng tin của nhân dân, làm hại tổ chức!”.
Đến đây, mắt ông cụ tự nhiên sáng rực: “Anh Văn nhớ tài lắm nhé, kể từ sau ngày thành lập Đội Việt Minh, ta không còn được ở gần bên anh nữa, anh là Đại tướng cơ mà! Ấy, thế mà cái hồi năm 2000, anh vào thăm Quân khu 7, biết ta ở trong này, anh cho tìm gặp. Vừa thấy, anh đã ôm chầm lấy, rồi nói bằng tiếng người Tày của ta: Tiến Lực đấy à, trông cậu bây giờ già hơn tớ rồi, sao cậu không đưa phu nhân đi cùng? Trời ơi, hơn nửa thế kỷ rồi mà anh Văn vẫn nhớ cái bí danh của ta, lại còn nói tiếng của người Tày nữa chứ!”.
Đang kể chuyện, ông cụ chợt khóc nấc, rồi trở mình trên ghế, xỏ tay vào chiếc áo ấm màu xám trắng đang khoác hờ trên vai. Ông chậm rãi lau nước mắt và nâng vạt áo lên nghẹn ngào: “Cái áo này quý lắm, quý nhất đời ta đấy, nó là của anh Văn cho hôm gặp lại đấy, mặc áo ấm này là nhớ đến ngày xưa kháng chiến gian khổ, đói rét…Giờ áo còn đây mà anh Văn đã đi rồi…” Nói rồi ông đứng dậy, bước đến bên bàn thờ Đại tướng, khêu lại ngọn đèn: “Ngày nghe tin anh Văn mất, ta muốn đi viếng mà cái chân yếu quá không đi nổi nữa, thôi đành lập cái bàn thờ trong nhà để ngày ngày nói chuyện với anh vậy! Dân bản ta từ xưa đã coi anh là con cái trong nhà rồi!”.
Thắng giặc xong mình lại về với vợ con, nương rẫy
Sau chiến công đầu của đội Việt Minh ở Phay Khắt, Nà ngần, tháng 1.1945, Tô Đình Cắm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 8.1945, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Bắc Cạn, rồi ngay sau đó cùng đoàn quân Nam tiến đánh Tây, vào chiến đấu tận Rạch Giá, Kiên Giang. Tháng 6 năm 1946, ông bị thương ở chân, được chuyển về Cao Bằng. Tháng 10.1947, Tô Đình Cắm lại xung phong tái ngũ và được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng Trung đội Pháo binh. Năm 1950, Tô Đình Cắm góp mặt trong trận đánh Đông Khê của chiến dịch Biên giới và bị thương ở vai. Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền bắc, Tô Đình Cắm giải ngũ về quê. Năm 1992, khi đã vào tuổi 70, do cuộc sống kinh tế khó khăn, ông cùng gia đình chuyển vào Đạ Tẻh, Lâm Đồng lập nghiệp. Suốt nhiều năm, do giấy tờ chứng thương của ông bị thất lạc hết, nên mãi đến tháng 7.2013, sau 67 năm của lần bị thương đầu tiên, ông mới được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 trao giấy chứng nhận thương binh. Tháng 12.2013, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và tỉnh Lâm Đồng đã trao tặng nhà tình nghĩa cho ông. Căn nhà được xây dựng khang trang, rộng 120m² với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng (tại thôn 8B, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng).
Kết thúc chiến tranh, trong 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày ấy, có người đã hy sinh, có người tiếp tục theo nghiệp nhà binh đã lên cấp tướng, có người rẽ ngang với cuộc sống đời thường. Riêng Tô Văn Cắm lại trở về làm bạn với cái cày, cái cuốc, không quân hàm, chức tước. Trong suy nghĩ của chàng trai Tày trẻ trung ngày ấy và nay đã là ông lão tuổi cao gần thế kỷ: Theo Cách Mạng đi chiến đấu không phải là để lấy chiến tích, công danh, mà đơn giản chỉ là : “Đất nước có giặc, mình phải đánh! Thắng giặc xong rồi, mình lại về nhà với vợ con, nương rẫy thôi!”. Đồng đội xưa, nay tất cả đã thành người thiên cổ. 34 chiến sĩ năm xưa, 33 người đã khuất, nhưng những kỷ niệm về một thuở hào hùng, oanh liệt của Đội Việt Minh đầu tiên vẫn không phai nhòa trong ký ức của người lính già.
Trước lúc chia tay, ông cụ cho chúng tôi chụp lại bức ảnh ông trong trang phục quân nhân đang xem hình Đại tướng, mắt ông rực sáng:“Qua ngày giỗ anh Văn là đến ngày kỷ niệm QĐND các cháu nhỉ! Các cháu trẻ, các cháu là bộ đội cụ Hồ, ta già, ta cũng vẫn là bộ đội Cụ Hồ!”.
PHƯƠNG LAN